Xây dựng thế trận bảo vệ biên giới
Trò chuyện với Đại tá Đỗ Trung Kiên, Phó chính ủy Sư đoàn 395 về truyền thống của Sư đoàn, tôi nhớ tới những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: Nếu tất cả trở về đông đủ/ Sư đoàn tôi sẽ thành mấy sư đoàn...
Quả thật vậy, Sư đoàn 395 tiền thân là Sư đoàn 325B thuộc Quân khu Tả Ngạn, hình thành từ các Trung đoàn: 566, 567, 568 làm nhiệm vụ huấn luyện cán bộ, chiến sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau này, Trung đoàn 2 (Trung đoàn Hải Hưng), Trung đoàn 8 biên chế về đội hình Sư đoàn cũng đều là những đơn vị huấn luyện bộ đội cho chiến trường miền Nam.
Đại tá Trần Văn Quý, 91 tuổi, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 395, hiện trú tại khu dân cư An Thái, thị trấn Phú Thái (Kim Thành, Hải Dương), kể: “Một ngày cuối đông, tại khu Đồi Ngô, xã Tiên Hưng, huyện Lục Nam, tỉnh Hà Bắc (nay là thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), Sư đoàn tổ chức công bố Quyết định 222 ngày 26-12-1974 của Bộ Quốc phòng thành lập Sư đoàn 325B. Sư đoàn có nhiệm vụ tuyển chọn, huấn luyện cán bộ, chiến sĩ chi viện cho các chiến trường miền Nam, đồng thời là lực lượng cơ động dự bị của Bộ Quốc phòng. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn rất tự hào được tiếp nối truyền thống Sư đoàn 325-Đoàn Bình Trị Thiên anh hùng, lập nhiều chiến công vang dội trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”.
|
|
Đại tá Trần Văn Quý (giữa) trao đổi với cán bộ của Sư đoàn 395 tại nhà riêng. Ảnh: HƯƠNG THU
|
Chỉ trong gần 4 tháng đầu năm 1975, Sư đoàn 325B đã tổ chức tuyển chọn, huấn luyện, chi viện cho chiến trường miền Nam 29 tiểu đoàn với gần 18.000 quân. Cán bộ, chiến sĩ được rèn luyện ở Sư đoàn đã phát huy truyền thống quê hương vùng châu thổ sông Hồng, thần tốc cơ động cùng các đơn vị vào miền Nam, góp phần vào chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đầu năm 1976, thực hiện Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III về nhiệm vụ của Quân đội, Sư đoàn 325B được Bộ tư lệnh Quân khu Tả Ngạn (tháng 5-1976 hợp nhất thành lập Quân khu 3) điều động về địa bàn tỉnh Quảng Ninh làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng trên hướng Đông Bắc Tổ quốc. Toàn Sư đoàn tiến quân vào mặt trận mới, làm đường; phát triển kinh tế lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp với củng cố quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu. 3 năm (1976-1978), Sư đoàn đã trồng và phủ xanh hàng nghìn héc-ta đất trống, đồi trọc; làm mới, tu sửa hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông; xây dựng hàng chục trạm y tế, trường học, trạm thủy điện; đào đắp hàng trăm nghìn khối đất đá, quai đê lấn biển, mở rộng hàng trăm héc-ta đầm nuôi trồng thủy sản. Những công trình tiêu biểu như: Đập thủy lợi ở Quảng Long, Voòng Lá, Voòng Vu, Quất Động; đê Xuân Hòa, Xuân Hải; đường Đình Lập-Bản Chắt, Hoành Mô-Đồng Văn... đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng.
“Tháng 7-1978, tôi được bổ nhiệm Tham mưu trưởng Sư đoàn 325B và cùng với tập thể Đảng ủy Sư đoàn lãnh đạo ổn định tổ chức biên chế, tư tưởng của bộ đội khi đội hình Sư đoàn được điều động về trực thuộc Quân khu 1. Tháng 4-1979, Đặc khu Quảng Ninh được thành lập, Sư đoàn được biên chế về Đặc khu Quảng Ninh và đổi phiên hiệu thành Sư đoàn 395. Trong thời gian này, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn tổ chức huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, lập nhiều chiến công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên hướng được giao. Sư đoàn còn nhận được sự chi viện, hỗ trợ của lực lượng thanh niên xung phong, dân công các địa phương: Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng và tự vệ vùng mỏ Quảng Ninh trong phục vụ chiến đấu, cứu thương, xây dựng điểm tựa... Tháng 8-1979, tôi được bổ nhiệm Phó sư đoàn trưởng và đến tháng 8-1982 được bổ nhiệm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 395 trực thuộc Đặc khu Quảng Ninh. Thời gian ấy, tôi đã cùng tập thể chỉ huy Sư đoàn đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến đấu, chi viện các chiến trường, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên địa bàn biên giới Đông Bắc Tổ quốc”, Đại tá Trần Văn Quý khẳng định.
Đi đầu xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện
Năm 1987, Đặc khu Quảng Ninh hợp nhất vào Quân khu 3. Sư đoàn 395 trực thuộc Quân khu 3 và bước vào giai đoạn mới trong thế điều chỉnh chiến lược quốc phòng. Cán bộ, chiến sĩ toàn Sư đoàn phấn khởi, nỗ lực huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đẩy mạnh lao động, tăng gia sản xuất và thực hiện Phong trào “Làm giàu, đánh thắng” của Quân khu 3.
Từ những năm đầu thập niên 1990, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh và đơn vị vững mạnh toàn diện. Sư đoàn chỉ đạo, xây dựng điểm Trung đoàn 2 vững mạnh về chính trị; tổ chức biên chế đúng quy định, duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện giỏi; xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật tốt; bảo đảm hậu cần, tài chính và đời sống bộ đội; bảo đảm tốt công tác kỹ thuật. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của Trung đoàn 2 được Sư đoàn, Bộ tư lệnh Quân khu 3 ghi nhận, tổ chức rút kinh nghiệm nhân rộng trong lực lượng vũ trang Quân khu. Bộ Quốc phòng đã cử các đoàn công tác đến khảo sát, nghiên cứu cách làm, mô hình của Trung đoàn 2. Trên cơ sở đó hoàn thiện các nội dung, tiêu chí để Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Chỉ thị số 917/1999/CT-QP ngày 22-6-1999 về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện trong toàn quân.
|
|
Chiến sĩ mới Trung đoàn 8, Sư đoàn 395 huấn luyện kỹ thuật bắn súng. Ảnh: HƯƠNG THU |
Trong nhiều năm qua, Sư đoàn 395 luôn giữ vững và phát huy truyền thống, kết quả xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Sư đoàn luôn là đơn vị dẫn đầu Quân khu 3 về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, khi có lệnh là cơ động lên đường được ngay. Sư đoàn thường xuyên tổ chức các cuộc hội thi, hội thao; tham gia hội thi, hội thao các cấp của Quân khu 3 và toàn quân và luôn giành vị trí nhóm dẫn đầu. Từ năm 2004 đến nay, Sư đoàn đều tổ chức diễn tập bắn chiến đấu cấp trung đoàn; diễn tập cấp trung đoàn vượt sông có bao gói vũ khí, trang bị kỹ thuật, thực hành vượt sông bằng sức mạnh ở các khu vực.
Nhiều mô hình, cách làm hay trong huấn luyện của các đơn vị thuộc Sư đoàn đã được nhân rộng như: “Đại đội huấn luyện giỏi”; “Kíp trực giỏi”; “Luyện hay, bắn giỏi”; “Mỗi năm một đề tài, một sáng kiến”; “Rèn cán, rèn binh, rèn mình, rèn chiến sĩ”... Năm 2023, Đảng ủy Sư đoàn 395 đề ra chủ trương lãnh đạo “toàn Sư đoàn tiến ra thao trường”, tạo được sự chuyển biến tiến bộ toàn diện trong huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu; tham gia diễn tập phòng thủ cấp Quân khu năm 2023 được thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 3 và các đơn vị toàn quân, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu 3 đánh giá cao, tin tưởng khả năng hoàn thành nhiệm vụ của Sư đoàn.
“Sư đoàn 395 là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quân về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống cho bộ đội. Nhiều mô hình của các cơ quan, đơn vị trong Sư đoàn triển khai đã được nhân rộng như: “Đôi bạn cùng tiến”; “Tổ tư vấn pháp lý”; “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật”, nhất là mô hình “Câu lạc bộ lý luận chiến sĩ” đã góp phần giúp bộ đội nâng cao nhận thức, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trong đời sống và trên không gian mạng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Sư đoàn còn có những mô hình xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội, nổi bật là mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng Đông Bắc” của Trung đoàn 43, do Trung đoàn trưởng Vũ Hải Sản (nay là Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) và Phó trung đoàn trưởng về Chính trị Trần Đức Nhân (sau này là Trung tướng, Chính ủy Học viện Chính trị) tổ chức thực hiện từ năm 1996. Đến nay, mô hình được duy trì, phát triển sáng tạo với nhiều hình thức, góp phần tạo nên môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh trong các đơn vị Quân đội”, Đại tá Đỗ Trung Kiên khẳng định.
THÁI XUÂN