Đối với riêng tôi, trong cuộc đời làm báo, gần 20 năm sống trong quân ngũ và sau đó chuyển ngành ra công tác cho đến tận bây giờ, tôi rất đỗi tự hào bởi từng có nhiều dịp được gặp gỡ và trò chuyện với vị danh tướng huyền thoại của dân tộc. Từ năm 2001 đến khi Đại tướng đi dưỡng bệnh, hầu như dịp sinh nhật nào tôi cũng đến mừng thọ Đại tướng. Nhưng đặc biệt có một kỷ niệm sâu sắc đã ghi tạc và lưu giữ trong suốt cuộc đời làm báo của tôi...

Đầu năm 1990, từ tòa soạn Báo QĐND tại Hà Nội, tôi được điều động vào làm phóng viên thường trú Ban đại diện Báo QĐND tại TP Hồ Chí Minh. Ở tòa soạn Hà Nội, tôi là phóng viên Phòng Quân sự, được phân công chuyên trách theo dõi lĩnh vực hậu cần quân đội và kinh tế quốc phòng. Thời kỳ này, chủ trương xây dựng quân đội theo hướng kết hợp kinh tế với quốc phòng hay chỉ xây dựng quân đội theo hướng tinh nhuệ, chính quy, hiện đại đang còn có quan điểm khác nhau. Trên cơ sở tư tưởng chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Bộ Quốc phòng, Ban biên tập Báo QĐND đã triển khai kế hoạch tuyên truyền để khẳng định đường lối kết hợp kinh tế với quốc phòng trong việc xây dựng quân đội thời bình là một chủ trương đúng đắn. Điều này tôi đã được Đại tá Vương Sĩ Đình, Trưởng phòng Quân sự (sau này là Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân) gợi ý và quán triệt. Trước lúc lên đường vào TP Hồ Chí Minh, tôi đến chào Thiếu tướng, Tổng biên tập Trần Công Mân. Ông đã căn dặn tôi rằng: Hãy nghiên cứu kỹ các đơn vị quân đội tham gia làm kinh tế ở phía Nam để phát hiện nhân tố có sức thuyết phục trong việc thực hiện chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng để tuyên truyền, cổ vũ trên Báo QĐND.

leftcenterrightdel
Đoàn cán bộ Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tháng 8-2001. Ảnh do tác giả cung cấp

Vào công tác ở TP Hồ Chí Minh, tôi đã đi thực tế hàng loạt đơn vị quân đội tham gia làm kinh tế ở địa bàn phía Nam. Tháng 6-1991, trong một lần tháp tùng Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thăm Nhà máy Ba Son (nay là Tổng công ty Ba Son), sau khi nghe Ban giám đốc nhà máy báo cáo với Bộ trưởng về kết quả hoạt động, tôi vô cùng mừng rỡ bởi đây chính là nhân tố thực tiễn mà tôi đang kiếm tìm. Hơn một tháng sau đó, tôi đã miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu Ba Son. Tổng giám đốc, Đại tá Ngô Long Minh thấu hiểu tâm tư và nhiệm vụ của tôi nên đã ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi tác nghiệp. Tôi đã đến tất cả các phân xưởng, gặp từng cán bộ chỉ huy và đội ngũ thợ đang ngày đêm miệt mài lao động xây dựng Ba Son. Nhà máy Ba Son vốn là một cái nôi giàu truyền thống cách mạng. Truyền thống này đang được những người lính thợ Ba Son phát huy khí phách trong thời bình.

Sau khi có đủ tư liệu, tôi dành gần cả tháng để hoàn thiện loạt bài “Gương mặt Ba Son trên con đường đổi mới” gồm 3 kỳ để khẳng định một đường lối: Trong sự nghiệp xây dựng quân đội thời bình, việc kết hợp kinh tế với quốc phòng là một hướng đi đúng đắn và điều đó đã được minh chứng từ thực tiễn hoạt động rất hiệu quả của mô hình Ba Son.

Trước khi hoàn thiện lần cuối, bản thảo loạt bài về Nhà máy Ba Son tôi đã chuyển cho Tổng giám đốc Ngô Long Minh và lãnh đạo một số phân xưởng thẩm định, tham gia góp ý, sửa chữa để bảo đảm tính chân thực.    

Thật thú vị và rất tình cờ, đúng dịp này Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân lại đến thăm Ba Son. Tổng giám đốc Ngô Long Minh đã mang bản thảo bài viết của tôi cho Đại tướng xem và xin ý kiến. Đại tướng đã đọc rất kỹ và yêu cầu gọi tôi tới để chỉnh sửa lại loạt bài này. Tới gặp Đại tướng, tôi vô cùng hồi hộp. Với giọng nói hiền từ, ấm áp, Đại tướng hoan nghênh Báo QĐND và khẳng định, việc kết hợp kinh tế với quốc phòng là một chủ trương đúng đắn của Quân đội ta trong thời bình và Nhà máy Ba Son là một thực tiễn sinh động mà Báo QĐND cần phải cổ vũ, tuyên truyền và nhân rộng điển hình trong thời kỳ mới. Và sau đó, thật bất ngờ khi Đại tướng bảo tôi cùng Tổng giám đốc Ngô Long Minh rời phòng khách, ra sân để chụp ảnh kỷ niệm với Đại tướng ngay tại Ba Son. Từ đó tới nay đã hơn 20 năm, trong phòng khách của gia đình tôi, bức ảnh chụp kỷ niệm với Đại tướng bao giờ cũng được treo ở vị trí trang trọng nhất.

Loạt bài “Gương mặt Ba Son trên con đường đổi mới” gồm 3 kỳ đăng trên Báo QĐND ra các ngày 16, 18 và 19-7-1991 được bạn đọc đánh giá cao. Đài Phát thanh Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh sau đó đã phát nguyên văn loạt bài này trên làn sóng của đài.

NGUYỄN NGỌC NIÊN