Đồng chí Bí thư Huyện ủy Lấp Vò (Đồng Tháp) Nguyễn Văn Út và Trung tá Huỳnh Huy Vũ, Chính trị viên Ban CHQS huyện Lấp Vò đã chờ sẵn chúng tôi ở đầu ấp để cùng vào thăm hỏi, tặng quà Anh hùng Trần Thanh Hùng, ở ấp Hưng Quới 1, xã Long Hưng A (Lấp Vò).

Đón chúng tôi trong ngôi nhà mới xây, Anh hùng Trần Thanh Hùng cho biết, ngôi nhà được xây dựng bằng tiền tích cóp từ lương hưu, trợ cấp và sự hỗ trợ của ban, ngành địa phương. Là thương binh, hiện còn mảnh đạn trong đầu nên mỗi khi trái gió trở trời, vết thương lại hành hạ ông. Những lúc như thế, ông lại thao thức, nhớ về một thời đánh giặc.

Sinh năm 1952, Trần Thanh Hùng nhập ngũ khi chưa đầy 16 tuổi, vào bộ đội địa phương Huyện đội Lấp Vò. “Năm 1968, sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân của ta, địch điên cuồng càn quét, đốt phá nhà dân, bắt bớ, tra tấn những người chúng nghi là cơ sở cách mạng ở vùng Lấp Vò này. Căm thù giặc tàn bạo, tôi xin phép bà nội cho nhập ngũ. Nội bảo: “Mày nhỏ thế, các ổng đâu nhận, với lại gian khổ thì mày chịu nổi không?”. Tôi nói: “Cháu đã quyết chí rồi, nội đồng ý nhé!”, ông Trần Thanh Hùng nhớ lại.

leftcenterrightdel
 Anh hùng Trần Thanh Hùng (thứ hai, từ phải sang) trò chuyện với các cán bộ huyện Lấp Vò.

Vì nhỏ bé, Hùng được giao làm giao liên, rồi chuyển sang căn cứ của Huyện đội chăm sóc thương binh. Sáng sớm 15-6-1969, địch càn quét khu căn cứ của Huyện đội Lấp Vò ở Rạch Bà Năm (nay thuộc xã Long Hưng A). Hùng đề nghị được chặn đánh địch để anh em khác chuyển thương binh rút khỏi cứ an toàn. Được trên chấp thuận, Hùng gài lựu đạn chặn đường tiến công của địch và bám công sự phục kích chúng. Khi địch càn vào cứ, có cả quân Mỹ, bị vấp phải lựu đạn gài sẵn, lựu đạn nổ, nhiều lính địch chết và bị thương. Quân Mỹ gọi máy bay trực thăng đến ứng cứu, Hùng một mình cơ động ra nhiều vị trí khác nhau, dùng súng bắn máy bay, khiến địch tưởng ta có nhiều người, nên rút lui. Sau trận đánh này, Hùng được kết nạp vào Đảng.

“Trận đánh phục kích và chiến thuật gài lựu đạn đánh địch của tôi thắng lợi, tạo niềm tin cho bộ đội địa phương, du kích Lấp Vò đánh giặc. Từ năm 1969 đến 1973, tôi đã tổ chức và tham gia đánh địch 182 trận, tiêu diệt hơn 170 tên địch, trong đó có cả lính Mỹ, làm bị thương hàng trăm tên, bẻ gãy hàng chục cuộc càn quét của chúng. Tôi nhớ nhất trận đánh vào tháng 9-1970. Khi đó là mùa nước nổi. Địch huy động một đại đội hành quân bằng xuồng, chia thành nhiều mũi tiến công vào căn cứ của Huyện ủy và Huyện đội, trong đó có trạm quân y chúng tôi. Thương binh ở trạm đã được chuyển đi, song vẫn còn một trường hợp nặng chưa kịp chuyển thì địch ập tới. Tôi cùng đồng chí Trạm trưởng đánh địch, bảo vệ thương binh. Trận này, tôi cũng gài lựu đạn, đánh chìm xuồng của địch, tiêu diệt 12 tên, thu nhiều vũ khí, bảo vệ thương binh an toàn”, Anh hùng Trần Thanh Hùng kể.

Có trận đánh Trần Thanh Hùng cùng đồng đội đã giam chân, chặn địch tới 12 ngày đêm, bẻ gãy nhiều cuộc tiến công của chúng, bảo đảm an toàn cho cơ quan Huyện ủy và đơn vị, thương binh rút lui. Trần Thanh Hùng đã có sáng tạo dùng nạng giàn thun, bắn lựu đạn vào đồn địch, khiến cho chúng hoang mang, khiếp sợ. “Ngày 25-3-1973, địch lại càn vào căn cứ Rạch Bà Năm, tôi cùng đồng đội tổ chức đánh trả. Không may một trái đạn của địch nổ ngay trên đầu, khiến tôi ngất đi. Khi tỉnh lại, tôi thấy đầu và thân mình quấn băng trắng toát. Tôi hỏi y sĩ, liệu tôi còn chiến đấu được không. Đây là lần bị thương thứ bảy của tôi, lần này rất nặng, y sĩ bảo trong đầu tôi vẫn còn mảnh đạn nằm sát não, chưa lấy ra được”, ông Hùng cho biết.

Ngày 1-5-1975, huyện Lấp Vò được giải phóng. Trần Thanh Hùng tham gia Ban quân quản Lấp Vò, phụ trách Ban Dân y của huyện. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, năm 1977, Trần Thanh Hùng được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Năm 1982, ông được trên cử đi học chính trị tại Trường Quân chính Quân khu 9. Năm 1983, ông ra trường, làm trợ lý chính sách Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp; đến năm 1987 nghỉ hưu với quân hàm đại úy. Về địa phương, ông tiếp tục tham gia công tác xã hội, được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Long Hưng A, Phó bí thư Chi bộ ấp Hưng Quới 1... Ở vị trí nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông mới nghỉ công tác mấy năm nay do tuổi cao, sức khỏe giảm sút, song vẫn thường xuyên giao lưu, nói chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ ở địa phương.

Bài và ảnh: GIANG ĐỨC HIẾU