Một buổi sáng, tại sở chỉ huy Bộ đội Trường Sơn, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đang ở phòng làm việc thì Chính ủy Vũ Xuân Chiêm bước vào và bắt đầu cuộc đối thoại khá dí dỏm giữa hai người lãnh đạo cao nhất Mặt trận Trường Sơn đã hai năm sát cánh bên nhau.
- Báo cáo Tư lệnh, hôm nay Tư lệnh có loại vũ khí mới!
- Tầm bắn bao nhiêu?
- Vô hạn!
- Sức công phá?
- Mạnh hơn nguyên tử!
- Ồ! Có loại vũ khí ấy?
- Có! Nghệ sĩ Bích Liên, đoàn văn công xung kích Trung ương.
- (Cười) Chính ủy đã cường điệu một sự thật!...
|
|
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Giá (bên trái) và đồng đội, năm 2022. Ảnh: XUÂN THƯƠNG
|
Hồi đó, đế quốc Mỹ tập trung máy bay và bom đạn hủy diệt tuyến vận tải chiến lược của ta từ hậu phương ra tiền tuyến miền Nam. Đoạn Nghệ An-Quảng Bình ác liệt chưa từng có. Công tác tư tưởng đối với bộ đội đặt ra những vấn đề cấp thiết, yêu cầu phải tiến hành đồng bộ, kết hợp giữa giáo dục chính trị, tư tưởng và hoạt động tác động đến tâm hồn, tình cảm, thẩm mỹ của bộ đội, động viên, khích lệ anh em. Trong đó, công tác văn hóa-văn nghệ là mũi xung kích rất thiết thực. Theo chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Trung ương, các tỉnh và các đoàn ca múa nhạc lớn thay nhau cử văn công ra tiền tuyến, đến với bộ đội ở mặt trận, với thương binh, bệnh binh ở nơi điều trị...
Ca sĩ Bích Liên hồi đó là “chim sơn ca” của Đài Tiếng nói Việt Nam, với chất giọng lirico soprano (nữ cao trữ tình) trong sáng, tươi trẻ, giọng hát vang, âm vực rộng, phù hợp với tính chất của thể loại nhạc cách mạng, đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với thính giả. Giọng hát đặc biệt của chị trở nên quen thuộc với nhân dân và chiến sĩ. Biết tin chị vào Trường Sơn biểu diễn phục vụ bộ đội, các đơn vị gọi điện tới Chính ủy Mặt trận xin đón chị về đơn vị mình trước.
Những ngày ở Trường Sơn, ca sĩ Bích Liên đã hát “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” của Nguyễn Tài Tuệ; “Chào anh Giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng” của Hoàng Vân; “Người là niềm tin tất thắng” của Chu Minh; “Nổi lửa lên em” của Huy Du... được bộ đội rất yêu thích. Đặc biệt là “Bài ca năm tấn” của Nguyễn Văn Tý, nói về tình người hậu phương hướng ra tiền tuyến và ngược lại, qua hình tượng “Ai ra đi để cho yên đồng ruộng ấy?/ Lúa thương nhớ ai lúa ra nơi chiến trường?”... Biểu diễn bài hát này, Bích Liên hóa thân thành cô gái thôn quê (quần láng đen, áo chiết ly cổ trái tim bằng vải phin màu nâu non, thắt lưng da, tay cày tay súng), tiếng hát ngọt ngào, ấm áp: “Đã thương nhau cho trọn các bề/ Mẹ cha vun xới, ớ ơ, ta về, ta về cùng với nhau”...
Ánh mắt chị dừng lại ở chàng lính trẻ ngồi đầu hàng ghế phía sau đại biểu, đôi tay chị làm động tác âu yếm kéo chàng lính như cô gái hậu phương kéo người yêu vào lòng mình. Khán giả bừng lên như sóng, vỗ tay ào ào rền vang... Ở hàng ghế đầu, Chính ủy Vũ Xuân Chiêm xoay người về phía sau, trìu mến nhìn những người lính của mình như đang ngời sáng. Cảm xúc khiến ông bật ra lời: “Sáng tác giỏi! Lời hay! Người biểu diễn đẹp! Giọng hát có sức mạnh thần kỳ!”.
Tiết mục “Bài ca năm tấn” ấy cùng Bích Liên trở thành sự kiện văn nghệ ở Trường Sơn mùa khô 1969-1970, theo các chiến sĩ đi khắp mặt trận và âm vang tới tận hôm nay. Các tiết mục của chị thường được khán giả cổ vũ với tràng vỗ tay dài và yêu cầu hát lại. Tinh thần của bộ đội nhờ đó thêm chuyển biến tích cực, mài sắc thêm ý chí quyết thắng quân thù!
PHẠM XƯỞNG (Ghi theo lời kể của Trung tá Nguyễn Xuân Giá, nguyên cán bộ Tiểu đoàn 668, Trung đoàn 592, Bộ đội đường ống xăng dầu Trường Sơn)