Từ TP Mỹ Tho (Tiền Giang), chúng tôi đi thuyền trên sông Tiền qua Bến Tre. Vùng quê của Phong trào Đồng khởi năm xưa hiện lên giữa bao la sông nước, xanh mướt miệt vườn, ngọt ngào hương vị trái cây và thanh âm đờn ca tài tử của những giai nhân thế hệ 4.0 vận áo bà ba, đẹp mê đắm hồn người…
Hào khí xưa, Đồng khởi mới
Bạn đọc có thể sẽ thắc mắc khi nghe chúng tôi dông dài chuyện sông nước, cỏ cây. Xin thưa, cảm nhận được vẻ đẹp của quê hương Bến Tre hôm nay như thế là bởi, trên mảnh đất anh hùng này, hai tiếng “Đồng khởi” chưa bao giờ lặng nguội. Đồng chí Nguyễn Trúc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre rất hồ hởi khi chúng tôi gợi chuyện về phong trào Đồng khởi đã làm nên huyền thoại của một vùng đất, tiếng vang xa khắp bốn biển, năm châu. Anh bảo, chính vì tầm quan trọng đặc biệt của sự kiện lịch sử ấy nên Đảng bộ, dân và quân tỉnh Bến Tre qua các thế hệ luôn trăn trở tìm cách phát huy tinh thần, nghĩa khí của cha ông trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Xuân Canh Tý 2020, tỉnh Bến Tre tổ chức kỷ niệm 60 năm phong trào Đồng khởi (1960-2020), gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của nữ tướng Nguyễn Thị Định (tên gọi thân mật là cô Ba Định). Bao trùm lên vùng quê xứ dừa hôm nay là hào khí Đồng khởi mới. Đây là phong trào hành động cách mạng mang đặc trưng của con người, văn hóa xứ dừa, được triển khai từ nhiều năm nay. Kỷ niệm 60 năm Đồng khởi-Bến Tre và 100 năm Ngày sinh nữ tướng Ba Định, thêm một lần Đảng bộ, chính quyền, dân và quân Bến Tre xốc lại đội hình, thổi bùng khí thế, đưa phong trào Đồng khởi mới phát triển toàn diện, trọng tâm là các phong trào: Đồng khởi xây dựng nông thôn mới; Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; Đồng khởi vươn lên thoát nghèo, làm giàu; Đồng khởi bảo tồn và phát huy bản sắc quê hương…
    |
 |
Mô hình ngọn lửa tại Nhà truyền thống Đồng khởi Bến Tre. (Ảnh: MINH NHẬT) |
Nghe đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh nói về Phong trào Đồng khởi mới với tâm thế tự hào, tâm đắc, chúng tôi lại nhớ dấu ấn những lần về với xứ dừa trước đây. Theo đó, ở những vùng quê là chiếc nôi của Phong trào Đồng khởi trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ mỗi nếp nhà, thôn, ấp… hiện vẫn bảo tồn những nét sinh hoạt đặc trưng thời chiến. Đơn cử như mô hình “Tiếng mõ an ninh”, “Tiếng kẻng Đồng khởi”. Ngày xưa, dân xứ dừa sử dụng những công cụ thô sơ như kẻng, mõ… để hiệu triệu, tập hợp bà con vùng lên diệt ác, phá kềm, phá ấp chiến lược, chiếm đồn bốt… thì nay, tiếng kẻng, tiếng mõ ấy, bà con ta sử dụng để giữ gìn an ninh, xây dựng văn hóa thôn, ấp. Khi phát hiện có kẻ gian hay các sự cố an ninh, bà con khua mõ, đánh kẻng tập hợp lực lượng. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tiếng mõ, tiếng kẻng ấy lại tiếp tục được thúc lên, vang lên để hiệu triệu mọi người tham gia lao động, sản xuất, xây dựng đời sống mới. Mô hình này đã được nhiều đơn vị LLVT áp dụng, nhân rộng trong công tác dân vận, tập hợp bà con chung tay cùng bộ đội xây dựng đường giao thông, làm thủy lợi nội đồng, xây dựng các công trình phúc lợi giúp đỡ người nghèo, gia đình chính sách…
Trong chuyến về thăm và làm việc với tỉnh Bến Tre đầu năm 2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh giá cao Đảng bộ, dân và quân Bến Tre trong giữ gìn và nỗ lực phát huy tinh thần, giá trị Đồng khởi, triển khai phong trào thi đua Đồng khởi mới đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Người đứng đầu Quốc hội ta mong muốn Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bến Tre cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần Đồng khởi, đẩy mạnh toàn diện Phong trào Đồng khởi mới với cách làm quyết liệt hơn, toàn diện hơn, sâu rộng hơn, nhằm phát huy tốt nhất mọi nguồn lực, khơi thông mọi xung lực để phát triển quê hương ổn định, bền vững trong môi trường hội nhập...
Bảo tồn và phát huy bản sắc
Được sự giúp đỡ của một số anh chị em đồng nghiệp làm văn, làm báo ở quê hương xứ dừa, trong chuyến đi này chúng tôi đã gặp được nhiều nhân chứng lịch sử. Họ là những người trực tiếp tham gia cao trào Đồng khởi từ 60 năm trước, là chiến sĩ của "Đội quân tóc dài". Cũng cần nói thêm, nhắc đến Bến Tre là gợi nhớ hình ảnh những người con gái xinh đẹp, đảm đang với mái tóc dài tha thướt, duyên dáng trong tấm áo bà ba và chiếc khăn rằn đặc trưng. Bà Phạm Thị Hoa, chiến sĩ thuộc quyền cô Ba Định trong "Đội quân tóc dài" năm xưa, nói: “Phụ nữ Bến Tre xưa nay hầu như ai cũng để tóc dài. Tập tục dưỡng tóc, dưỡng da bằng dầu dừa là đặc trưng của phụ nữ Bến Tre xưa nay. Hình ảnh mái tóc dài óng ả không chỉ là vẻ đẹp đặc trưng của hình thể, mà còn là biểu tượng anh hùng, bất khuất của phụ nữ Bến Tre. "Đội quân tóc dài" ra đời và hoạt động trong cao trào Đồng khởi, dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của cô Ba Định, đã góp công xứng đáng làm nên truyền thống vẻ vang của người dân Bến Tre”. "Đội quân tóc dài" là biểu tượng sinh động của truyền thống toàn dân đánh giặc, tiêu biểu cho khí phách “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của dân ta.
Bà Ca Lê Du, chiến sĩ "Đội quân tóc dài" năm xưa bùi ngùi nhớ về những năm tháng oanh liệt của mình và đồng đội trên quê hương. Những địa danh đã đi vào sử sách như: Đình Bình Hòa (Giồng Trôm), đình Đầu Trâu (Bình Đại), Khám Lá (thị xã Bến Tre)… đã tạc vào tâm khảm những chiến sĩ kiên trung ký ức không thể nào quên. Đó là những nơi địch sử dụng để bắt giam, tra tấn, giết hại rất nhiều đồng bào, chiến sĩ ta. Những năm đầu của thập niên 1960, Bến Tre có đến hơn 17.000 người bị địch bắt, giết hại, tra tấn dã man ở các đồn, bốt…
    |
 |
Nữ tướng Nguyễn Thị Định-linh hồn của Phong trào Đồng khởi trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Ảnh tư liệu) |
Ông Lê Chí Nhân, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, một trong những chiến sĩ kiên trung của Phong trào Đồng khởi, nhớ lại: “Sau Hiệp định Geneva, nhiều cán bộ, đảng viên Bến Tre tập kết ra Bắc. Lực lượng còn lại khoảng 2.000 đảng viên, bám trụ địa bàn đấu tranh, lần lượt bị địch bắt và giết hại. Có thời điểm cả tỉnh chỉ còn hơn 160 đảng viên. Tình hình cách mạng hết sức khó khăn, gian nguy. Cuối năm 1959, cô Ba Định, lúc bấy giờ là Phó bí thư Tỉnh ủy, đã cùng với Tỉnh ủy triển khai chủ trương xây dựng lực lượng, đẩy mạnh hoạt động nội tuyến để làm phân hóa nội bộ địch, xây dựng lực lượng phản kích, làm chủ các đồn bốt. Cô Ba Định chỉ đạo làm điểm. Thành công bước đầu từ việc nội công, ngoại kích chiếm đồn bốt địch ở một số nơi đã tạo niềm tin, động lực, làn sóng mạnh mẽ thúc đẩy phong trào toàn dân Đồng khởi…
Được sự đồng ý của Trung ương, cô Ba Định đã triển khai chủ trương khởi nghĩa, thống nhất chọn ngày 17-1-1960 là ngày “đồng loạt, đồng lòng khởi nghĩa” (sau này được đổi tên là Đồng khởi). Hình ảnh cô Ba Định với gương mặt phúc hậu, nụ cười hiền từ, phong cách chỉ huy quyết đoán, mạnh mẽ, can trường… đã trở thành biểu tượng bất khuất của phụ nữ Bến Tre, phụ nữ Nam Bộ. Cô Ba Định là thủ lĩnh của "Đội quân tóc dài", là linh hồn của Phong trào Đồng khởi...
Ngày nay, dọc các điểm du lịch nổi tiếng ở Bến Tre, đâu đâu du khách cũng bắt gặp những sản phẩm văn hóa độc đáo từ dừa, như: Dầu dừa, sữa tắm dừa, xà phòng thơm dừa, lược dừa, trâm dừa… Đặc biệt, vào dịp này, chúng tôi thấy tại các điểm du lịch, các trung tâm văn hóa ở quê hương xứ dừa, sản phẩm văn hóa được du khách trong và ngoài nước hết mực trân quý đó là những cuốn sách, văn hóa phẩm có in hình ảnh chân dung cô Ba Định. Nhiều du khách nước ngoài tâm sự với chúng tôi, họ rất ngưỡng mộ nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bà là hình ảnh mang tính biểu trưng của người phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Hình ảnh cô Ba Định và hào khí Đồng khởi đã theo chân du khách đến với bè bạn khắp nơi trên thế giới.
Về Bến Tre, sống trong môi trường, khí thế Đồng khởi mới, chúng ta thêm một lần dậy lên niềm tự hào to lớn, thêm thấu hiểu sâu sắc Phong trào Đồng khởi năm 1960 là một bước ngoặt chiến lược của cách mạng miền Nam. Sự kiện lịch sử vẻ vang này đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng ta và Bác Hồ trong việc ban hành Nghị quyết 15, sự vận dụng linh hoạt của Đảng bộ, nhân dân Bến Tre, đứng đầu là nữ tướng Nguyễn Thị Định, đưa phong trào cách mạng miền Nam chuyển từ thế phòng ngự, gìn giữ lực lượng sang thế tiến công và liên tiếp tiến công địch; báo hiệu sự thất bại tất yếu của Mỹ và sự sụp đổ không thể tráhh khỏi của chính quyền tay sai. Bài học lịch sử vô giá ấy có giá trị đặc biệt to lớn trong đời sống hôm nay và mai sau…
Ghi chép của NGUYỄN THẾ TRUNG