Ông Lê Đức Vân kể, ngay từ tháng 10-1946, người dân Thủ đô đã được vận động tản cư, chỉ còn thanh niên và những người tình nguyện cùng lực lượng công an, bộ đội, các em thiếu sinh quân ở lại. Việc đào giao thông, đục tường thông từ nhà nọ sang nhà kia được làm suốt ngày đêm. Mỗi khu đều có kho đựng vũ khí do trên cấp phát, kho hậu cần và trạm cứu thương. Lớp học ngắn ngày về quân sự, cứu thương, tuyên truyền... được mở cấp tốc ở nhiều khu phố. Lúc đó, nội thành Hà Nội chia làm ba liên khu.
|
|
Trước chiến lũy Ô Cầu Dền, tháng 1-1947. Ảnh tư liệu |
Đầu tháng 12-1946, ông Vân được điều về hoạt động tại Ủy ban Kháng chiến Liên khu 2 phụ trách việc liên lạc, chuyển các mệnh lệnh (đã được mã hóa) của ban chỉ huy gửi các đơn vị chiến đấu. Ông phụ trách tiểu đội khoảng 10 thiếu sinh quân độ tuổi 14-15 làm công tác liên lạc. Ông Vân nhớ lại: “Ngày đó, các phương tiện để liên lạc rất ít, chỉ những đơn vị đặc biệt mới được trang bị điện thoại quay tay. Do vậy, để bảo đảm bí mật quân sự, mật thư được viết dưới dạng các con số rồi giao cho các em liên lạc mang đến cơ quan tác chiến. Những con số được chuyển thành các chữ cái thông qua quy định về ký tự theo số trang, số dòng trên một số quyển sách”.
Hình ảnh những thiếu sinh quân tuổi còn trẻ, gan dạ, nhanh nhẹn luồn lách qua các ngõ phố, từ nhà này sang nhà khác, vừa làm nhiệm vụ giao liên, tiếp tế lương thực, quân nhu cho bộ đội, vừa làm nhiệm vụ cứu thương và trực tiếp tham gia chiến đấu khiến ông Vân không thể nào quên. “Các thiếu sinh quân ngày ấy rất lễ phép và nhanh nhẹn, mỗi lần chúng tôi giao nhiệm vụ, các em luôn sẵn sàng thực hiện không kể ngày đêm. Nhiệm vụ nào được giao các em cũng đều hoàn thành và bảo đảm an toàn. Do vậy, sau này khi chúng ta rút khỏi Hà Nội, các em cũng rút ra an toàn, gần như không có thương vong”, ông Vân tự hào khi nhắc đến các thiếu sinh quân.
Trong những ngày đầu chiến đấu bảo vệ Thủ đô, nhân dân Hà Nội phát huy nhiều sáng kiến giết giặc. Các đường phố chính địch cơ động, quân ta bố trí mìn thật và giả xen kẽ dưới các nồi đất đặt úp trên đường để nghi binh, diệt địch, ngăn bước tiến của chúng. Trên các mũi tiến công của địch, nơi nào cũng xuất hiện những tổ bắn tỉa. Các lỗ tường xuyên qua từng nhà dọc các dãy phố giúp ta di chuyển và ẩn nấp thuận lợi. Ðội quyết tử quân ôm bom ba càng luôn túc trực, sẵn sàng lao vào xe tăng địch. Công nhân, thanh niên, học sinh, viên chức, tiểu thương... đều trở thành lực lượng tự vệ cùng đồng bào ở các khu phố hăng hái, sôi nổi sẵn sàng chiến đấu. Những ngày chiến đấu gian khổ đó, không ít lần ông Vân và đồng đội đối mặt với tử thần. “Một lần, tôi đang trên đường làm nhiệm vụ thì quân địch bắn pháo. Khi vừa nghe thấy tiếng pháo, tôi lập tức nằm xuống đất. Quả pháo nổ cách tôi khoảng 15 thước, đất cát bay tứ tung, mặt đất rung chuyển khiến người tôi bật nảy lên. Bắn một hồi thì quân địch rời đi. Thật may lần đó tôi chỉ bị thương nhẹ”, ông Vân bồi hồi nhớ lại.
Cảnh tượng khiến ông Vân đến giờ vẫn xót xa là lần ông cùng 3 đồng đội len lỏi giữa các nhà dân để tìm kiếm lương thực thì thấy thi thể một người phụ nữ khoảng 20 tuổi với nhiều vết thương trên người. “Chứng kiến tình cảnh đó, chúng tôi vô cùng uất ức, căm hờn, muốn xả thân giết hết lũ giặc. Sau một hồi trấn tĩnh lại, tôi và đồng đội cùng nhau đào một cái hố trong nhà để an táng người phụ nữ đó rồi mới rời đi”, đôi mắt ông Vân đỏ hoe khi nhắc lại tội ác của thực dân Pháp...
LA DUY