QĐND - Sau 60 ngày đêm khói lửa cầm chân địch tại Hà Nội, Trung đoàn Thủ Đô được lệnh rút quân để bảo toàn lực lượng trường kỳ kháng chiến. Đêm 17-2-1947, hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã bí mật vượt sông Hồng ngay trước mũi súng của quân thù. Câu chuyện về cuộc rút quân thần kỳ cách đây 70 năm hiện lên sống động qua lời kể của Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, quyết tử quân Hà Nội, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân khu Thủ Đô, Trưởng ban liên lạc Các chiến sĩ quyết tử Liên khu 1 Hà Nội.

leftcenterrightdel
 Đại tá Nguyễn Trọng Hàm. Ảnh: KHÁNH LINH

Cán bộ, chiến sĩ chỉ được phổ biến trước 2 giờ, ban đầu là cơ động nhận nhiệm vụ mới, khi tập trung mới được biết là rút khỏi Hà Nội. Nhận lệnh trên, anh em đều thắc mắc: Bác giao nhiệm vụ quyết tử thì phải giữ Hà Nội đến hơi thở cuối cùng. Chúng tôi phải giải thích, Bác giao nhiệm vụ kìm chân địch càng lâu càng tốt chứ không phải là cố thủ, phải bảo toàn lực lượng đã được trui rèn trong chiến đấu để trường kỳ kháng chiến, lúc đó anh em mới thông. Ra đi nhưng trong lòng mỗi người đều tin tưởng sẽ sớm trở về. Chúng tôi lấy sơn, vôi viết lên các cánh cửa, tường nhà: “Thề sẽ trở về giành lại Thủ đô”.Sau nhiều trận liên tiếp bị thất bại: Trận nhà Xô-va, Hàng Thiếc, khu Đồng Xuân, địch rút kinh nghiệm, tập trung quân, hỏa lực mạnh phát triển nhiều mũi tấn công. Địa bàn chiến đấu của Liên khu 1 thu hẹp nhiều. Chiến đấu liên tục hai tháng, đạn dược, lương thực đã cạn kiệt nhưng tinh thần anh em vẫn vững vàng, quyết tử bám trụ, củng cố công sự, trận địa... Để bảo toàn lực lượng, bảo đảm phục vụ kháng chiến lâu dài, trên ra lệnh đơn vị rút khỏi Hà Nội. Trung đoàn thông báo Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp điện ra lệnh cho Trung đoàn Thủ Đô rút vào đêm 17-2-1947, đồng thời chuyển lời khen ngợi của Bác Hồ: “Các chú giam chân địch một tháng là thắng lợi. Đến nay giữ Hà Nội được hai tháng là đại thắng lợi”.

Đúng 18 giờ ngày 17-2, ba tiểu đoàn đến vị trí tập kết ở đình Phất Lộc (nằm trên phố Hàng Bạc). Theo kế hoạch, Tiểu đoàn 101 đi trước, tiếp theo là Tiểu đoàn 102. Tiểu đoàn 103 đi sau cùng với Trung đoàn bộ. Chúng tôi đi qua phố Hàng Mắm, vượt đê, xuống bãi Phúc Tân rồi lội qua lạch nhánh phụ sông Hồng. Nước sâu tới ngực, lạnh thấu xương. Sang bãi giữa, chúng tôi lợi dụng luống cây hoa màu để ngụy trang. Đêm hôm ấy cuối tuần trăng, trời tối như bưng. Hệ thống đèn chiếu sáng trên cầu bị sương mù và mưa dày đặc che mờ, trời rét nên địch tuần tra canh gác cũng ít đi. Chúng tôi không ai bảo ai, quay lại nhìn Hà Nội chìm trong khói lửa.

leftcenterrightdel
Chuyến đò đưa bộ đội về nơi tập kết, tháng 2-1947.  Ảnh tư liệu

Trước hết, tôi thấy việc rút quân ngày ấy là cả một cuộc đấu trí quyết liệt với địch. Ta thành công bởi bảo đảm được yếu tố bí mật, bất ngờ về công tác tổ chức và thời điểm. Với địch, ta thực hiện kế hoạch “cường công, mật rút”. Nghĩa là các đơn vị bên ngoài đánh thật mạnh, kéo địch ra để tạo một hướng sơ hở cho Trung đoàn Thủ Đô rời khỏi Liên khu 1 được an toàn. Với ta, quyết định lui quân được giữ bí mật đến phút chót. Về đường rút quân, ban đầu, có phương án rút theo đường cống ngầm nhưng xét thấy không khả thi. Vì đường kính cống chỉ có 1,2m, không thể cáng đưa thương binh, bệnh binh ra. Hơn nữa, hệ thống cống ngầm ở Hà Nội do thực dân Pháp xây dựng, chắc chắn chúng có sơ đồ. Cuối cùng ta đã chọn nơi mà kẻ thù không thể ngờ tới, đó là ngay trước mũi súng của chúng. Đúng là nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất. Góp phần làm nên thành công của cuộc lui quân thần kỳ phải kể đến chiến công của Tiểu đội liên lạc Hồng Hà và nhân dân làng Tứ Tổng (nay là phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) đã bất chấp hiểm nguy vận chuyển, dẫn đường đưa hơn 1.000 người rút ra an toàn. Khi phát hiện Trung đoàn Thủ Đô biến mất, thực dân Pháp điên cuồng đuổi theo. Tiểu đội liên lạc Hồng Hà dưới sự chỉ huy của Tiểu đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại chấp nhận hy sinh để đánh lạc hướng địch. Những người dân đưa bộ đội qua sông bị chúng trả thù đốt nhà, giết dân, phá nát thuyền bè…Sau này, tôi có điều kiện để suy ngẫm và đánh giá đầy đủ về cuộc rút quân mà dư luận thế giới đánh giá là “một cuộc lui quân thần kỳ”. Chỉ trong một đêm, cả đoàn quân hơn 1.000 người vượt vòng vây địch, ra hậu phương bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn ngay trước mũi súng của quân thù.

(*) Ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, Trưởng ban liên lạc Các chiến sĩ quyết tử Liên khu 1 Hà Nội

VÂN HƯƠNG (ghi) (*)