Trong bài viết, với tư cách là phóng viên của Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Miền Đông Nam Bộ (B2), tác giả có mặt tại sân bay Thiện Ngôn, chứng kiến cuộc trao trả tù binh giữa ta và địch. Tại đây, ông đã gặp đồng chí Lê Viết Cát là tiểu đoàn trưởng khi mới 21 tuổi, một trong số những người tù cách mạng được trao trả hôm đó với nhiều ấn tượng, cảm xúc đặc biệt. Chân dung người lính Lê Viết Cát đã được nhà báo Lê Văn Vọng tái hiện khá chi tiết trong bài viết nêu trên. Cuối bài viết, tác giả Lê Văn Vọng cho biết do nhiệm vụ công tác, phải cơ động liên tục, sau buổi gặp lần đó, ông không còn gặp lại Lê Viết Cát nữa, không biết anh có trở lại đội ngũ chiến đấu hay về công tác ở một nơi nào, cuộc sống ra sao?
    |
 |
Bài viết về đồng chí Lê Viết Cát đăng trên Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng số 330, tháng 6-2021. Ảnh: TUẤN TÚ |
Mới đây, Phòng biên tập Sự kiện và Nhân chứng nhận được cuộc điện thoại của đồng chí Bùi Gia Thuyến, hiện đang sinh sống tại phường Bình Hòa, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Đồng chí Thuyến cho biết có quen tiểu đoàn trưởng Lê Viết Cát. Đồng chí Lê Viết Cát chính là thủ trưởng trực tiếp của ông trong những năm quân ngũ cho đến khi về nghỉ hưu trên cương vị là Hiệu trưởng Trường Quân chính Quân đoàn 4 (nay là Trường Quân sự Quân đoàn 4). Ông Thuyến kể: “Tôi có hơn 10 năm là lái xe cho thủ trưởng. Trên đường đi công tác, thỉnh thoảng tôi cũng được ông kể cho nghe chuyện chiến đấu. Nhưng mỗi lần kể, ông đều nói về đơn vị, về đồng đội mà ít nói về mình. Sau này, được đọc bài viết về ông đăng trên tập sách "Ký ức Sư đoàn 9", rồi nghe nhiều bậc đàn anh kể lại, tôi mới thấy thủ trưởng mình giỏi quá!”.
Qua trao đổi với ông Thuyến, nhiều thông tin về cuộc đời của chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày Lê Viết Cát đã được hé lộ. Theo đó, sau khi được trao trả năm 1973, đồng chí Lê Viết Cát được quân đội đưa đến đoàn an dưỡng, phục hồi sức khỏe rồi về Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 tiếp tục chiến đấu trên các chiến trường. Trải qua nhiều cương vị công tác như: Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 (tham gia chiến đấu và làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia); Hiệu phó, rồi Hiệu trưởng Trường Quân chính Quân đoàn 4... Ông nghỉ hưu năm 1990 với quân hàm đại tá. Tuổi cao, lại lâm bệnh nặng (ung thư gan) do ảnh hưởng của những năm tháng chiến đấu và bị giam cầm ở nhà tù đế quốc, Đại tá Lê Viết Cát đã qua đời năm 2012. Ông có con trai hiện đang công tác trong quân đội. Hiện nay, những người thân trong gia đình ông sinh sống tại quận 5, TP Hồ Chí Minh.
Trong ký ức của ông Bùi Gia Thuyến, Đại tá Lê Viết Cát là chỉ huy gương mẫu, đức độ, sống tình nghĩa với đồng chí, đồng đội. Năm 1983, được cấp trên cử đi học nhưng do yêu cầu của chiến trường nước bạn cần những người giàu kinh nghiệm chiến đấu, ông Cát đã trở lại đơn vị sang thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Bản thân ông Thuyến khi từ Quân khu 3 về miền Nam công tác đã được thủ trưởng Cát giúp đỡ rất nhiều, tạo điều kiện để gia đình ông được cấp nhà công vụ ổn định cuộc sống. “Đọc bài báo, tôi đã bật khóc vì không nén nổi xúc động, nhớ đến ông với bao kỷ niệm những ngày cùng công tác. Tôi đã mang ngay cuốn Sự kiện và Nhân chứng vào đơn vị để anh em cùng đọc”, CCB Bùi Gia Thuyến nói.
SKNC