“Các anh đã sinh ra tôi lần thứ hai”...
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Bình không giấu được xúc động khi kể về ký ức chiến trường. Hơn 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia đã để lại trong ông những dấu ấn, kỷ niệm sâu sắc...
Phum Sac Chus, huyện Sandaan (Kampong Thom, Campuchia) là nơi đặt căn cứ của địch. Dựa vào địa hình hiểm trở, nơi đây là điểm địch tổ chức lùa dân đến và tàn sát dã man. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, ngày 20-12-1980, Thượng sĩ Nguyễn Văn Bình, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, Trung đội 1, Đại đội 8, Tiểu đoàn 3, Đoàn 7701, Mặt trận 779 (Quân khu 7) chỉ huy tiểu đội phối hợp với phân đội du kích của bạn tiến công địch đang đóng trú trong phum Sac Chus. Mờ sáng hôm đó, Nguyễn Văn Bình chỉ huy bộ đội chia thành hai mũi cơ động tiếp cận mục tiêu. Tuy nhiên, khi tiến vào phum, chỉ thấy khung cảnh vắng lặng, tiêu điều, những ngôi nhà xơ xác bỏ hoang, xác người chết nằm rải rác, mùi tử khí bốc lên nồng nặc.
Anh Bình kể: “Cảnh tượng chết chóc thương tâm, hoang tàn ấy làm chúng tôi vô cùng đau xót. Khi đến một khu đất trống, tôi phát hiện một bóng người lấp ló bên bờ giếng. Tiến đến gần, tôi thấy một người phụ nữ chỉ còn da bọc xương, trên mình không một mảnh vải, sức khỏe rất yếu. Chúng tôi vội lấy quần áo mặc cho chị, lấy sữa cho chị uống. Chị đã quá đuối sức, muốn nói mà không thể cất nên lời. Chúng tôi dùng cáng võng khiêng chị cơ động hơn 30km đường rừng, dọc đường đi liên tục gặp địch phục kích. Chập choạng tối, đến bờ một con sông nhỏ, chúng tôi dừng nghỉ để chăm sóc y tế cho chị. Vừa dừng chân ít phút, chúng tôi phát hiện có tiếng động bên kia sông. Tôi bò sát mép sông quan sát thì phát hiện bờ bên kia có một tốp địch khoảng 5-7 tên. Tôi chia lực lượng làm hai mũi, triển khai ngay đội hình chiến đấu. Vận động tiến công địch đến một trảng rộng, chúng tôi phát hiện hàng trăm người dân đang bị bọn Pol Pot truy sát, bỏ chạy tán loạn. Chúng tôi lập tức kêu gọi người dân nằm rạp xuống tránh đạn, đồng thời nổ súng tấn công thẳng vào đội hình địch, vừa đánh địch vừa bảo vệ an toàn cho dân.
Trận ấy, chúng tôi tiêu diệt tại chỗ 39 tên địch, vận động, đưa về căn cứ hơn 800 người dân bàn giao cho chính quyền địa phương huyện Sandaan. Còn người phụ nữ, do sức khỏe chị quá yếu, chúng tôi chuyển chị vào bệnh xá của huyện Sandaan để được chăm sóc, điều trị. Hơn một tháng sau, đơn vị tôi có dịp về huyện Sandaan lấy lương thực, đạn dược. Tôi hỏi thăm tin tức về bệnh nhân nữ mà chúng tôi chuyển đến bệnh xá trước đó và may mắn được gặp lại chị. Thật bất ngờ, người phụ nữ ốm yếu chỉ còn da bọc xương hôm nào đã được điều trị, chăm sóc y tế, sức khỏe hoàn toàn bình phục. Chị tên là Sa Ruon, bị Pol Pot bắt đi theo chúng, qua nhiều ngày, chị kiệt sức và bị chúng bỏ lại tại phum Sac Chus. Gặp lại chúng tôi, chị Sa Ruon vội quỳ xuống, nức nở: “Nếu không có bộ đội Việt Nam, tôi đã chết rồi. Các anh đã sinh ra tôi lần thứ hai”. Thời gian sau, chị lấy chồng là chiến sĩ của đơn vị bạn Campuchia, phát triển trở thành cán bộ phụ nữ huyện Sandaan.
Sau này, trước khi về nước dự họp mặt chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng tại Quân khu 7, tôi gặp lại vợ chồng chị Sa Ruon. Chị tặng tôi một gói quà, bày tỏ sự tri ân. Tôi mở ra thấy hai miếng vàng nhỏ nên nhẹ nhàng từ chối, trao lại cho chồng chị và nói: “Việc cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi bàn tay tàn sát của Pol Pot là nghĩa vụ quốc tế vẻ vang của người chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam. Được chứng kiến anh chị hạnh phúc là món quà tinh thần vô giá đối với chúng tôi rồi”...
Trung tuần tháng 7-1983, Nguyễn Văn Bình lúc bấy giờ là Trung úy, Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 3, Đoàn 7701, Mặt trận 779, được cấp trên giao nhiệm vụ tổ chức trinh sát nắm địch trên địa bàn. Anh chỉ huy 7 chiến sĩ bí mật cắt rừng trinh sát các căn cứ của địch tại tỉnh Kampong Thom. Sau nhiều ngày luồn rừng, đến ngày 22-7-1983, tại địa bàn huyện Sandaan, Nguyễn Văn Bình và đồng đội phát hiện đoàn vận tải bộ thuốc men, đạn dược của địch khoảng 100 tên. Bí mật bám đội hình địch hơn 100km, đơn vị đã nắm được thêm nhiều mục tiêu, căn cứ của địch. Đến sáng 27-7-1983, Nguyễn Văn Bình xin lệnh cấp trên tấn công đoàn vận tải bộ.
Do tương quan lực lượng chênh lệch, Nguyễn Văn Bình đã chỉ huy bộ đội vừa cơ động bám nắm địch vừa tích cực làm công tác chuẩn bị chiến đấu để chọn thời cơ tốt nhất tổ chức trận đánh. Đến hơn 16 giờ cùng ngày, địch tạm dừng bên con suối cạn lấy nước nấu cơm tối và mắc tăng võng chuẩn bị nghỉ đêm. Chớp thời cơ này, Nguyễn Văn Bình và đồng đội bí mật luồn sang phía bên kia con suối cạn tổ chức cài mìn vây quanh sườn phía sau nơi địch tạm dừng. Chia làm 3 mũi tiếp cận địch, khi khoảng cách còn hơn 100m, Nguyễn Văn Bình ra lệnh đồng loạt nổ súng.
Chưa đầy 30 phút, Nguyễn Văn Bình và đồng đội đã tiêu diệt tại chỗ 24 tên địch, làm rất nhiều tên bị thương do vấp phải mìn khi tháo chạy, thu nhiều thuốc men, đạn dược, quân trang cùng 12 khẩu súng. Để vận chuyển số lượng lớn chiến lợi phẩm thu được, Nguyễn Văn Bình đã sáng tạo gói kín vào những tấm tăng rồi kéo dọc theo dòng suối hơn 3km về căn cứ an toàn. Với thành tích xuất sắc này, Nguyễn Văn Bình vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
Tiếp đó, trên cương vị Đại đội trưởng, tại huyện Sandaan, Nguyễn Văn Bình đã chỉ huy hai trung đội đánh cơ sở kho tàng, tiêu diệt 30 tên địch, thu 30 tấn vũ khí, đạn dược, quân trang của địch. Lần thứ hai, Nguyễn Văn Bình được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
Nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc trên chiến trường, Đại tá Nguyễn Văn Bình nói: “Qua nhiều trận đánh, tôi rút ra kinh nghiệm, khi trinh sát, hành quân chiến đấu, tuyệt đối không đi theo đường mòn mà phải cắt rừng tìm đường mới, tránh sa vào bẫy mìn hoặc trận địa phục kích của địch. Khi trinh sát nắm địch, chúng tôi luôn chú ý dựa vào dân để thu thập thông tin. Đặc biệt, thời điểm lúc bấy giờ, địch thường trà trộn hoặc giả dạng dân thường. Chúng tôi phổ biến kinh nghiệm nhận dạng qua ánh mắt, thái độ, bàn chân thường có vệt dây dép cao su và cổ cũng có những lốt trắng khác thường do mặc trang phục nhiều hơn người dân. Chúng mặc lớp ngoài cùng là trang phục của người dân nhưng quần, áo lót thường là của địch...”.
Hơn 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia, Nguyễn Văn Bình đã trực tiếp tổ chức chỉ huy đánh thắng 52 trận. Với những chiến công xuất sắc, tháng 8-1985, Nguyễn Văn Bình vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
|
|
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Bình cùng vợ xem lại tấm bản đồ kỷ vật trên chiến trường Campuchia. |
Cuộc sống đời thường và tâm nguyện trả nghĩa
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Bình quê ở xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Tháng 9-1978, Nguyễn Văn Bình tình nguyện nhập ngũ vào Tiểu đoàn Trinh sát 47, Bộ Tham mưu Quân khu 7, trực tiếp tham gia chiến đấu giúp bạn Campuchia. Từ chiến sĩ, Nguyễn Văn Bình phát triển trở thành Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4 (Sư đoàn 5, Quân khu 7) rồi đến Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 317 (Quân khu 7). Năm 2014, ông rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường và luôn gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương.
Con đường dẫn vào ấp An Thạnh 1, xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre dài gần 500m lầy lội, khiến việc đi lại của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Khi về thăm đồng đội tại địa phương, biết khó khăn của dân, Đại tá Nguyễn Văn Bình đã phối hợp vận động các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 40 triệu đồng cùng địa phương bê tông hóa tuyến đường. Sau 3 tháng thi công, mới đây, tuyến đường đã hoàn thành đem lại niềm vui cho bà con. Đây là một trong nhiều công trình thiết thực mà Đại tá Nguyễn Văn Bình đã vận động các tổ chức, nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ các địa phương phía Nam trong xây dựng nông thôn mới từ năm 2015 đến nay. Thời gian qua, ông nhiều lần cùng đồng đội trở về chiến trường xưa thăm hỏi, tri ân nhân dân Campuchia đã sát cánh, giúp đỡ Quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế. Ông đã tìm kiếm, cất bốc được 3 hài cốt của đồng đội hồi hương về nước; cung cấp nhiều thông tin giá trị cho các đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất bạn Campuchia.
Thượng tá Đặng Văn Lược, Chính trị viên Ban CHQS quận Tân Phú cho biết: “Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Bình là nhân tố tiếp lửa truyền thống điển hình ở địa phương. Nhiều năm qua, địa phương hoàn thành tốt chỉ tiêu tuyển quân, thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ là có phần giáo dục truyền thống bằng những câu chuyện cụ thể, tấm gương sáng của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Bình”.
Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN