Từ trước tới nay, chỉ nghe tên và những chiến công của ông, tôi cứ nghĩ ông là vị tướng quắc thước, khiến người khác phải e dè lắm. Vậy mà không! Ông đến, đi đứng khoan thai, giọng nói nhẹ, trò chuyện với chúng tôi thân tình: “Mình cũng từng là nhà giáo. Nhà giáo đòi hỏi phải hiểu biết nhiều. Các cậu là giáo viên ngoại ngữ lại càng cần phải kiên trì. Muốn giỏi phải thường xuyên đọc, thường xuyên nói!”.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khi ấy mới được thành lập, nhiều cán bộ trẻ. Sau này, Đại tướng còn có nhiều lần đến thăm trường và không quên nhắc chúng tôi phải rèn luyện ý chí phấn đấu, nỗ lực trong chuyên môn. Mình phải “rèn nghề” trước thì mới truyền đạt tốt cho người học được! “Bài học đầu tiên” ấy chúng tôi không bao giờ quên!

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Túc chụp ảnh kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 1996. Ảnh do nhân vật cung cấp

Giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được 13 năm thì tôi có quyết định điều chuyển sang công tác tại Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Khi ấy, trên cương vị Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, rồi sau đó là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đại tướng đều dành thời gian sang làm việc tại cơ quan mặt trận. Buổi trưa, có lúc ông ở lại, hai thầy trò thường ngồi trò chuyện. Ông hỏi thăm gia cảnh, vợ con tôi ở nhà. Tôi kể chuyện mình đang là giảng viên đại học, lại điều chuyển về làm thư ký ở mặt trận, vợ tôi có ý không hài lòng. Có lần cô ấy còn “ý kiến” với chồng về việc bị bạn bè chê là đang ở chỗ cao, tại sao lại xuống “thấp” như vậy? Đại tướng lắng nghe một hồi rồi mới hỏi: “Thế bây giờ cậu thấy thế nào?”. “Tôi thấy làm công tác mặt trận không dễ, thực sự rất khó!”. “Đúng, đã dấn thân vào lĩnh vực này phải cố gắng đọc, học, tiếp xúc. Trong mặt trận, mỗi người một tính nết, phải làm sao để xử lý thật tốt các mối quan hệ”. Và ông dẫn câu nói của M.Gorki để tôi hiểu rõ hơn: “Cậu nên nhớ, Gorki đã nói rất đúng: Trong các ngành khoa học, khoa học xử lý mối quan hệ giữa con người và con người là khó nhất”. Còn vấn đề hậu phương, cậu cứ bình tĩnh thuyết phục dần, “việc này Đảng và Nhà nước giao, không thể từ chối được!”. Đặc biệt, phải thuyết phục khi cô ấy vui vẻ, cứ “lợi dụng” vào buổi tối, khi vợ chồng “đầu ấp má kề” thì tâm sự cho cô ấy hiểu! Không nên nóng nảy mà gia đình bất hòa...”.

Tôi nhớ, bao giờ đến hội nghị, Đại tướng cũng ngồi ở hàng ghế thứ hai để tỏ ý tôn trọng các nhân sĩ, trí thức ra giúp nước. Gắn bó với mặt trận, nhiều ý kiến của Đại tướng được đông đảo nhân sĩ, trí thức ủng hộ và làm theo. Ví như hai việc sau đây:

Năm 1989, Mặt trận Tổ quốc có chủ trương thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam nhưng mới chỉ là tổ chức đơn thuần. Qua năm hoạt động đầu tiên, nhận thấy Hội Cựu chiến binh là nòng cốt ở địa bàn dân cư và cơ sở, Đảng đoàn Mặt trận báo cáo lên Bộ Chính trị. Đại tướng, với tư cách là Chủ tịch danh dự của hội rất ủng hộ và có những đóng góp quan trọng để sau này hội trở thành một tổ chức chính trị-xã hội, là tiếng nói của các cựu chiến binh cả nước như hiện nay. Năm 1996, việc thành lập Hội Khuyến học cũng có đóng góp lớn của Đại tướng và khi chúng tôi đề nghị Đại tướng là Chủ tịch danh dự của hội thì ông vui vẻ nhận lời ngay.

LÊ THỊ HOA - Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam