QĐND - Thiếu tướng Nghiêm Sĩ Chúng, nguyên Phó chủ nhiệm-Tham mưu trưởng Tổng cục Kỹ thuật là học viên khóa 1 của Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự). Tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, ông được giữ lại trường làm công tác giảng dạy. Trước khi bước lên bục giảng, ông đã khoác ba lô ra chiến trường “trải nghiệm thực tiễn”. Cuộc “thử lửa” của ông ngay trên chiến trường Quảng Trị thời kỳ vô cùng ác liệt...

Ảnh: Thiếu tướng Nghiêm Sĩ Chúng.

 

Mặc dù là hai thế hệ nhưng câu chuyện về những năm đầu ở giảng  đường của Thiếu tướng Nghiêm Sĩ Chúng kể, tôi thấy có gì thật giống những ngày chúng tôi mới tốt nghiệp sĩ quan ra trường nhận công tác, đó là sự nhiệt huyết, hăng hái của tuổi trẻ và cả những suy nghĩ nặng tính sách vở, lý thuyết, giáo điều… Ông kể: "Trong thời gian 5 năm học đại học thì 3 năm đầu chúng tôi học các môn khoa học cơ bản, kỹ thuật cơ sở, đến năm thứ 4 mới bắt đầu học về vũ khí. Hiểu biết về nguyên lý các loại vũ khí, các loại đạn thì rất rộng nhưng khả năng thực hành thì còn rất yếu. Thời gian chuẩn bị đi chiến dịch, một lần tôi được lệnh xuống đơn vị hỏa lực sửa chữa bộ phận giảm xóc cho một khẩu cối 82mm. Việc này đối với một người thợ vũ khí bậc 3 là quá đơn giản nhưng đối với tôi thì không hề dễ chút nào. Tôi loay hoay suốt buổi sáng, mồ hôi vã ra. Quá trưa, may quá, tôi cũng giải quyết được vấn đề nếu không thì mang tiếng là một kỹ sư mà không sửa được một hư hỏng thông thường của bộ phận giảm xóc cối 82mm. Tôi biết, mình còn rất thiếu kinh nghiệm và kiến thức về sửa chữa vũ khí, đây là một khó khăn lớn nhất đối với một kỹ sư vũ khí chuẩn bị đi chiến trường".

Ở trường, được học quá nhiều thứ nhưng lại chưa chuẩn bị kỹ cho công việc chính là phải thành thạo và có khả năng huấn luyện cho người khác việc sử dụng, tháo lắp, sửa chữa và hiệu chỉnh các loại vũ khí trong phạm vi chuyên ngành của mình. Ông Chúng nhớ mãi một kỷ niệm, đó là vào khoảng cuối tháng 1-1972, ông và ông Khoa, giáo viên môn hình họa họa hình nhận nhiệm vụ theo ông Lê Xuân Tấu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 198 đi nhận pháo cao xạ 37-2 tự hành tại Nhà máy Z153. Loại cao xạ tự hành này do ta cải tiến bằng cách lắp nguyên khẩu pháo cao xạ 37-2 lên xe tăng T34 đã được dỡ bỏ tháp pháo. Ông Chúng không biết gì về quá trình thiết kế và bắn thử nhưng khi nhìn khẩu pháo tự hành thì có cảm giác nó chỉ được chở trên một chiếc xe tăng T-34, còn khả năng che chắn cho các pháo thủ khi chiến đấu thì rất hạn chế, vì toàn bộ khẩu pháo và các pháo thủ khi thao tác đều nằm trên thân xe tăng, hầu như không có gì che chắn và lắp pháo kiểu này thì không thể bắn được khi xe tăng đang hành tiến. Tuy nhiên, việc tiếp nhận pháo cũng được Tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Tấu tiến hành rất cẩn thận và tỉ mỉ. Sau này nghĩ lại mới thấy, việc lắp khẩu pháo cao xạ 37-2 lên xe tăng T-34 đã dỡ tháp pháo là một việc làm xuất phát từ suy nghĩ quá đơn giản. Việc lắp pháo phòng không trên xe tăng phức tạp không khác gì lắp trên tàu thủy, nhất thiết phải có hệ thống tự động điều chỉnh khi con tàu tròng trành trên sóng nước cũng như khi xe tăng cơ động trên địa hình không bằng phẳng thì mới có thể bắn được khi hành tiến.

Một câu chuyện xảy ra trong chiến đấu mà Thiếu tướng Nghiêm Sĩ Chúng gọi đó là “khúc dạo đầu bi tráng”. Đơn vị ông bị lộ trong quá trình hành quân. Địch sử dụng máy bay ném bom oanh tạc vào đội hình… Lúc đó khoảng 8 giờ, một đợt máy bay nữa đến vẫn theo đội hình 3 chiếc AD6 và 2 chiếc B57. Phía trên cao vẫn là 2 chiếc OV-10 và một chiếc L-19 bay lượn không ngừng quan sát xuống mặt đất. Khác với mọi lần trước, lần này chiếc L-19 bắn một quả đạn khói, 5 chiếc máy bay lần lượt bổ nhào và ném bom vào đội hình của ta. Chỉ sau một loạt bom, tất cả lá ngụy trang trên xe đều bay hết. Ông Chúng không kịp quan sát xung quanh mình có bao nhiêu chiếc xe nhưng trước mặt, cách khoảng 15m, một chiếc xe tăng lội nước PT-85 không còn một cành lá ngụy trang, đứng phơi mình giữa bãi trống và nó đã trở thành mục tiêu để từng máy bay bổ nhào cắt bom. Ngay sau loạt ném bom đầu tiên, đồng chí Bảo, Chính trị viên Đại đội đã chạy vọt ra khỏi gầm xe. Bộ phận còn lại mặt mày ngơ ngác, hoảng loạn... Trong gầm xe lúc này, ông là sĩ quan duy nhất. Máy bay địch vẫn bổ nhào ném bom. Chiếc PT-85 cách đó không xa đang phải hứng chịu hết đợt bom này đến đợt bom khác. Trên xe có một khẩu súng máy phòng không 12,7mm nhưng không thấy một người nào, với lại lúc này có liều mạng thì cũng không thể nhảy lên xe mà bắn được, nhiều khả năng sẽ chết vì bom. Còn đối với ông, nếu có đủ can đảm để trèo lên xe thì lại không biết bắn súng máy phòng không 12,7mm. Ở trường, ông chỉ tập bắn có  hai loại súng, một là súng tiểu liên AK trong chương trình học quân sự năm thứ nhất và bắn súng ngắn K54 năm thứ hai. Là kỹ sư vũ khí, chuyên ngành súng bộ binh và pháo mặt đất nhưng chưa hề tự tay tháo lắp và sử dụng súng đại liên, trung liên, súng máy phòng không 12,7mm, các loại súng cối, DKZ, kiến thức về sử dụng, sửa chữa và hiệu chỉnh các loại vũ khí này hầu như chưa có gì. Trong trường hợp cụ thể này, một kho kiến thức đồ sộ học được ở trường đã không giúp gì được. Ông quyết định cho bộ đội nhanh chóng rời khỏi vị trí xe.

Tháng 9-1972, Thiếu tướng Nghiêm Sĩ Chúng và các giáo viên của Trường Đại học Kỹ thuât quân sự trở lại nhà trường tiếp tục làm công tác giảng dạy. Sau hơn hai năm "thử lửa" trong chiến trường, những kiến thức bổ ích từ thực tiễn đã được ông đưa vào từng bài giảng, góp phần làm cân bằng hơn giữa lý thuyết với thực hành trong việc đào tạo sĩ quan.

Bài và ảnh: GIA LINH