Theo Thiếu tướng Lê Thanh Sơn, đầu năm 1975, ông là Tỉnh đội trưởng Cần Thơ, đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị thực hiện nghiêm chủ trương “tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”. Trên cơ sở đó, Tiểu đoàn Tây Đô được chia làm 3 mũi giáp công đồng loạt tấn công vào các đơn vị hành chính của bộ tư lệnh vùng 4 chiến thuật của ngụy. “Một mũi đi vào hướng sân bay Trà Nóc, một mũi đi từ Châu Thành và một mũi đánh chiếm Đài Phát thanh Cần Thơ. Ngày 28-4-1975, bọn tướng tá, nhân viên cao cấp Mỹ-ngụy tại tòa lãnh sự Mỹ hoang mang cực độ, kéo nhau xuống tàu hải quân đậu ở bến Ninh Kiều chạy ra biển, trong đó có tên đại tá, tỉnh trưởng Huỳnh Ngọc Diệp. Lập tức, tướng ngụy Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh quân đoàn 4 và vùng 4 chiến thuật chỉ định tên đại tá ngụy Trần Cửu Thiên lên nắm quyền tỉnh trưởng kiêm thành trưởng Cần Thơ. Nam cũng ra lệnh tử thủ, ban hành lệnh giới nghiêm 24/24 giờ, đồng thời điều gấp 4 trung đoàn chủ lực, 1 trung đoàn bảo an, 2 thiết đoàn xe thiết giáp M113 về giữ tuyến lộ Vòng Cung, chống trả quyết liệt các cánh quân của ta nhằm bảo vệ cơ quan đầu não”, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn nhớ lại.

leftcenterrightdel
 Thiếu tướng Lê Thanh Sơn kể chuyện đánh chiếm vùng 4 chiến thuật. Ảnh: Trung Kiên

Rạng sáng 30-4, các mũi đồng loạt xuất quân tiến công. Đến trưa, qua radio biết Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng ở Sài Gòn, báo hiệu hệ thống ngụy quân, ngụy quyền hoang mang, sụp đổ và tan rã. Đây là điều kiện cho miền Tây Nam Bộ đồng loạt đứng lên giành lại chính quyền, tự giải phóng. Thiếu tướng Lê Thanh Sơn kể tiếp: Khoảng 15 giờ ngày 30-4, lực lượng ta chiếm được đài phát thanh. Ông Nguyễn Văn Lưu (Năm Bình), Bí thư Thành ủy Cần Thơ đọc bản tuyên bố xóa bỏ chế độ ngụy quyền phản động. Trong nội dung tuyên bố có đoạn: “Đồng bào Cần Thơ thân mến! Đại diện Ủy ban nhân dân cách mạng Cần Thơ đã tiếp thu Đài Phát thanh Cần Thơ. Quân Giải phóng sẽ vào tiếp quản Cần Thơ, đồng bào hãy bình tĩnh, giữ gìn trật tự an ninh chung, bảo vệ tài sản, tính mạng đồng bào. Cương quyết trừng trị bọn cướp bóc, hãm hiếp, phá hoại. Ủy ban nhân dân cách mạng Cần Thơ tuyên bố: Xóa bỏ ngụy quyền phản động kìm kẹp đồng bào. Giải tán các LLVT, bán vũ trang thuộc ngụy quyền Sài Gòn. Giải tán tổ chức chính trị phản động... Cơ hội ngàn năm đã đến. Thành phố Cần Thơ kiên cường, bất khuất đã được giải phóng”.

Sau khi để một trung đội tiếp quản, bảo vệ đài phát thanh, đồng chí Lê Thanh Sơn chỉ huy lực lượng phát triển vào bộ tham mưu vùng 4 chiến thuật gặp viên chuẩn tướng, phó tư lệnh Lê Văn Hưng. Thiếu tướng Lê Thanh Sơn kể: “Lúc đó, hắn giữ cửa không cho mình vào, nhưng cũng không dám nổ súng. Anh Tài, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tây Đô nói: “Ở Sài Gòn, Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng, các ông phải hạ vũ khí để Quân Giải phóng tiếp quản”. Hưng trả lời: “Chúng tôi phải chờ lệnh trên”. Tiếp đó, chúng tôi tiến qua dinh tỉnh trưởng gặp chuẩn tướng ngụy Mạch Văn Trường. Hắn nói: “Tôi ở đây chờ các ông để trao đổi sự hòa giải. Nhưng tôi muốn biết, các ông ở đâu mà ra rất nhanh?”. Tôi nói ngay: “Ở đâu có dân thì Quân Giải phóng có mặt. Các ông phải ra lệnh cho các đơn vị thuộc quyền hạ súng giao cho Quân Giải phóng, ra lệnh cho toàn bộ binh sĩ về gia đình với vợ con”. Cùng lúc này, các đơn vị khác của ta đồng loạt qua phá khám lớn giải thoát tù chính trị, xuống bến Ninh Kiều chiếm giữ các tàu hải quân...”.

Nhưng có lẽ ấn tượng nhất trong cuộc đời quân ngũ của Thiếu tướng Lê Thanh Sơn là lúc gặp tên thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam tại dinh thự cá nhân sau đó. Giống như các tướng lĩnh thuộc cấp, Nam nói rằng chờ Quân Giải phóng vào để thương lượng. Lê Thanh Sơn nhấn mạnh: “Không thương lượng gì cả. Các ông phải ra lệnh cho lực lượng thuộc quyền ở các tỉnh trong khu vực hạ súng đầu hàng, giữ nguyên vị trí, không được để súng nổ bất ngờ”. Nguyễn Khoa Nam chấp nhận. Nhưng sau đó Lê Văn Hưng và Nguyễn Khoa Nam đều tự sát, kết thúc cuộc đời của kẻ bán nước, tay sai.

KIÊN GIANG