Ghi dấu những chiến công oai hùng
Cứ vào dịp mồng 5 Tết, tôi thường dành thời gian đến viếng thăm Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa, Hà Nội. Di tích nằm bên phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa. Tại đây, năm 1789, dưới sự chỉ huy của Hoàng đế Quang Trung, quân Tây Sơn đã đại phá và đánh thắng quân Thanh (Trung Quốc) trong trận Ngọc Hồi-Đống Đa, tiến vào giải phóng Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Chiến công rạng ngời sử sách, là niềm tự hào của bao thế hệ người Việt Nam. Cũng tại đây, dưới Tượng đài Quang Trung, hằng năm, quận Đống Đa tổ chức cho công dân trúng tuyển nghĩa vụ quân sự đến tham quan, giáo dục truyền thống, tạo dấu ấn tự hào, khơi nguồn nhiệt huyết cho thanh niên trước khi lên đường nhập ngũ, làm nghĩa vụ quân sự, bảo vệ Tổ quốc.
Một trong những địa chỉ quen thuộc ở quận Đống Đa là ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội ngày nay), nơi đã chứng kiến những đoàn quân Nam tiến những năm 1945-1946. Họ lên đường vào miền Nam đánh giặc, để “Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long” (thơ Huỳnh Văn Nghệ). Ga Hàng Cỏ là một trong những trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ. Nơi đây cũng đưa tiễn bao cán bộ, chiến sĩ vào miền Nam, đi tới các chiến trường trong các cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc...
Pháo Đài Láng (nay thuộc phố Pháo Đài Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa), nơi nổ phát đạn đầu tiên mở đầu toàn quốc kháng chiến, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong “60 ngày đêm khói lửa” bảo vệ Hà Nội, quân và dân Đống Đa (thuộc Liên khu 3 Hà Nội) đã chiến đấu dũng cảm, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội chủ lực, tiến công vào những mục tiêu địch chiếm đóng, ngăn chặn địch từ trong thành đánh ra, góp phần cùng Chiến khu 11 (Hà Nội) kìm chân địch để các cơ quan Trung ương và Trung đoàn Thủ Đô rút lên Chiến khu Việt Bắc an toàn.
Tháng 12-2006, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), tôi được gặp Trung tướng Đỗ Trình (1922-2008), nguyên Chủ tịch Ban bảo vệ Liên khu 3 Hà Nội; nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính, nguyên Bí thư Đảng ủy Liên khu 3 Hà Nội trong những năm 1946-1947. Ông kể: “Liên khu 3 Hà Nội khi đó bao gồm toàn bộ khu Đống Đa nội thành, có các tiểu khu: Văn Miếu, Hỏa Xa (ga Hàng Cỏ), Thăng Long (Kim Mã). Giữa năm 1946, tôi được trên cử về làm Bí thư Liên khu ủy 3 Hà Nội thay đồng chí Lê Trung Toản. Liên khu ủy 3 có các chi bộ Đảng của 3 khu và Chi bộ Thủy tinh Cầu Giấy, Chi bộ Sở vô tuyến Bạch Mai. Trực thuộc Ban Bảo vệ Liên khu 3 Hà Nội có các ủy ban bảo vệ các khu và các phố, như: Sinh Từ (nay là Nguyễn Khuyến), Khâm Thiên... Đến tháng 10-1946, khu Đống Đa nội thành cơ bản tổ chức xong lực lượng tự vệ chiến đấu và hậu cần của các phố và các xí nghiệp, với 12 đội và đại đội. Đến tháng 11-1946, toàn bộ lực lượng tự vệ Đống Đa được tập hợp lại dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Kháng chiến Liên khu 3. Ngoài lực lượng tự vệ còn có các đội tuyên truyền xung phong, công an.
Lực lượng Vệ quốc đoàn hoạt động trên địa bàn Đống Đa có Tiểu đoàn 523 và một đội công binh do trên tăng cường về. Các đơn vị tự vệ được huấn luyện quân sự, do cán bộ khu và các đơn vị Vệ quốc đoàn huấn luyện. Công tác chuẩn bị cho kháng chiến tiến hành rất khẩn trương. 20 giờ ngày 19-12-1946, Pháo đài Láng nổ phát đạn hiệu lệnh, mở đầu toàn quốc kháng chiến. Trên địa bàn khu Đống Đa, tự vệ phối hợp với Vệ quốc đoàn, các lực lượng vũ trang, công an bước vào chiến đấu, lập các chiến lũy, tạo chướng ngại vật ngăn bước tiến của quân Pháp ở ga Hàng Cỏ, các phố: Sinh Từ, Khâm Thiên, Hàng Đẫy, Hàng Bột, Ngã Tư Sở, Ô Chợ Dừa; các làng Giảng Võ, Kim Mã, Xã Đàn, Nam Đồng... Các trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra rất quyết liệt, nhất là ở Khâm Thiên, Vĩnh Tuy, Trung Hiền, Ngã Tư Vọng, Bạch Mai, Ngã Tư Sở. Ta và địch giằng co từng góc phố, ngôi nhà, với tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, các lực lượng vũ trang Đống Đa đã khiến cho quân Pháp chịu nhiều tổn thất nặng nề, góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân Hà Nội”.
Bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, cán bộ, chiến sĩ LLVT Đống Đa dũng cảm chiến đấu trong lòng địch. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, LLVT sát cánh cùng cán bộ, nhân dân quận Đống Đa vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ đánh phá Hà Nội, vừa lao động sản xuất, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972, không quân Mỹ sử dụng máy bay B-52 điên cuồng ném bom đánh phá Hà Nội. Phố Khâm Thiên, khu Bạch Mai... bị bom B-52 rải thảm, tổn thất nặng nề. Nén đau thương, quân và dân quận Đống Đa vẫn nỗ lực chiến đấu, khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972.
Động lực phát triển từ truyền thống
Qua các cuộc kháng chiến và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, LLVT quận Đống Đa không ngừng được xây dựng và trưởng thành. Với niềm tự hào, Đại tá Nguyễn Mạnh Ngời, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự, Chính trị viên Ban CHQS quận Đống Đa nêu những con số: Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Đống Đa mưu trí, dũng cảm chiến đấu kìm chân quân Pháp; xây dựng LLVT, phát triển phong trào kháng chiến trong vùng tạm chiếm TP Hà Nội; bảo đảm địa bàn an toàn để Trung ương và Bác Hồ về Thủ đô. Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, LLVT nhân dân khu Đống Đa (quận Đống Đa) dấy lên phong trào thi đua sôi nổi, vừa sản xuất vừa chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc. Khu Đống Đa có hơn 25.000 thanh niên gia nhập quân đội và hàng nghìn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và cán bộ chi viện cho miền Nam; 551 gia đình có từ 3 đến 6 người con nhập ngũ. Từ sau năm 1975, LLVT quận cùng các cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế; đồng thời đóng góp sức người, sức của, cùng cả nước đánh thắng hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp đấu tranh giành, giữ, bảo vệ độc lập dân tộc, nhân dân và LLVT quận Đống Đa được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVT nhân dân.
Những năm qua, LLVT quận Đống Đa đã triển khai toàn diện công tác quốc phòng, quân sự địa phương; đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. LLVT quận được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ vững mạnh, rộng khắp. Công tác giáo dục quốc phòng, an ninh cho cán bộ, nhân dân luôn được quan tâm. Hằng năm, quận đều hoàn thành tốt chỉ tiêu tuyển chọn công dân nhập ngũ, đạt chất lượng cao, tỷ lệ công dân nhập ngũ trình độ đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp ngày càng tăng. Bên cạnh đó, LLVT quận luôn tích cực, làm tốt công tác chính sách, hậu phương quân đội và tham gia các phong trào, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương... Ban CHQS quận triển khai đồng bộ các biện pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc; tham mưu với Quận ủy, HĐND, UBND quận lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai xây dựng tiềm lực trong khu vực phòng thủ, kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh toàn diện. Hằng năm, quận chỉ đạo các phường diễn tập chiến đấu phòng thủ và tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ cấp quận theo nhiệm kỳ đều đạt chất lượng cao. Qua diễn tập, quận đã đánh giá đúng chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của LLVT, đồng thời đúc rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung quyết tâm, kế hoạch tác chiến phòng thủ... phù hợp với điều kiện thực tế”, Đại tá Nguyễn Mạnh Ngời cho biết thêm.
HƯƠNG NGÂN