Lần đầu tiên tôi gặp Đại tướng Phùng Quang Thanh là vào tháng 3-1998. Lúc ấy, ông là Thiếu tướng, Tư lệnh Quân khu 1, chủ trì buổi Lễ ra quân huấn luyện của khối các cơ quan Quân khu. Sau đó, vì nhiệm vụ tuyên truyền nên tôi được dự các buổi làm việc của ông thường xuyên hơn, khi ông trên cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, giai đoạn 2001-2005.
Thời gian này, Quân đội tham gia nhiều chương trình khoa học, công nghệ trọng điểm quốc gia về y học, tự động hóa, điện tử-viễn thông, công nghệ vật liệu, sinh học... Thượng tướng Phùng Quang Thanh rất quan tâm đến các chương trình khoa học, công nghệ và thường xuyên yêu cầu Cục Khoa học-Công nghệ-Môi trường (nay là Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng) báo cáo tình hình và ông cho ý kiến chỉ đạo cụ thể, nhất là các chương trình, đề tài nghiên cứu phát triển và nâng cấp, hiện đại hóa vũ khí, trang bị.
Khi trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (từ năm 2006), Đại tướng Phùng Quang Thanh có sự quan tâm đặc biệt đến công tác khoa học, công nghệ. Ông dành nhiều thời gian đến thăm, làm việc với các cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ, các học viện, nhà trường, nhà máy công nghiệp quốc phòng, các cơ sở bảo đảm kỹ thuật, đặc biệt là Quân chủng Hải quân và Quân chủng Phòng không-Không quân.
Đại tướng Phùng Quang Thanh cùng tập thể Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước đầu tư mua sắm, trang bị vũ khí, khí tài hiện đại cho Quân đội. Quan điểm của Đại tướng Phùng Quang Thanh về việc mua sắm, trang bị vũ khí hiện đại là để nâng cao tiềm lực, sức mạnh quân sự và để tự vệ, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc... Từ năm 2010, Bộ Chính trị giao Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo, sử dụng hiệu quả ngân sách đầu tư mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại; ưu tiên một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại như: Phòng không-Không quân, Hải quân, Thông tin liên lạc, Trinh sát kỹ thuật và Tác chiến điện tử.
|
|
Đại tướng Phùng Quang Thanh tham quan các loại vũ khí do ngành công nghiệp quốc phòng nước ta sản xuất, năm 2011. Ảnh: XUÂN LƯU |
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng và sự chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, Quân chủng Hải quân đã sớm được trang bị các loại tàu chiến đấu hiện đại, tàu ngầm lớp Kilo 636, tên lửa bờ, không quân hải quân và được đầu tư đóng mới các loại tàu chở quân, tàu bảo đảm tiên tiến. Nhờ đó, từ năm 2012, Quân chủng Hải quân có các tàu vận tải, tàu bệnh viện hiện đại, tiện nghi bảo đảm việc chở quân, phục vụ cho nhiệm vụ đưa các đoàn công tác ra thăm, kiểm tra, khám, chữa bệnh cho quân và dân trên quần đảo Trường Sa và các nhà giàn DK1; có tàu đo đạc, biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, ứng phó sự cố tràn dầu...
Quân chủng Phòng không-Không quân được trang bị các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại S-300 PMU1, máy bay SU-30MK2, các loại ra-đa tiên tiến. Các loại khí tài thông tin liên lạc, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật được trang bị cho Quân đội ta ngày càng đồng bộ, thay thế những trang bị đã cũ, lạc hậu. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh còn chỉ đạo các viện, nhà trường, nhà máy, cơ sở kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng nghiên cứu cải tiến, nâng cấp, hiện đại hóa vũ khí, trang bị hiện có, đầu tư xây dựng cơ sở bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, khí tài mới...
Với quan điểm trang bị vũ khí, khí tài hiện đại là để nâng cao khả năng, sức mạnh tự vệ, bảo vệ Tổ quốc, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã cho phép công khai các loại vũ khí, trang bị của Quân đội trên truyền thông. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Việt Nam, Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, thành viên Tổ biên soạn Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2009, cho biết: “Trong quá trình chỉ đạo biên soạn Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2009, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh yêu cầu phải làm bật lên tính chất cơ bản của nền quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng mang tính hòa bình và tự vệ; nêu rõ cơ cấu của Bộ Quốc phòng Việt Nam, về việc xây dựng Quân đội nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp. Trong Sách trắng Quốc phòng phải nêu rõ quá trình tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ đất nước, minh bạch về chính sách quốc phòng, cũng như khả năng quốc phòng của chúng ta, trong đó có việc minh bạch về số lượng, chủng loại vũ khí, nhất là vũ khí mới, hiện đại...”.
HƯƠNG NGÂN