Trưa 5-4-2023, Đại tá Lê Văn Thanh, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Tên lửa 64 (nay là Trung đoàn Tên lửa 64), Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ gọi điện cho Trung tá Trần Ngọc Chinh, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 hỏi về việc bắn tên lửa S-300 PMU1. Trung tá Trần Ngọc Chinh báo cáo: “Tại Trường bắn quốc gia TB5, trước sự theo dõi, động viên của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và các đại biểu, sau khi nhận lệnh, kíp chiến đấu đã bình tĩnh xử trí tình huống, tiêu diệt mục tiêu”.

Nhận được tin thắng trận của “rồng lửa” S-300 PMU1 trên bầu trời miền Trung, Đại tá Lê Văn Thanh bồi hồi cảm xúc như 18 năm về trước tại Trường bắn Kaputin-Iát (Saint Petersburg, Liên bang Nga) và nhanh chóng thông tin đến một số đồng chí đã từng công tác tại Đoàn Tên lửa 64.

Anh Thanh là thế hệ cán bộ đầu tiên của Đoàn Tên lửa 64. Cuối năm 2004, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập đoàn chuyển loại tổ hợp tên lửa phòng không S-300 PMU1 gồm 117 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được lựa chọn từ Sư đoàn 361 và Sư đoàn 367 (Quân chủng PK-KQ). Sau giai đoạn huấn luyện, bồi dưỡng ngoại ngữ, các kiến thức cơ sở về kỹ thuật, công nghệ mới, ngày 13-1-2005, đoàn chuyển loại lên đường sang Nga tham gia huấn luyện thực hành khai thác sử dụng tổ hợp tên lửa phòng không S-300 PMU1.

Tại nước bạn, sau 6 tháng huấn luyện, 100% quân nhân đạt yêu cầu, trong đó có 95% khá, giỏi. Ngày 23-6-2005, dưới sự chỉ huy bắn của đồng chí Lê Văn Thanh, thành phần kíp chiến đấu gọn (20 đồng chí) của tổ hợp đã tham gia diễn tập bắn đạn thật tại Trường bắn Kaputin-Iát. Bằng một quả đạn tên lửa S-300 PMU1, kíp chiến đấu đã tiêu diệt tên lửa có cánh STRIT-3, với tham số tương tự như kíp chiến đấu đã thực hành tại Trường bắn quốc gia TB5 ngày 5-4-2023.

leftcenterrightdel

Kíp chiến đấu tên lửa phòng không S-300 PMU1 (Quân chủng Phòng không-Không quân) thực hành diễn tập, bắn đạn thật tại miền Trung, năm 2023. Ảnh: TRẦN LƯU

Sau khi tiếp nhận trận địa, vũ khí mới, đơn vị nhanh chóng ổn định tư tưởng, tổ chức, biên chế và huấn luyện, khai thác, vận hành làm chủ khí tài. Ngày 2-8-2005, Thượng tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (sau này là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) trực tiếp kiểm tra công tác tiếp nhận, bàn giao tổ hợp tên lửa phòng không S-300 PMU1. Giao nhiệm vụ cho đơn vị, Thượng tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: “Đây là vũ khí hiện đại bậc nhất của Quân đội ta; là tài sản lớn của Nhà nước, nhân dân. Vì vậy, từng cán bộ, chiến sĩ phải nhận thức rõ vinh dự, trách nhiệm, luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, khắc phục khó khăn, huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc”.

Dưới sự trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn của các chuyên gia Nga, cuối năm 2005, đầu 2006, Quân chủng PK-KQ tổ chức khóa huấn luyện khai thác sử dụng và sẵn sàng chiến đấu tổ hợp tên lửa phòng không S-300 PMU1. Đợt huấn luyện được chia thành 18 lớp với các thành phần theo biên chế của tổ hợp (trong đó có 2 lớp đào tạo riêng: Lớp chọn trận địa và lớp khai thác sử dụng các loại zip dự phòng). Kết thúc khóa huấn luyện, qua kiểm tra đánh giá của chuyên gia Liên bang Nga, kết quả đạt 100% khá, giỏi.

Những năm đầu huấn luyện, khai thác vận hành tổ hợp tên lửa phòng không S-300 PMU1, Đoàn Tên lửa 64 và Đoàn Tên lửa 93 (Sư đoàn 367, Quân chủng PK-KQ) thường xuyên được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội đến thăm, động viên. Cán bộ, chiến sĩ không ngừng nỗ lực phấn đấu, thực hiện huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm”; nắm vững các quan điểm, nguyên tắc, vận dụng linh hoạt các mối kết hợp trong huấn luyện và quy định “4 biết” trong quản lý vùng trời. Tăng cường huấn luyện chỉ tiêu các thành phần, hiệp đồng kíp chiến đấu trong thu hồi, triển khai, cơ động và thực hành đánh trả các tình huống trên không. Đặc biệt, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào huấn luyện khi hợp tác liên kết với Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Bộ Quốc phòng (nay thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) nghiên cứu một số đề tài khoa học ứng dụng trong huấn luyện, hỗ trợ tác chiến. Nhờ đó, chất lượng huấn luyện, làm chủ khí tài được nâng lên rõ rệt. Hằng năm, tham gia hội thao, diễn tập và trực ban sẵn sàng chiến đấu, đơn vị đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.

NGUYỄN CHÍ HÒA