QĐND - "Nhân vật trong bức ảnh này là chiến sĩ lái xe Trường Sơn Lê Văn Bạch. Vào một đêm cuối năm 1969, anh đã chở tôi vượt trọng điểm A.T.P trên đường Trường Sơn. Trên quãng đường chừng 30km, chúng tôi cùng trải qua 6 lần “chết hụt” vì bom Mỹ. Đêm đó, tôi cũng chỉ kịp biết thông tin ít ỏi anh quê ở Hải Hưng (trước đây), trước khi nhập ngũ anh là giáo viên dạy Văn. 47 năm đã trôi qua, tôi rất muốn tìm lại người chiến sĩ lái xe năm xưa bởi tôi có niềm tin rằng, sau chiến tranh, đất nước hòa bình, anh đã trở về với ngôi trường xưa để tiếp tục sự nghiệp trồng người”.

Chiến sĩ lái xe Trường Sơn Lê Văn Bạch. Ảnh Hứa Kiểm.

Tôi được gặp nhà báo Hứa Kiểm tại Triển lãm ảnh phóng viên chiến trường vào dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ấn tượng của tôi về ông đó là một người giản dị và khiêm nhường. Gần 20 năm cầm máy trên chiến trường nhưng khi được hỏi về các tác phẩm của mình, ông tâm sự: "Tôi không giữ một tấm phim, bức ảnh nào làm của riêng. Tất cả ảnh tôi chụp đều được lưu trữ tại Thông tấn xã Việt Nam”.

Hứa Kiểm tên thật là Hứa Thanh Kiểm, sinh năm 1938, dân tộc Tày. Ông sinh ra và lớn lên ở thị trấn Lộc Bình, sau gia đình tản cư sang thị trấn Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Năm 1953, ông vào bộ đội, sau đó làm giáo viên văn hóa của Tổng cục Chính trị. Năm 1964, sau sự kiện tàu Ma-đốc, Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, trước yêu cầu phản ánh không khí, tinh thần chiến đấu của quân dân ta chống chiến tranh phá hoại, ông được cử đi học lớp đào tạo nhiếp ảnh cấp tốc trong 6 tháng. Sau khóa học, ông trở thành phóng viên thông tấn quân sự được biệt phái sang Thông tấn xã Việt Nam. Từ đây, với chiếc máy ảnh là vũ khí, ông có mặt trên các mặt trận nóng bỏng, như Ðường 9-Nam Lào, Cánh Đồng Chum (Lào), Tây Nguyên, Quảng Trị, Stung Treng (Cam-pu-chia)…

Nhà báo Hứa Kiểm tâm sự rằng, nghề báo đã cho ông cơ hội được đi rất nhiều nơi, tham gia vào các chiến dịch, các sự kiện lịch sử của đất nước. Những bức ảnh của ông được mọi người biết đến như: Bộ đội tên lửa xung trận, Pháo cao xạ bắn máy bay Mỹ, Vượt lầy trên đường Trường Sơn, Đường 20 - Quyết Thắng... Ông tự hào vì ghi lại được hình ảnh những người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam tại sân bay Đà Nẵng vào những ngày cuối tháng 3-1973, để rồi hai năm sau, ngày 30-4-1975, ông được chứng kiến và ghi lại thời khắc lịch sử trong bức ảnh: “Nhân dân Sài Gòn chào đón Quân Giải phóng”.

Phóng viên chiến trường Hứa Kiểm (ngoài cùng, bên phải) tại triển lãm. Ảnh: Khánh Linh.

Khi được hỏi về kỷ niệm chiến trường, ông cho tôi xem bức ảnh chân dung một người chiến sĩ lái xe, rồi kể: Nhân vật trong bức ảnh này là chiến sĩ lái xe Trường Sơn Lê Văn Bạch. Vào một đêm cuối năm 1969, anh đã chở tôi vượt trọng điểm A.T.P, một trong những trọng điểm ác liệt nhất của đường Trường Sơn. Lê Văn Bạch bảo, tại trọng điểm này, mỗi ngày có từ 14 đến 18 lượt B-52 rải thảm liên tục, tốp này vừa bay đi, tốp khác đã kéo tới. Chúng tôi xuất phát từ Binh trạm 14, khi xe bắt đầu vượt trọng điểm, vào cua chữ A được hơn 50m thì một quả bom hẹn giờ phát nổ, phía sau rung chuyển, đất đá rào rào xuống xe. Lê Văn Bạch bảo tôi: “Bom hẹn giờ đấy thủ trưởng ạ”. Tiếp tục đi một đoạn nữa thì lập tức hai quả bom tọa độ phát nổ. Cứ như thế, quãng đường 30 cây số, chúng tôi không biết mấy lần “hút chết”. Tôi nhìn sang bên, khuôn mặt Lê Văn Bạch trẻ trung, toát lên vẻ nghiêm nghị, anh vẫn bình tĩnh vừa lái, vừa tránh bom, khéo léo vượt qua các đoạn đường tránh nhiều khi cảm tưởng như xe sắp lao xuống vực. Tranh thủ lúc nghỉ hiếm hoi, Bạch kể quê anh ở Hải Hưng, trước khi trở thành chiến sĩ lái xe Trường Sơn, anh làm nghề dạy học. Gần đến cuối chặng đường, tôi nói vui với Lê Văn Bạch: “Hôm nay, chúng ta 6 lần suýt chết”. Cậu ta cười bảo: “Thủ trưởng ơi, chết hụt đến 6 lần thì không ai nói là suýt cả. Cánh lái xe chúng em trở về gặp nhau thường nói: Hôm nay, chúng ta chưa chết!”.

Chia tay chúng tôi, ông tâm sự: “Chiến tranh đã qua lâu rồi nhưng kỷ niệm về chuyến đi đêm ấy và hình ảnh Lê Văn Bạch vẫn còn mãi trong tôi. Tôi rất muốn tìm lại người chiến sĩ lái xe năm xưa bởi tôi có niềm tin rằng, sau chiến tranh, đất nước hòa bình, anh đã trở về với ngôi trường xưa để tiếp tục sự nghiệp trồng người”.
VÂN HƯƠNG