Hào khí Nam Kỳ
Chấp hành quyết định của Xứ ủy Nam Kỳ, Tỉnh ủy Mỹ Tho chọn đình Long Hưng làm trụ sở của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh phát động quần chúng nhân dân nhất tề nổi dậy, đánh phá các đồn bốt và công sở Pháp để giành chính quyền. Theo đó, ngày 12-8-1940, tỉnh Mỹ Tho thành lập Ban Quân sự do đồng chí Nguyễn Hữu Thường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban, có các bộ phận: Tham mưu, quân báo, hậu cần... Đây là tỉnh thành lập LLVT sớm nhất trong cả nước. Và Long Hưng là xã đầu tiên có chi bộ Đảng ở Tiền Giang từ năm 1930. Bà Nguyễn Thị Thập (Mười Thập) khi đó 32 tuổi, Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ được giao phụ trách LLVT tập trung của tỉnh Mỹ Tho phối hợp với các lực lượng tại chỗ giành chính quyền. Bà đã cho liên lạc đến các xã truyền lệnh khởi nghĩa và huy động nhân dân đồng loạt nổi dậy. Đồng thời, cánh quân do bà chỉ huy có nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho đóng tại đình Long Hưng.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tư, 84 tuổi, ngụ ấp Long Thạnh A, kể: “Gia đình tôi có 4 người gồm cha, bác, chú tôi và cô Mười Thập đều là những cán bộ chủ chốt tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa này. Trong đó, bác và chú của tôi không may hy sinh. Tôi nhớ cha và cô Mười kể đã vận động nhân dân, bất kể già trẻ, trai gái dùng mõ tre, thau, thùng thiếc... hưởng ứng đánh vang cả xã Long Hưng. Đánh từ sáng tới đêm, ngày này sang ngày khác”.
0 giờ ngày 23-11-1940, 74 xã trong tỉnh Mỹ Tho đồng loạt nổi dậy, hừng hực không khí khởi nghĩa. Các địa phương tập trung lực lượng theo từng khu vực tạo thành thế mạnh áp đảo, đánh chiếm cơ quan đầu não của địch ở thị xã, thị trấn, giành chính quyền về tay nhân dân. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, lá cờ đỏ sao vàng cùng khẩu hiệu “Việt Nam dân chủ cộng hòa quốc” phấp phới tung bay trong đêm khởi nghĩa, và sau này trở thành Quốc kỳ của nước ta. Ngày 28-1-2007, trong chuyến công tác tại Tiền Giang, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đến thăm đình và khẳng định: “Đình Long Hưng-nơi đầu tiên xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11-1940, là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, tinh thần quật khởi của nhân dân ta không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Tinh thần đó đã được phát huy cao độ, làm nên những chiến công thần kỳ, góp phần tạo nên thắng lợi hoàn toàn, trọn vẹn của đất nước ta trong chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc”.
Long Hưng khởi sắc
Trải qua chiến tranh, đình Long Hưng nhiều lần bị bom đạn giặc tàn phá nặng nề, dân làng đã gom góp vật liệu sửa chữa, khôi phục đình để thờ cúng. Năm 2005, nhân kỷ niệm 65 năm Nam Kỳ khởi nghĩa, tỉnh Tiền Giang đã khánh thành Khu di tích đình Long Hưng trên diện tích 16ha, được bố trí hài hòa gồm: Đình thờ Thành hoàng và Tả quân Lê Văn Duyệt, Nhà trưng bày hiện vật cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, Nhà cổ Nam Bộ thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thập và Nhà bia ghi danh liệt sĩ xã Long Hưng.
    |
 |
Cựu quân nhân Nguyễn Thành Trung (xã Long Hưng) phát triển kinh tế thành công nhờ mô hình trồng mít Thái. |
Đến Long Hưng hôm nay, mọi người như vẫn còn cảm nhận được hào khí của Nam Kỳ khởi nghĩa qua từng địa danh, từng câu chuyện kể. Và hào khí ấy hiển hiện ngay cả trong sự thay đổi từ mỗi ngôi nhà, từng ngõ xóm. Ông Nguyễn Văn Mười, ngụ ấp Long Bình A, gắn bó với nghề làm vườn từ thời trẻ. Ông đã trồng rất nhiều loại cây ăn trái, cả chuyên canh lẫn xen canh, nhưng cuối cùng ông quyết định gắn bó với cây vú sữa. Ông cho biết: “Hồi mới trồng, tôi chưa nắm được kỹ thuật chăm sóc vú sữa nên để đậu trái theo tự nhiên, mỗi năm thu hoạch có một đợt, năng suất cũng không cao. Dần dần, sau mỗi đợt ra bông, tôi áp dụng khoa học cho trái mùa nghịch thì có thể kéo dài thời gian thu hoạch tới 4 tháng, năng suất đã tăng lên nhiều lần. Hiện nay, với 60 gốc vú sữa hơn 8 năm tuổi, mỗi vụ cho gần 20 tấn trái, giá bán tại vườn là 15 nghìn đồng/kg, nhưng nếu để trái mùa thì giá sẽ cao hơn nhiều. Như vậy, trừ chi phí tôi còn lãi 200 triệu đồng mỗi năm”.
Hiện toàn xã Long Hưng có hơn 80% diện tích làm vườn. Từ các mô hình trồng trọt hiệu quả đã mang lại thu nhập cao cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,8%. “Đối với lực lượng dân quân, xã cũng có nhiều phương pháp hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình. Ví như phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội của huyện để hỗ trợ cho các anh vay vốn chăn nuôi, cải tạo vườn tạp. Trong đó hơn 50 dân quân vay ít nhất trên 20 triệu đồng để chăn nuôi dê, bò... Đến nay, 100% dân quân có cuộc sống ổn định, nhiều gia đình vươn lên khá giả. Đây là điều kiện thuận lợi để lực lượng này tích cực phấn đấu, ra sức giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội; góp phần xây dựng quê hương Long Hưng ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là cái nôi của Nam Kỳ khởi nghĩa năm xưa”, ông Nguyễn Minh Huấn, Phó chủ tịch UBND xã Long Hưng nói.
Bài và ảnh: HỒ KIÊN GIANG