Dường như ông đang chạm đến một “miền thiêng”, ở đó phảng phất bóng hình của người thân đã đi xa hơn 40 năm. “Gia đình chúng tôi có 3 liệt sĩ. Mẹ của tôi là Lê Thị Mai được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Anh trai tôi là Hoàng Văn Chinh, nhập ngũ và hy sinh ở Đồng Nai năm 1966. Em gái Hoàng Thị Khư là dân quân tự vệ xã, hy sinh vì trúng mảnh bom của Mỹ năm 1972. Còn em trai Hoàng Đức Chiêu, hy sinh ở biên giới Tây Nam năm 1978” - ông Cảnh xúc động kể lại.
    |
 |
Ông Hoàng Khắc Cảnh bên tập thư kỷ vật. |
Trong những năm chiến tranh, ông Hoàng Khắc Cảnh là cán bộ kỹ thuật ngành cầu đường, tham gia xây dựng nhiều tuyến đường ở miền Bắc. Anh trai cả nhập ngũ năm 1962 rồi hai năm sau hy sinh, chiến trường ác liệt nên hai anh em không có cơ hội liên lạc, trao đổi thư từ. Nhưng với hai người em, thi thoảng vẫn giữ được mối liên lạc qua những bức thư thăm hỏi. Mấy chục năm đã trôi qua, ông vẫn giữ được những bức thư ấy, dù các em đã đi rất xa…
Cũng như bao lá thư của người lính thời chiến, nội dung những lá thư của hai người em ông Hoàng Khắc Cảnh bên cạnh việc thăm hỏi sức khỏe và tình hình công tác là những dòng kể lại việc sống và chiến đấu. Dù là ở làng biển quê hương Nghi Tiến hay đất Tây Ninh xa xôi, ở đâu cũng là cảnh đạn bom ác liệt, sự sống và cái chết luôn cận kề. Điều đáng nói là trong hoàn cảnh khốc liệt ấy, những người em của ông Cảnh vẫn luôn lạc quan và khẳng định quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu giải phóng đất nước, bảo vệ quê hương. Đồng thời, gửi gắm niềm nhớ thương tới gia đình, tới người anh trai đang làm việc trên các tuyến đường ở miền Bắc.
Nữ dân quân Hoàng Thị Khư kể về việc làng mình mấy lần bị bom và pháo hạm thiêu rụi, cả làng phải đi sơ tán, có những gia đình bom giội trúng hầm làm chết 4-5 người. Trong một bức thư viết từ năm 1968, nữ dân quân làng biển Nghi Tiến tâm sự với người anh trai ở xa: “Anh xa nhớ! Thời gian gần đây, địch liên tục ném bom, giội pháo xuống làng mình, nhà cửa cháy rụi, đã có mấy người chết do bị sập hầm. Dân làng đi sơ tán cả, chỉ có tiểu đội dân quân ở lại trực chiến. Bom và pháo giội xuống suốt ngày, dãy núi phía sau làng giờ trơ trụi, chỉ còn trơ đất đá. Bom đạn ác liệt nhưng chúng em không rời trận địa, thay phiên nhau trực chiến, phối hợp với dân quân xã Nghi Quang, Nghi Tân, Nghi Thủy giăng lưới lửa bắn máy bay…”.
    |
 |
Những lá thư của hai người em liệt sĩ đang được ông Hoàng Khắc Cảnh lưu giữ. |
Còn bức thư gửi từ Hà Tiên, đề ngày 16-10-1977 của chiến sĩ Hoàng Đức Chiêu kể với anh trai rằng mình vừa bị thương, đang điều trị tại Bệnh viện Quân khu 9. Vết thương ở tay đã lấy được đầu đạn ra, còn vết thương ở chân khá sâu, đạn vẫn chưa lấy ra được, nhưng tình trạng không đáng lo ngại, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Phần cuối bức thư, không muốn bố mẹ biết tình hình sức khỏe và sự khốc liệt ở chiến trường, để các bậc sinh thành bớt đi phần nào lo lắng, người em trai dặn ông Cảnh rằng: “Anh đừng cho cha mẹ biết tình hình này anh nhé. Vì ở đây ngày nào cũng đánh nhau, thương vong tương đối nhiều…”. Và đây là mấy dòng trong bức thư Hoàng Đức Chiêu gửi về từ Tây Ninh: “Anh kính thương! Còn về chuyện tương lai của em thì nay ta hãy tạm thời gác lại đã, sau này khi cuộc chiến tranh biên giới này kết thúc, và mong vào sự sống còn của em qua những ngày tháng sau này phải không anh? Anh đừng cho em là suy nghĩ lệch lạc. Nếu anh nhận được thư này thì anh cũng đừng ghi thư báo cho cha mẹ biết. Kể từ hôm nay trở đi, khi không nhận được thư khác của em, có thể em đã gặp chuyện không may, vì chiến trường rất ác liệt…”.
Bên cạnh những bức thư của hai người em, ông Cảnh còn lưu giữ những bức thư của bố là Hoàng Bá Vệ, là cán bộ địa phương với 40 năm tuổi Đảng. Tất cả những bức thư này được cất giữ cùng với các loại giấy tờ quan trọng của bản thân, là kỷ vật thiêng liêng của một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Ông Hoàng Khắc Cảnh cho biết: “Tôi dự kiến làm thêm một căn phòng nhỏ để lưu giữ những kỷ vật của bố mẹ, anh trai và các em để con cháu đời sau hiểu thêm và sống xứng đáng với truyền thống gia đình”.
Bài và ảnh: CÔNG KIÊN