Nhân sự kiện này, tôi nhớ tới cuộc gặp mặt các cựu chiến binh lực lượng xăng dầu đường ống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, kỷ niệm 60 năm Bộ đội Trường Sơn anh hùng, tại TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) ngày 8-5-2019. Hôm đó Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, nguyên Trưởng tiểu ban Kỹ thuật Trung đoàn 592, Chủ tịch Hội Truyền thống Xăng dầu đường ống Trường Sơn đã kể với chúng tôi những kỷ niệm sâu sắc của anh về đồng đội Nguyễn Lương Định: “Ngày 15-8-1969, anh Định (lúc đó tròn 20 tuổi) được Đại đội trưởng Phạm Ngọc Thiều giao phụ trách bộ phận nhận và tổ chức thả trôi các phuy xăng từ K3 qua suối Ra Mai, Ra Vơ xuôi sông Sê Băng Hiêng đến giao cho Binh trạm 9 đang đóng quân trên đất bạn Lào. Địch điên cuồng ném bom dọc dòng Sê Băng Hiêng, bắn đạn pháo nhằm ngăn chặn việc vận chuyển của ta. Anh Định cùng đồng đội vật lộn trong lũ dữ, điều chỉnh những phuy xăng chưa trúng đạn để chúng không bị vướng chướng ngại vật, trôi theo dòng nước. Các anh đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do địch gây ra, đưa hàng trăm phuy xăng tới đích kịp thời.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu (ngoài cùng, bên phải) kể chuyện về Anh hùng Nguyễn Lương Định.

Sau nhiều cuộc đấu trí đấu lực với địch, đến ngày 22-12-1969, ta đã đưa được xăng qua K4 (ở bản Quần) đến K5 (bản Cọ) khu vực trọng điểm Pha Băng Nưa thuộc tỉnh Savanakhet (Lào). Tiểu đội của anh Định chốt trong hang đá ở trung tâm trọng điểm, liên tục giải phóng tuyến, cứu người để vận hành máy, đưa xăng theo ống ra phía trước. Do địch đánh quá ác liệt, xăng ồ ạt theo ống vỡ thất thoát nhiều. Bộ tư lệnh 559 quyết định chuyển tuyến ống từ bờ Bắc sang bờ Nam sông Sê Băng Hiêng để cách ly đường vận tải ô tô. Đối phương cũng dự liệu điều này. Chúng rải bom từ trường và bom nổ chậm dày đặc bờ Nam nhằm ngăn chặn tuyến ống đi qua. Công binh ta đã dày công dò tìm, vô hiệu hóa được 27 quả bom các loại và nhận định Đại đội 4 có thể rải ống lắp tuyến...

Tuy nhiên, anh Định gặp ngay Đại đội trưởng Thiều nêu ý kiến rằng, đoạn tuyến này bom chồng lên bom. Nếu dưới đất còn bom từ trường mà cả đại đội vác ống đi qua thì rất nguy. Anh đề nghị Đại đội trưởng cho mình vác ống đi kiểm tra lần cuối, nếu còn bom thì chỉ một người thương vong. Nêu vấn đề xong, anh Định vác ống xăm xăm tiến lên phía trước. Mỗi bước đi của anh làm cho cả đại đội căng thẳng dõi theo, lo lắng đến nghẹt thở. Vừa lúc anh khuất sau mỏm đá cuối đoạn tuyến thì quả bom còn sót phát nổ, cuốn khói đen lẫn đất đá lên không trung. Đồng đội kiếm tìm, thấy thân hình anh nhuộm máu, cạnh cái ống gẫy gập quăn queo. Mọi người cấp tốc đưa anh đến trạm phẫu thuật trong niềm hy vọng mong manh. Ngay sau đó, Trung đoàn đã đề nghị trên tặng anh Huân chương Chiến công Giải phóng, mong muốn có sớm trước khi anh qua đời...”.

Sau sự kiện này, đơn vị hoàn toàn mất liên lạc với đồng chí Nguyễn Lương Định. Cho đến một ngày hè năm 1986, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu tình cờ nhận ra anh ngồi xe lăn bán vé số ở trước cửa Trường Đại học Thủy lợi (Hà Nội). Hóa ra, sau khi trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật, Nguyễn Lương Định may mắn thoát chết nhưng liệt hai chân, mất hẳn thiên chức làm cha. Năm 1981, chị Trần Thị Dung, người huyện Thanh Trì, TP Hà Nội thường hay đến thăm cơ sở điều dưỡng thương binh nặng ở Tây Mỗ (Hà Nội) đã đem lòng yêu thương anh. Hai người kết hôn rồi chuyển về sinh sống ở số 192, tổ 15, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP Hà Nội.

Cùng nhiều nhân chứng trực tiếp hiểu và biết về chiến công của Tiểu đội trưởng Nguyễn Lương Định, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu và các cộng sự đã đề nghị Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam hỗ trợ tra cứu và tìm được tấm Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì của anh ở cơ quan lưu trữ. Lễ trao huân chương được tổ chức trang trọng tại khối phố nơi anh ở. Cán bộ và nhân dân địa phương dự kín hội trường. Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu bồi hồi: “Nghe chúng tôi kể lại chiến công của anh, nhiều người xúc động không cầm được nước mắt, cảm phục... Rất tiếc, mùa đông năm 2002, người anh hùng chưa được vinh danh ấy đã về cõi vĩnh hằng ở tuổi 53 do vết thương phát tác. Sau đó, anh đã được công nhận là liệt sĩ!”.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG