Khắc ghi lời Bác
Phóng viên (PV): Từ Lớp huấn luyện cán bộ cung cấp đầu tiên (tiền thân của HVHC ngày nay) trong thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta ở vào giai đoạn khó khăn, gian khổ, trải qua 70 năm vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vừa giảng dạy, học tập, theo đồng chí, những dấu mốc quan trọng nào cho thấy sự trưởng thành của nhà trường?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Hùng: Cách đây tròn 70 năm, ngày 15-6-1951, đúng một tháng sau ngày khai giảng, Lớp huấn luyện cán bộ cung cấp đầu tiên vinh dự được nhận thư động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư, Người nhấn mạnh: “Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận: Cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội thì bộ đội mới đánh thắng trận”. Những lời căn dặn thiêng liêng ấy luôn khắc sâu trong tâm trí các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ; là động lực để HVHC không ngừng vươn lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ngày Bác Hồ gửi thư động viên lớp học đã trở thành Ngày truyền thống của HVHC. Năm 1953, Tổng cục Cung cấp quyết định thành lập Trường Cán bộ Cung cấp trên cơ sở các lớp huấn luyện cán bộ cung cấp trước đó. Trường có nhiệm vụ huấn luyện cán bộ cung cấp từ cấp tiểu đoàn trở lên với những lớp học có hệ thống đầu tiên về bảo đảm cung cấp cho chiến đấu, trực tiếp chuẩn bị cán bộ cung cấp cho cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân (1953-1954).
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước yêu cầu phát triển ngành hậu cần và sự nghiệp xây dựng quân đội, nhà trường đã trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập với những tên gọi khác nhau. Từ năm 1974, nhà trường mang tên chính thức là HVHC với nhiệm vụ đào tạo cán bộ hậu cần sơ cấp, trung cấp; bổ túc cán bộ hậu cần trung đoàn, sư đoàn, quân khu và nghiên cứu, biên soạn tài liệu, giáo trình huấn luyện hậu cần. Giai đoạn này, ngày 7-9-1958, trong quá trình kiểm tra công trình thủy nông Gia Thượng, Gia Lâm, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Trường Cán bộ Hậu cần. Bác đến thăm vào ngày nghỉ, không nghi thức, cờ hoa; cán bộ và học viên đón Bác trong niềm vui sướng bất ngờ. Bác căn dặn cán bộ, học viên: “Vừa phải cố gắng dạy tốt, học tốt, vừa phải chú trọng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, đúng là trường đào tạo cán bộ hậu cần”. Hình ảnh giản dị, gần gũi và những lời căn dặn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn động lực mạnh mẽ thôi thúc các thế hệ cán bộ, học viên HVHC vượt qua khó khăn, không ngừng vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
PV: Ngày nay, HVHC đã trở thành trung tâm giáo dục-đào tạo và nghiên cứu khoa học hậu cần, tài chính quân sự có uy tín của quân đội và đất nước. Những con số và minh chứng nào nói lên điều đó, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Hùng: 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp đổi mới đất nước, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ HVHC đã vượt mọi khó khăn, lập nhiều thành tích, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Học viện đã đào tạo được gần 60.000 học viên quân sự; hơn 5.000 sinh viên dân sự; gần 1.500 thạc sĩ; 140 tiến sĩ, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đào tạo, bồi dưỡng hàng nghìn cán bộ hậu cần cho Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quốc tế. Nhiều học viên tốt nghiệp ra trường đã và đang giữ cương vị chủ chốt ngành hậu cần các đơn vị trong toàn quân. Nhiều đồng chí đã trở thành tướng lĩnh, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội. Học viện đã nghiên cứu thành công gần 3.000 đề tài các cấp, trong đó có 2 đề tài cấp Nhà nước, 19 đề tài cấp Bộ Quốc phòng, 257 đề tài cấp ngành; nhiều đề tài, sáng kiến hậu cần có giá trị được áp dụng trong thực tiễn. Đội ngũ giảng viên của học viện cơ bản được bồi dưỡng đạt các chuẩn theo quy định về học vấn, ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ sự phạm; có phẩm chất tốt, năng lực giảng dạy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ: 100% giảng viên có trình độ đại học trở lên, trong đó gần 85% sau đại học (21,5% tiến sĩ); có 8 giáo sư, 67 phó giáo sư, 2 Nhà giáo Nhân dân, 19 Nhà giáo Ưu tú và hàng trăm giảng viên giỏi các cấp. Nhiều giảng viên đảm nhiệm tốt vai trò nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong quân đội.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file.qdnd.vn/data/images/13/2021/06/15/phamthuthuy/thutruonghocvienkiemtrahuanluyenhocviendaotaosiquanhaucancapphandoitrinhdodaihoc23123016pm.jpg?dpi=150&quality=100&w=575) |
Lãnh đạo Học viện Hậu cần kiểm tra huấn luyện học viên đào tạo sĩ quan hậu cần cấp phân đội trình độ đại học năm 2020. Ảnh: BÙI VĂN |
PV: Những con số đó thật ấn tượng! Đồng chí có thể cho biết giải pháp cơ bản mang lại thành công ấy của học viện trong thực hiện nhiệm vụ những năm vừa qua?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Hùng: Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, những năm gần đây, HVHC đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Học viện tập trung đột phá nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, chú trọng giáo dục cả “đức” và “tài” với phương châm “Dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất”; quan tâm đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và liên thông giữa các cấp học, bậc học gắn với chuẩn đầu ra, có cấu trúc hợp lý giữa các khối kiến thức; áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ bản, toàn diện với chuyên sâu. Thường xuyên quan tâm xây dựng học viện vững mạnh về chính trị, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua, làm cho mọi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ nêu cao ý thức, trách nhiệm giữ vững và phát huy truyền thống học viện, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Đột phá nâng cao chất lượng công tác xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ học tập, công tác; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú; bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ yên tâm công tác, nỗ lực phấn đấu vươn lên.
Hướng tới “nhà trường thông minh”
PV: Trong những năm gần đây, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng đào tạo của HVHC có gì thay đổi và phát triển, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Hùng: Những năm gần đây, HVHC tiếp tục được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư về mọi mặt. Chức năng, nhiệm vụ cơ bản của học viện là: Tham mưu, quản lý, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hậu cần, tài chính quân sự các cấp và các đối tượng đào tạo khác được Bộ Quốc phòng giao; thực hiện hợp tác quốc tế về đào tạo; nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học hậu cần, tài chính quân sự; xây dựng các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng học viện chính quy, tiên tiến, mẫu mực. Từ năm 2016, học viện thực hiện đào tạo, cấp bằng kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp cho đối tượng đào tạo sĩ quan hậu cần cấp phân đội, chuyên ngành doanh trại, góp phần nâng cao trình độ, kiến thức chuyên ngành cho học viên sau khi ra trường. Cùng với đó, thực hiện quyết nghị của Quân ủy Trung ương, chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, từ năm 2020, HVHC bàn giao nhiệm vụ đào tạo nhân viên ngành hậu cần quân đội, trình độ trung cấp về Tổng cục Hậu cần. Sau 15 năm tham gia đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với các chuyên ngành tài chính, kế toán, xây dựng trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học, từ năm 2019, học viện dừng tuyển sinh đào tạo đối tượng này.
PV: Trong thời bình, nhất là những năm gần đây, công tác hậu cần có nhiều chuyển biến căn bản. Điều đó cũng đòi hỏi cần có những đổi mới các khâu trong quá trình đào tạo. Học viện có những định hướng như thế nào để giữ vững truyền thống 70 năm qua, đồng thời bắt kịp xu thế chung trong thời gian tới, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Hùng: Những năm gần đây và dự báo những năm tiếp theo, tình hình thế giới, khu vực diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; các nước lớn vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa đấu tranh; chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo ra thời cơ nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Các yếu tố an ninh phi truyền thống vẫn diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc đến mọi quốc gia, dân tộc... Quân đội được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư về mọi mặt; tiếp tục điều chỉnh tổ chức, lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, công tác hậu cần quân đội có nhiều chuyển biến căn bản. Trong bối cảnh đó, để nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ hậu cần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, HVHC tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; tập trung đổi mới các khâu trong quá trình đào tạo: Xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành huấn luyện; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, thực hiện tốt phương châm huấn luyện “cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu”; “nhà trường gắn liền với đơn vị, nhà trường đi trước đơn vị”; bổ sung, hoàn thiện, thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định trong giáo dục-đào tạo gắn với dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất. Tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn các quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng, chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ khoa học đầu ngành. Từng bước triển khai xây dựng “nhà trường thông minh”, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng cường đầu tư, nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn lực công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung tiên tiến, hiện đại. Tích cực, chủ động liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài quân đội... quán triệt thực hiện tốt chủ trương “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” và mục tiêu đào tạo cán bộ hậu cần, tài chính có phẩm chất, năng lực toàn diện, có tinh thần tận tụy phục vụ bộ đội, tiêu biểu về cần, kiệm, liêm, chính, giỏi về công tác hậu cần quân đội, góp phần xây dựng ngành hậu cần quân đội chính quy, hiện đại.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
BÍCH TRANG - BÙI DINH (thực hiện)