Ông bảo, nông thôn, nông nghiệp, nông dân là mối quan tâm, gắn bó như máu thịt với ông. Có lẽ vì thế, là Bí thư Tỉnh ủy rồi đang làm Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông lại sang đảm nhiệm người đứng đầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được nhiều người yêu mến gọi là “bộ trưởng nông dân”, “bộ trưởng lụt bão”. Sau khi nghỉ bộ trưởng, ông còn tiếp tục nhiều năm làm Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương và là “ông cố vấn” Chương trình xây dựng NTM cho đến năm 2017. Nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Huy Ngọ.
    |
 |
Ông Lê Huy Ngọ. Ảnh: TÙNG PHONG |
Mở đầu cuộc trò chuyện, ông Ngọ nói như trải lòng:
- Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, trong công tác cũng thường xuyên gắn bó với nông nghiệp, nông dân nên tôi thấu hiểu hoàn cảnh của bà con. Có thể nói, cả trong thời chiến cũng như thời bình, nông dân là lực lượng cơ bản nhất nhưng cũng là những người nghèo khó và hy sinh nhiều nhất. Vì thế, quan tâm đến nông dân, phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn không chỉ là vấn đề nâng cao đời sống kinh tế đơn thuần mà phải toàn diện, là nhiệm vụ chính trị-xã hội và còn là đạo lý của sự phát triển bền vững. Phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nhanh chóng cải thiện đời sống của người dân nông thôn, góp phần giữ ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thành công.
Chương trình của ý Đảng, lòng dân
Phóng viên (PV): Hiện nay, các cấp, các ngành, các địa phương đang tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Trung tuần tháng 10, Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết chương trình quan trọng này. Là người tham gia từ quá trình “thai nghén”, ông đánh giá như thế nào về chương trình cho đến thời điểm này?
Ông Lê Huy Ngọ: Nói đánh giá thì phải là của Ban chỉ đạo Trung ương về Chương trình xây dựng NTM. Cá nhân tôi thấy rằng, xét về tiến độ thì đến nay sau 9 năm (từ năm 2010) nhưng chúng ta đã hoàn thành mục tiêu của 10 năm. Như vậy là chương trình đã đi trước, về trước được một năm. Theo số liệu thống kê của ban chỉ đạo, toàn quốc đã có 4.554 xã, chiếm hơn 51% số xã đạt chuẩn NTM và có 81 huyện, 3 tỉnh (Nam Định, Bình Dương, Đồng Nai) đã đạt chuẩn hoàn thành xây dựng NTM cấp xã. Đây là kết quả rất tích cực. Quan trọng là chương trình đã trở thành phong trào hành động rộng khắp nông thôn với sự vào cuộc của tất cả các xã trong toàn quốc…
Qua gần 9 năm thực hiện, chương trình đã làm thay đổi nhận thức và vai trò làm chủ của cộng đồng dân cư; đổi mới và thay đổi diện mạo, cảnh quan nông thôn; cơ sở hạ tầng xây dựng đồng bộ, thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn cải thiện và nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân. Nói gọn lại, cái được lớn nhất là đã tạo ra diện mạo mới của nông thôn, sức sống mới trong nông nghiệp và nhận thức mới của người nông dân.
Tôi không thể quên những lần về thăm và làm việc ở các xã NTM. Bà con kéo tôi đi thăm làng quê sáng, xanh, sạch, đẹp. Đi trên con đường mới làm, nhìn những cột điện mới dựng, đến các nhà văn hóa, nhà trẻ mẫu giáo mới xây, thăm những cánh đồng mẫu lớn, những trang trại sản xuất tiên tiến của nông dân, những làng nghề được phục hồi, tôi rất xúc động. Bà con đưa tôi đi và nói rất chân tình: “Họp ít thôi, ông đến đây với chúng tôi cho vui. NTM đã mang đến nhiều đổi thay. Bà con mừng lắm”.
PV: Xây dựng NTM theo 19 tiêu chí hiện nay đang trở thành phong trào rộng khắp, làm thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống nông dân. Xuất phát điểm của phong trào này là từ những khảo nghiệm, thí điểm xây dựng mô hình vào đầu những năm 2000, khi ông là Bộ trưởng. Những thử nghiệm, thí điểm này là cơ sở thực tiễn quan trọng để Đảng và Nhà nước quyết định chủ trương, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM…
Ông Lê Huy Ngọ: Từ năm 1997, khi nhận cương vị Bộ trưởng, tôi đã suy nghĩ nhiều và rất quan tâm đến nhiệm vụ mới về phát triển nông thôn. Bên cạnh khảo sát thực tiễn trong nước, tôi còn dành thời gian đi nghiên cứu ở Hàn Quốc, Nhật Bản. Bộ đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và một số địa phương làm khảo nghiệm, thí điểm 3 lần: NTM cấp thôn, ấp, bản rồi đến NTM cấp xã và 19 tiêu chí. Vừa làm, vừa tổng kết, rút kinh nghiệm cho đến khi Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Tiếp đó là Quyết định số 800/QĐ-TTg về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM 2010-2020; Quyết định số 491/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí NTM, lần đầu tiên, diện mạo nông thôn cả nước đã được định hình phát triển theo một bộ tiêu chí thống nhất. Đây là một trong số những chương trình mục tiêu quốc gia có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Quy mô của chương trình này không phải ở số vốn 12.000 tỷ đồng mà Quốc hội đã phê duyệt vào năm 2010, mà quy mô và sức sống thực sự nằm ở 8.914 xã trên cả nước sẽ trực tiếp xây dựng NTM. Cuộc sống của hơn 70% dân số Việt Nam và hình hài của một NTM thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự thành công hay không của chương trình mang tính cách mạng này.
PV: Như ông nói, chương trình đã đi trước, về trước so với mục tiêu là một năm và đã đem lại sự thay đổi lớn lao về diện mạo nông thôn, đời sống người nông dân. Kết quả và thành công bước đầu đó bắt nguồn từ đâu, thưa ông?
Ông Lê Huy Ngọ: Theo tôi có 4 nguyên nhân chính:
Trước hết là Nghị quyết số 26 về “tam nông” rất hợp lòng dân và kịp thời giải quyết đồng thời 3 vấn đề lớn: Nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Trong đó, Trung ương nhấn mạnh tới việc nâng cao trình độ người nông dân về cả chính trị, trình độ sản xuất và khả năng làm chủ. Có thể nói, nghị quyết đặt vấn đề rất sát với mong đợi của người dân, đồng thời nói lên mục tiêu và niềm tin của Đảng với nông dân. Vì thế, khi ý Đảng đã hợp với lòng dân thì nghị quyết sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống và nhất định thành công.
Chính phủ có chương trình hành động thực hiện nghị quyết Trung ương, huy động cả hệ thống chính trị, toàn dân chung tay xây dựng NTM. Đồng thời có chính sách hỗ trợ cho nông dân, cho vùng khó khăn, động viên sức dân và toàn xã hội trong thực hiện chương trình.
Công tác chỉ đạo từ khảo nghiệm, làm thử được tiến hành bài bản, tổng kết thực tiễn nghiêm túc. Từ đó đã xác định được mô hình, xây dựng chính sách và phương pháp tiến hành phù hợp, đã xác định được mô hình hợp lý với 19 tiêu chí cùng các chỉ tiêu, cách làm cụ thể, làm cơ sở để tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả bằng sự hài lòng của người dân.
Nguyên nhân rất quan trọng nữa là đã phát huy cao độ vai trò người nông dân thực sự là chủ thể của chương trình. Thực hiện phương thức: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ.
Để đi tới nông thôn mới phát triển bền vững
PV: Nhiều năm làm cố vấn Ban chỉ đạo Trung ương về xây dựng NTM, bên cạnh những kết quả và bước tiến vượt bậc như ông nói ở trên thì còn những khó khăn, bất cập gì trong quá trình thực hiện chương trình?
Ông Lê Huy Ngọ: Làm cố vấn, chúng tôi được giao 3 việc: Tham mưu cho Ban chỉ đạo Trung ương về mô hình, chính sách, cách làm; tham gia kiểm tra, thực hiện chương trình và xây dựng chiến lược tiếp theo về NTM. Được đi nhiều địa phương, chúng tôi rất mừng vì kết quả mà chương trình đã đem lại, sự thay đổi lớn lao như là một cuộc đổi đời cho nông thôn và nông dân. Tuy nhiên, có một thực tế khiến tôi rất băn khoăn, trăn trở. Đó là có một số xã chạy theo thành tích “tiêu chí”, nợ nần xây dựng cơ bản, người nghèo cùng phải đóng góp xây dựng. Đó còn là, trong khi ở Đồng bằng Bắc Bộ có 82% số xã đã đạt chuẩn NTM thì ở miền núi phía Bắc mới là 26%, khu vực chiến lược như Tây Nguyên cũng mới chỉ có 37% số xã đạt chuẩn. Như thế là có một sự chênh lệch khá lớn. Vấn đề đặt ra là phải quan tâm để phát triển hài hòa và bền vững, không để ai ở lại phía sau, nhất là đồng bào ở biên giới, vùng sâu, vùng xa, các dân tộc anh em địa bàn chiến lược…
    |
 |
Ông Lê Huy Ngọ (thứ ba, từ trái sang), cố vấn Ban chỉ đạo Trung ương về Chương trình xây dựng nông thôn mới kiểm tra tình hình xây dựng nông thôn mới ở xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, tháng 4-2013. Ảnh: LÊ HUY |
PV: Để phát triển bền vững thì với những địa phương đã đạt chuẩn NTM cần được củng cố, nâng cao theo hướng như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Huy Ngọ: Với những xã đã đạt chuẩn thì tiếp tục xây dựng NTM nâng cao: Đó là hoàn thiện và nâng cao hệ thống công trình xây dựng; tiến hành tái cơ cấu sản xuất, xây dựng hợp tác xã kiểu mới; ứng dụng khoa học công nghệ mới; nâng cao thu nhập và chất lượng sống NTM kiểu mẫu để đi đến mục tiêu xây dựng NTM phát triển bền vững. Các xã đã đạt tiêu chí NTM, phải tạo bước đột phá mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất, tăng số hộ khá giả, giảm số hộ thu nhập thấp; hoàn thiện và nâng cấp các tiêu chí. Cần chú trọng chất lượng và môi trường sống, đời sống văn hóa và văn minh ở nông thôn, phát triển các làng nghề, làng du lịch sinh thái, những làng quê đáng sống như mô hình một số địa phương đang làm. Xây dựng các huyện NTM theo hướng có kết nối, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa và thị trường lớn, kết nối hạ tầng từ xã đến huyện và phải có vai trò của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Các huyện phải là động lực thu hút các doanh nghiệp thành một địa bàn kinh tế hàng hóa lớn. Cần có nghiên cứu các tiêu chí bổ sung để các huyện đạt chuẩn NTM phát huy vai trò chỉ đạo và tạo nhân tố mới, động lực mới cho xây dựng NTM trên địa bàn.
Mục tiêu trong chặng đường 10 năm tiếp theo là gần 50% số xã còn lại phải đạt chuẩn NTM. Dù còn nhiều khó khăn, nhất là các xã còn lại chưa đạt chuẩn do nhiều điều kiện cả về tự nhiên, kinh tế-văn hóa-xã hội, cả về tiềm lực của dân cũng có hạn, nhưng với kinh nghiệm của 10 năm vừa qua, tôi có niềm tin lớn là chúng ta sẽ đạt được, thậm chí có thể đi trước, về trước. Để đạt được mục tiêu này và cũng từ tổng kết thực tiễn, cần có sự điều chỉnh phù hợp tiêu chí của mỗi vùng và những điều kiện đặc thù cụ thể. Vấn đề không phải là hạ tiêu chí mà cần phải có hệ thống tiêu chí hợp lý để đạt được yêu cầu NTM. Đồng thời, Nhà nước phải có chính sách quan tâm và sự hỗ trợ đặc biệt cho bà con ở các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đặc thù. Ở những nơi này nên giao cho tỉnh tìm ra mô hình với các tiêu chí và cách làm cụ thể, sát thực tế. Quá trình thực hiện cần rất lưu ý là phải giao quyền làm chủ cho người dân. Dân làm chủ thể nghĩa là dân biết, dân làm, dân giám sát và dân được hưởng thụ thì nhất định tất cả các xã về cán đích. Tất cả cùng về cán đích, không ai bị bỏ lại phía sau.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
HOÀNG TIẾN - THUỶ TRANG (thực hiện)