Viết theo sự phân công của Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra trên quê hương Phú Yên, chàng trai Đặng Phò, 17 tuổi (sau này, vào chiến trường làm báo, Đặng Phò lấy bút danh Đặng Minh Phương) là Bí thư Thanh niên cứu quốc xã Bình Kiến, một năm sau là Phó bí thư thanh niên huyện Tuy Hòa. Ngày 28-5-1946, anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngày ấy, tỉnh Ninh Thuận thuộc cực Nam Trung Bộ đang trong giai đoạn gây dựng phong trào, rất cần những “hạt giống đỏ”, nên cấp trên đã có ý định “gieo” anh vào nơi gian khổ, ác liệt đó. Nhưng trên đường đi, mới đến Nha Trang anh bị địch bắt với tấm thẻ căn cước trong người là “thợ cúp tóc”. Bị giam ở khám lớn Nha Trang 4 tháng, địch không tìm được chứng cứ liên quan đến hoạt động Việt Minh ở anh thợ cắt tóc gầy gò cao nhỏng ấy, nên chúng phải thả anh ra. Đến đầu năm 1950, Đặng Phò được điều về làm phóng viên Báo Cứu quốc Nam Trung Bộ.
Tôi đến Ủy ban Kháng chiến hành chính khu để nhận thẻ phóng viên-cụ Đặng Minh Phương nhớ lại-Trụ sở ủy ban đóng trong nhà dân thuộc huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Tòa soạn Báo Cứu Quốc Nam Trung Bộ do anh Phan Thao làm Chủ nhiệm (sau này công tác ở Báo Nhân Dân). Hôm đó vừa gặp, tôi thổ lộ ngay với Chủ nhiệm báo là tôi chưa từng làm báo, sợ không đảm nhiệm nổi vai trò phóng viên. Phan Thao cười bảo, chính anh cũng không ngày nào được học nghề báo, việc cách mạng giao cứ mạnh dạn nhận, rồi sẽ quen, cái chính là phải yêu nghề, chịu khó học hỏi. Thư ký tòa soạn là anh Lê Anh Trà, một người có học vấn cao, sau là Viện trưởng Viện Văn hóa, Bộ Văn hóa, đã giúp tôi rất nhiều trong những tin, bài đầu tiên lúc tập tọng vào nghề. Báo được in bằng máy đạp chân, in trên giấy nứa, hình thức cũng khá sáng sủa, mỗi kỳ ra được 4000-5000 bản, phân phát hết cho bộ đội, nhân dân vùng tự do thuộc các tỉnh Nam Trung Bộ.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng phẩm cho nhà báo Đặng Minh Phương nhân cuộc gặp mặt với các cựu chiến binh Liên khu 5 thời chống Pháp, tại Phủ chủ tịch sáng 30-6-2010. Ảnh do nhân vật cung cấp
Quá trình làm báo, làm dân vận, cụ Đặng Minh Phương từng được chứng kiến và phản ánh nhiều sự kiện lịch sử trên địa bàn Liên khu 5. Nổi bật là những chiến công của một đơn vị, gọi là “Tiểu đoàn Lá mít”. Phiên hiệu chính thức của tiểu đoàn là 365, do chiến sĩ ta hay lấy lá mít gài lên mũ khi hành quân nên dân địa phương trìu mến gắn cho cái tên ngồ ngộ ấy. Đánh thắng nhiều trận giòn giã, địch khiếp vía mỗi khi nghe tin "Tiểu đoàn Lá mít" xuất hiện, cũng giống như Tiểu đoàn 307 của Nam Bộ. Ở giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhà báo Đặng Phò đi theo "Tiểu đoàn Lá mít" tham dự trận Suối Cối, Đồng Xuân. Ngày 21-3-1954, đơn vị đã đánh tan Tiểu đoàn ngự lâm quân Hổ Xám của địch, diệt 123 tên, bắt sống 90 tên, thu 30 súng các loại. Trận này, tiểu đoàn được thưởng Huân chương Chiến công, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp gửi điện khen. Tiếp đến ngày 20-4-1954, tiểu đoàn đánh căn cứ Bàn Nham, Hòa Xuân diệt 180 tên, trong đó có tên tiểu đoàn trưởng, bắt sống tiểu đoàn phó, thu nhiều vũ khí.
Những năm tháng làm báo ở cả hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, nhà báo Đặng Phò-Đặng Minh Phương đã viết nhiều bài về quân sự, về hậu phương người lính, chiến tranh nhân dân… Đi cơ sở, ông luôn giữ tác phong sâu sát, gần gũi, khiêm tốn và có nhiều kỷ niệm với các lãnh đạo, chỉ huy cùng nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ ở Liên khu 5 ngày đó. Có thể kể tên những người bạn, người thầy của ông, như nhà ngoại giao, dịch giả Trương Gia Nhẫn thông thạo tới 7 ngoại ngữ, được mệnh danh là “Cuốn từ điển biết đi”; nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, tác giả của nhiều ca khúc trữ tình cùng những bản hùng ca đi cùng năm tháng; nhà thơ Trinh Đường “Bay qua giới tuyến bằng đường chiêm bao”; nhà báo kiêm nhà giáo Hồ An giỏi tiếng Anh, thời chống Mỹ trong công tác địch vận đã cảm hóa được nhiều sĩ quan Mỹ; chiến sĩ quốc tế người Hy Lạp Cô-xta Xa-răng-tít-đi (Kostas Sarantidis) Nguyễn Văn Lập, một chiến sĩ của "Tiểu đoàn Lá mít", tham gia nhiều trận đánh, lập nhiều chiến công, mới đây đã được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân…
Tháng 3-1955, Đặng Minh Phương tập kết ra Bắc. Đang học chính trị tại lớp dành cho anh em miền Nam tập kết tại Chèm, Hà Nội thì ông có quyết định về Báo Nhân Dân. Cùng về báo đợt ấy có 7 người, trong đó có Hà Đăng, tên thật là Đặng Ha, em ruột ông (ông Hà Đăng sau là Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân; Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương). Làm việc ở đó được 10 năm, theo yêu cầu của chiến trường, tháng 7-1966, ông đi B phụ trách Báo Cờ Giải phóng, cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Trung Trung Bộ. Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở lại Báo Nhân Dân, nhiều năm thường trú tại Đà Nẵng. Ông được nghỉ hưu năm 1993, hàm Vụ trưởng.
Không “uốn cong” ngòi bút
Tòa soạn Báo Nhân Dân buổi đầu hội tụ được nhiều cây bút lão luyện. Lối viết của Đặng Phò không có cái sắc sảo, uyên thâm như trong bình luận thời cuộc của Quang Đạm, Diệu Bình, Nguyễn Hữu Chỉnh; chất bút ký hàm súc, bay bổng của Thép Mới, Phan Quang…Bù lại khi tác nghiệp, ông có thế mạnh về thực tiễn, cái nhìn tỉnh táo, nhất quán trước những vấn đề do cuộc sống đặt ra. Ông từng nhiều lần tâm sự với người viết bài này: Trước hết, làm báo phải trung thực, dù hoàn cảnh nào cũng không được "uốn cong” ngòi bút! Thời kỳ đầu về Báo Nhân Dân, ông đi thường trú tại H, một thành phố lớn có nhiều nhà máy, xí nghiệp. Đã xảy ra một sự việc đụng chạm đến người đứng đầu đảng bộ thành phố. Cuối năm 1958, Trung ương phát động cuộc cải tiến chế độ quản lý xí nghiệp quốc doanh. Phóng viên Đặng Phò phát hiện thấy nhiều sự việc chỉ đạo không sâu sát, thiếu chặt chẽ của thành ủy đối với Đảng bộ Nhà máy điện, nơi được chọn làm thí điểm. Ông viết bài “Mấy ý kiến về việc kiểm thảo của Đảng bộ Nhà máy điện thành phố H”, trong đó vạch ra những bất cập trong chỉ đạo của thành ủy. Thời đó báo chí trong nước rất hiếm việc nêu đích danh khuyết điểm của người lãnh đạo địa phương, Bộ Biên tập Báo Nhân Dân tin vào tính phát hiện và tầm nhìn của người viết, đồng thời cũng đã cân nhắc rất kỹ nội dung trước khi cho đăng ngày 5-12-1958. Quả nhiên bài báo gây xôn xao dư luận. Trong cuộc họp sơ kết cuộc vận động có hơn 200 đại biểu tham dự, ông N, Bí thư thành ủy kiêm Chủ tịch UBND thành phố rất bức xúc và đã có lời lẽ gay gắt về người viết bài. Có mặt trong cuộc họp, nhà báo Đặng Phò đã từ tốn phát biểu, giữ nguyên chính kiến của mình. Kết quả là sau đó bí thư N đã phải xin lỗi phóng viên là nói “quá lời”. Trong hội nghị tổng kết cuộc vận động, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Lê Thanh Nghị, Trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động cũng đã thẳng thắn phê bình cách làm chưa tốt của thành phố H, giống như nội dung mà báo Đảng đã chỉ ra.
Hồi năm 1988, khi đang thường trú ở Đà Nẵng, nhà báo Đặng Minh Phương đã minh oan được cho một trung tá quân đội. Do ông trung tá tố cáo một vụ tiêu cực diễn ra trong nội bộ đơn vị, đã bị cấp trên trù dập, khai trừ Đảng, cắt lương, cho về hưu sớm. Bài báo của Đặng Minh Phương trên Báo Nhân Dân phản ánh sự việc này, bị chỉ huy đơn vị phản ứng quyết liệt. Thế rồi sau nhiều cuộc họp ở các cấp, với những chứng cứ vững chắc báo đã nêu, cuối cùng thì lẽ phải thuộc về người bị hại, ông trung tá được trả lại nguyên lương, sau đó phục hồi đảng tịch.
Những năm gần đây, tuy tuổi đã cao nhưng nhà báo lão thành Đặng Minh Phương vẫn “để mắt” đến thời cuộc và nhiều lần thể hiện chính kiến trong cách đánh giá một số nhân vật lịch sử. Một số người đề nghị “xét lại” nhà sử học Trần Trọng Kim, người từng là Thủ tướng bù nhìn thân Nhật trước Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945. Trong bài Sự thật về ông Trần Trọng Kim trong góc khuất của lịch sử đăng trên Báo Văn nghệ ngày 27-5-2006, tác giả Đặng Minh Phương đã có một đánh giá khá rõ ràng: “Chúng tôi nói ra đôi nét trong góc khuất của ông Trần Trọng Kim để góp tiếng nói về một sự thật lịch sử mới hơn nửa thế kỷ, chứ không hề có ý hạ thấp vai trò của ông là một học giả. Còn những việc làm của ông có hại cho sự nghiệp giải phóng, giành độc lập dân tộc là không thể bóp méo hay xóa nhòa được!”.
Nhà báo Phan Quang trong một bài viết trên Tạp chí Người làm báo tháng 10-2009, đã có một nhận xét về người bạn đồng tuế, đồng nghiệp, đồng chí và đồng cơ quan: “Đặng Minh Phương mải mê viết những bài bút chiến với tư liệu dồi dào, lập luận vững chắc, nêu chính kiến về một số vấn đề hoặc nhân vật lịch sử đang có sự nhìn nhận bất đồng trong giới học thuật. Nhiều độc giả trong Nam ngoài Bắc thú vị các bài viết của anh”.
PHẠM QUANG ĐẨU