Lớp học “10 phút”
Đại tá Nguyễn Văn Huyên là một trong những thư ký lâu năm của Đại tướng. Khi ông còn sống, tôi đã có hai lần được phỏng vấn tại tư gia. Ông cho biết: “Tôi có nguyện vọng ghi lại những bài học mà anh Văn đã để lại cho thế hệ chúng ta. Những bài học đó không chỉ là nghệ thuật quân sự hay chiến lược chiến tranh mà còn là bài học về phương pháp tư duy dẫn dắt. Tôi cũng như nhiều anh em cán bộ khác khi về làm việc dưới quyền Đại tướng tuổi đều còn trẻ, hay nóng vội. Trong đó có cả việc báo cáo khi có vụ việc. Nhiều khi vừa chạy đến nơi làm việc của Đại tướng, chân chưa dừng bước, miệng còn thở hổn hển đã nhanh nhảu nói ngay. Tôi đã từng làm vậy và cũng nhiều lần chứng kiến những hình ảnh tương tự. Mỗi lần như thế, anh Văn lại giơ tay ý nhắc anh em thong thả không phải vội, nghỉ ngơi rồi hãy bình tĩnh báo cáo. Anh tập trung lắng nghe và sẽ hỏi lại những chi tiết mà chính người báo cáo nhiều lúc cũng không nghĩ tới. Bằng cách dẫn dắt ấy, anh đã giúp chúng tôi nắm được rõ ràng và sâu sắc hơn tình huống mà mình vừa phản ánh. Có lẽ chính bởi thế mà nhiều đồng chí khi vào làm việc với Đại tướng, đều “xin” cánh thư ký chúng tôi được nán lại thêm thời gian so với lịch đăng ký. Khi ra về, ai cũng vui vẻ, hào hứng vì “vỡ” ra nhiều điều. Họ nói với chúng tôi: Tớ vừa được tham gia lớp học “10 phút” đó!”.
|
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát tình hình địch từ Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, năm 1954. Ảnh tư liệu. |
Sắc hay nặng?
Thiếu tướng Hoàng Đan (1928-2003) quê ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Cuối đợt 2 của Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Trung đoàn phó Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 có nhiệm vụ bao vây phân khu Hồng Cúm, khống chế sân bay và trận địa pháo binh địch, tiến tới chia cắt phân khu Hồng Cúm với phân khu trung tâm Mường Thanh. Thời điểm này, việc bảo đảm đạn pháo không đủ nên các đơn vị tiến công đề nghị chi viện từ 5 quả đạn pháo trở lên đều phải được chỉ thị của Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái.
CCB Nguyễn Bội Giong, nguyên phái viên tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu, Bí thư quân sự của đồng chí Hoàng Văn Thái trong Chiến dịch Điện Biên Phủ kể: “9 giờ sáng hôm ấy, điện thoại réo liên tục về sở chỉ huy chiến dịch. Ai đó nhận điện thoại báo cáo có thông tin ở hướng Hồng Cúm, xuất hiện 6 xe tăng địch tiến vào trận địa, xin chi viện của pháo binh. Sau khi pháo bắn, điện thoại lại báo về sở chỉ huy: “Cháy rồi!”. Cơ quan đang tiến hành tổng hợp ghi chiến công cho pháo binh thì lúc này anh Văn từ trong đi ra. Anh hỏi ngay ai là người vừa báo cáo về. Khi biết đó là đồng chí Hoàng Đan, anh Văn yêu cầu nói chuyện trực tiếp. Anh ra lệnh: “Cậu đánh vần rõ cho tôi!”, “C-H-A-Y...”, “Sắc hay nặng?”... Cuộc đối thoại ngắn nhưng đã làm "thay đổi" kết quả trận đánh. Hóa ra là “chạy rồi!”. Ta đã để sổng mất 6 chiếc xe tăng của địch. Còn cánh tham mưu chúng tôi thêm khâm phục Đại tướng. Anh nhớ rõ quê quán và hiểu thuộc cấp của mình nên mới biết “tật” của anh Đan, là người Nghi Lộc nên khi nói hay nhầm dấu nặng thành dấu sắc!”.
Hãy cho biết tọa độ của đồng chí!
Câu chuyện này chúng tôi được Đại tá Lê Đông Hải, con trai của Đại tướng Lê Trọng Tấn kể. Cũng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn sau khi đi kiểm tra chiến trường, đã báo cáo về sở chỉ huy thông tin, địch đang kéo ra hàng nhiều. Qua điện thoại, Đại tướng yêu cầu: "Hãy cho biết tọa độ của đồng chí!".
Đại tá Lê Đông Hải nhớ lại: “Cha tôi kể, câu hỏi bất ngờ ấy khiến ông khá bối rối. Nhưng ngay sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị ông chuyển điện thoại cho đồng chí trợ lý tham mưu tác chiến báo cáo vì anh em nắm chắc hơn!".
|
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Lê Trọng Tấn trong một lần trao đổi kế hoạch tác chiến. Ảnh tư liệu. |
Ở đầu bên kia, khi biết được tọa độ chính xác, Đại tướng cùng với cơ quan quan sát trên bản đồ. Sau đó, Tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp yêu cầu Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn nói rõ toán địch ra hàng nằm ở hướng đông hay hướng tây so với vị trí đang đứng. Khi biết đó là hướng đông, Đại tướng khẳng định ngay là lính Phi. Ông lập tức cho gọi đồng chí Hoàng Xuân Tùy đến để tổ chức làm công tác địch vận, thảo truyền đơn kêu gọi đầu hàng. Thậm chí cho phép dùng súng cối rải truyền đơn. Kết quả là chỉ một thời gian ngắn sau đó, số lượng địch giơ cờ trắng ra hàng ngày càng tăng. "Đại tướng rất hiểu và không làm khó cấp dưới trong những tình huống cụ thể, khẩn cấp. Đó là người chỉ huy rất tỉnh táo, khoa học trong từng việc. Nhờ vậy, trong chiến đấu, ta giảm đáng kể thương vong không cần thiết. Lúc sinh thời, cha tôi nhiều lần nói vậy với tôi", Đại tá Lê Đông Hải nói.
NHÓM PHÓNG VIÊN