Từ trận đánh trên sông Đồng Nai...

Chúng tôi cùng Trung tá Trần Văn Sỹ, Phó chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Phòng không 673 đến thăm Thiếu tá Nguyễn Sách Toản, nguyên Phó trung đoàn trưởng về Chính trị Trung đoàn 673 (nay là Lữ đoàn Phòng không 673), hiện trú tại thôn Đồn Cầu Bằng, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, người có mặt ngay từ ngày đầu thành lập Sư đoàn Phòng không 673 và trực tiếp tham gia trận đánh tàu địch trên sông Đồng Nai trong đội hình Tiểu đoàn 1 (sau là Tiểu đoàn 18), Trung đoàn 243 của Sư đoàn vào ngày 29-4-1975.

Cựu chiến binh Nguyễn Sách Toản nay đã 79 tuổi nhưng giọng nói vẫn sang sảng và tác phong nhanh nhẹn. Ông cho biết, ngay sau khi Sư đoàn Phòng không 673 được thành lập vào tháng 3-1973, ông chuyển từ Trung đoàn 238 (nay thuộc Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không-Không quân) về làm Chính trị viên Đại đội 6, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 243. Trong đội hình Sư đoàn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đơn vị ông nhận lệnh cơ động bảo vệ trận địa của Lữ đoàn Pháo binh 164 và đội hình của Sư đoàn Bộ binh 325 tiến công đánh chiếm các mục tiêu trong nội đô Sài Gòn.

leftcenterrightdel
Lữ đoàn Phòng không 673 tham gia diễn tập ĐT-23, năm 2023. 

Ông kể: “Ngày 28-4-1975, chúng tôi cơ động đến Nhơn Trạch (Đồng Nai). Tổ chức chiếm lĩnh trận địa, chúng tôi khẩn trương xây dựng công sự, ngụy trang và làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Ngay từ 7 giờ ngày 29-4, một chiếc trực thăng bay vào khu vực trận địa của Đại đội đã bị chúng tôi bắn rơi. Sau trận đánh, nhận thấy trận địa pháo cao xạ bố trí ở bãi bằng, bị hàng dừa ven đường làm khuất tầm nhìn nên chúng tôi được lệnh kéo pháo lên đồi. 10 giờ, phát hiện một tốp tàu địch đang từ hướng Biên Hòa xuống, Đại đội 6 được lệnh đánh tàu địch. Nhưng vừa bắn được mấy loạt khiến 1 tàu địch bốc cháy thì pháo bị hóc đạn, phải sửa chữa. Các tàu khác phát hiện hỏa lực của ta nên chúng tăng tốc thoát khỏi tầm bắn”.

Lúc này, chỉ huy Tiểu đoàn nhận định địch còn có thể đi qua khu vực trận địa nên lệnh cho các đại đội luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Sau đó, theo trinh sát báo về, suốt buổi chiều 29-4, địch đã huy động nhiều lần máy bay trực thăng vào Sài Gòn bốc quân. Đội hình chúng bay từng tốp 3 chiếc dọc theo sông Đồng Nai và luôn luôn có 4 máy bay F-4 trên cao hộ tống.

“Tiểu đoàn 18 đã tập trung hỏa lực bắn vào tốp máy bay bay gần, bắn cháy 2 máy bay trực thăng chở sĩ quan ngụy. Từ chiếc thứ 4 trở đi, chúng bay chếch về phía Nam Sài Gòn để tránh hỏa lực của ta. Căn cứ vào tình hình, Ban chỉ huy Tiểu đoàn đề nghị Trung đoàn cho di chuyển trận địa để tiếp cận đường bay của địch. Đến 15 giờ, khi đơn vị chúng tôi chuẩn bị di chuyển trận địa thì trinh sát phát hiện một đoàn tàu địch đang chạy từ hướng Biên Hòa xuống. Các đại đội lập tức được lệnh dừng hành quân và khẩn trương chuẩn bị đánh tàu địch”, cựu chiến binh Nguyễn Sách Toản kể.

Khi chiếc tàu địch đi đầu lọt vào tầm bắn, khẩu đội pháo 23mm của ta nổ súng, nhưng mới bắn được vài loạt thì bị hóc đạn. Bị bất ngờ, tàu địch dồn lại thành một hàng dài trên sông và sử dụng vũ khí trên tàu để phản kích. Các khẩu đội pháo 37mm, 57mm của ta hạ nòng bắn mãnh liệt vào đội hình tàu địch. Đồng thời, Đại đội 10, Tiểu đoàn 18 được lệnh kéo pháo 37mm hai nòng lên đồi. Khẩu 37mm vừa chiếm lĩnh trận địa thì chiếc Zil-157 kéo pháo lên bị trúng đạn bốc cháy.

Tiểu đoàn trưởng Vũ Đức Sản trực tiếp chỉ huy đẩy pháo ra xa và lệnh cho đồng chí Khánh lái xe nhanh chóng lái xe đang cháy xuống chân đồi. Khi khẩu pháo 37mm hai nòng vào trận địa thì khẩu 23mm cũng khắc phục xong. Hỏa lực ta bắn rất hiệu quả. Nhiều tàu địch bốc cháy ngùn ngụt. Các trận địa khác ở dưới thấp cũng tham gia bắn chiến đấu. Kết quả, Tiểu đoàn bắn cháy 3 máy bay, 8 tàu chiến địch, số tàu chiến còn lại chạy thoát xuống Cát Lái bị đơn vị bạn chặn đánh và tiêu diệt hoàn toàn.

... đến đơn vị điểm vững mạnh toàn diện

Với thành tích xuất sắc bắn cháy 10 tàu chiến, bắn rơi 27 máy bay, tiêu diệt 500 tên địch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, đơn vị vinh dự được tặng thưởng: 6 Huân chương Quân công hạng Nhất, 9 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba cùng nhiều huân chương các loại cho tập thể và cá nhân. 3 tập thể và 1 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Năm 2000, Lữ đoàn được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ đổi mới.

leftcenterrightdel

Bộ đội Lữ đoàn Phòng không 673 tham gia diễn tập chiến thuật và Hội thi bắn đạn thật lực lượng phòng không ba thứ quân khu vực phía Bắc, năm 2023. 

Những năm qua, Lữ đoàn Phòng không 673 luôn là lá cờ đầu trong Phong trào Thi đua Quyết thắng, được tặng cờ thi đua của Chính phủ, Bộ Quốc phòng. Liên tục từ năm 2015 đến 2021, Lữ đoàn được Bộ Quốc phòng tặng Cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi”; từ năm 2018 đến 2021 được công nhận là đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Năm 2023, Lữ đoàn được chọn và hoàn thành các nội dung xây dựng đơn vị điểm về huấn luyện điều lệnh, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật...

Để giữ vững những thành tích đó, theo Trung tá Nguyễn Thanh Hải, đơn vị đã không ngừng đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tổ chức huấn luyện theo đúng phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, chú trọng đột phá vào những nội dung còn yếu, nội dung mới, khó; phát huy hiệu quả các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện cơ bản với huấn luyện theo tình huống, gắn huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật với rèn luyện thể lực và khả năng cơ động của đơn vị, nâng cao chất lượng huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật cho các đối tượng diễn tập sát thực tế chiến đấu; duy trì chặt chẽ, nghiêm túc nền nếp chính quy, quản lý quân số, duy trì kỷ luật. Bên cạnh đó, Lữ đoàn đề ra nhiều biện pháp, trong đó tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ để từng bước nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ...

leftcenterrightdel
 Huấn luyện hiệp đồng bắn các loại mục tiêu tại Lữ đoàn Phòng không 673. Ảnh: ĐOÀN HIỆP

Những điều Trung tá Nguyễn Thanh Hải chia sẻ đã được minh chứng qua câu chuyện của Đại úy Nguyễn Hồng Nhật, Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 3. Tốt nghiệp Học viện Phòng không-Không quân năm 2017, sau đó về công tác tại Lữ đoàn Phòng không 673, Nguyễn Hồng Nhật được giao đảm nhiệm Trung đội trưởng Trung đội Vệ binh, rồi Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 4, Tiểu đoàn 2 huấn luyện chiến sĩ mới. Chuyên ngành đào tạo trong trường là chỉ huy tham mưu pháo phòng không nên khi đảm nhiệm huấn luyện nghiệp vụ vệ binh, rồi huấn luyện chiến sĩ mới với những nội dung hoàn toàn khác chuyên ngành đã học, Nguyễn Hồng Nhật gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, anh không nản chí.

Được sự giúp đỡ, chỉ bảo từ các cấp cùng sự nỗ lực rèn luyện, kiên trì hoàn thiện bản thân qua các công việc được giao, Nguyễn Hồng Nhật từng bước trưởng thành. Không chỉ là “cây sáng kiến” của đơn vị khi cho ra đời rất nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hữu ích phục vụ huấn luyện, anh còn giành được nhiều thành tích cao, như:  Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp Quân đoàn năm 2022; trên cương vị Đại đội trưởng huấn luyện chiến sĩ mới chỉ huy đơn vị giành giải nhất trong Hội thao chiến sĩ mới năm 2022; giành giải ba cho đội tuyển khi đảm nhiệm Đại đội trưởng huấn luyện tham gia Hội thi bắn đạn thật lực lượng phòng không ba thứ quân khu vực phía Bắc, năm 2023. Chia tay chúng tôi, Nguyễn Hồng Nhật tâm sự: “Dù còn rất nhiều khó khăn cũng như nhiệm vụ mới phía trước nhưng tôi sẽ cố gắng phát huy hết khả năng của mình để tiếp bước truyền thống Lữ đoàn Phòng không 673 anh hùng, xứng đáng với sự tin cậy của các thủ trưởng và đồng đội”.

VĂN HIỆP