Bức ảnh được đăng trang trọng trong cuốn sách ảnh “Tôi chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp” của nhà báo Trần Hồng, do Nhà xuất bản Lao động và Công ty Cổ phần Sách Thái Hà ấn hành năm 2015, với số lượng 2.000 cuốn.

“Đầu tháng 4-2004, đã 93 tuổi nhưng sức khỏe và sự minh mẫn của Đại tướng vẫn hiếm ai bì kịp. Một hôm, Đại tướng bày tỏ với gia đình về ý định trở lại thăm Điện Biên Phủ. Thực tình, mọi người đều lo lắng cho sức khỏe của Đại tướng bởi quãng đường di chuyển quá xa. Nhưng trước yêu cầu của ông, mọi công tác chuẩn bị cho chuyến đi đã được lên kế hoạch sẵn sàng. Nhận được lời mời của gia đình Đại tướng, tôi lập tức xách máy ảnh lên đường”-nhà báo Trần Hồng xúc động kể - “Trở lại Điện Biên Phủ những ngày này, trong lòng Đại tướng nghĩ gì, xúc động ra sao, khó ai có thể đoán biết được, bởi với một vị tướng dày dạn trận mạc, không dễ để lộ cảm xúc ra ngoài. Nhưng rồi, tôi đã thấy ông rút khăn chấm chấm mắt khi cúi xuống nhặt một thẻ hương ai đó đánh rơi trên đường ra Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1. Lúc đó, tôi đã vô cùng tiếc nuối bởi nếu nhanh tay bấm máy hơn thì đã có thể ghi lại khoảnh khắc quý giá ấy!”.

leftcenterrightdel
Bức ảnh “Dưới hầm Đại tướng”. Ảnh: TRẦN HỒNG

Đại tướng đề nghị thăm lại nhiều địa danh lịch sử đã gắn với những ngày tháng “mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” năm xưa, như: Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1, hầm De Castries, sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng... Tại căn hầm ở sở chỉ huy chiến dịch, ông ngồi lại bên Thượng tướng Trần Văn Quang (người đã sát cánh cùng Đại tướng tại Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ với trọng trách Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu), cầm bút chỉ vào tấm bản đồ quân sự để trên bàn và kể lại  những giờ phút quyết liệt năm xưa. Đại tướng di bút theo từng vị trí trên bản đồ, tất cả những người có mặt đều tập trung hướng theo. Nhà báo Trần Hồng khi ấy như cảm thấy người Tổng Tư lệnh của Quân đội ta đang trực tiếp chỉ huy một trận đánh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Ông giơ máy ảnh, lấy nét vào vầng trán cao rộng của Đại tướng và bấm máy.

“Khi bức ảnh được in ra, tôi cảm thấy xúc động như được chứng kiến giây phút Đại tướng, Tổng chỉ huy chiến dịch trong căn hầm chật hẹp năm nào. Trong ảnh có rất nhiều thế hệ, mọi ánh mắt cùng hướng theo cánh tay người Anh Cả của Quân đội ta. Thật kỳ diệu, sau 50 năm, tài chỉ huy Đại tướng vẫn tỏa sáng theo một cách rất riêng!”-nhà báo Trần Hồng chia sẻ.

KHÁNH AN