Sau những hàn huyên, các cựu chiến binh ôn lại chuyện chiến trường. Ông Vân được “ưu tiên” kể nhiều hơn, vì tháng 11-1967, khi anh em trong nhóm chưa nhập ngũ thì ông đã là thượng sĩ thuộc Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn, vào Quảng Nam. Ông mở đầu: “Tôi dự 32 trận đánh lớn nhỏ. Có trận nhờ ca dao mà thắng lợi...”.

Vào năm 1971, Mặt trận 44 Quảng Đà lấy khu vực chi khu quận lỵ Đức Dục và khu căn cứ An Hòa làm trọng điểm tiêu diệt địch, phá ấp, phá kìm, đưa dân về lại vùng giải phóng Tây Duy Xuyên và B Đại Lộc. Đêm 27-3, Đại đội 5 thuộc Tiểu đoàn Đặc công 91 (Tiểu đoàn 91) lúc đó quân số chỉ còn 25 người, là mũi chủ yếu tấn công trung tâm quận lỵ Đức Dục. Khoảng 2 giờ sáng, Đại đội trưởng Hoàng Công Diễn (quê Thái Bình)-mũi trưởng, cùng Tổ trưởng tổ cắt rào Nguyễn Quang Hợp (quê Tiên Lãng, Hải Phòng) đã qua được 5 hàng rào. Cán bộ, chiến sĩ đại đội theo cửa mở, thầm lặng tiến vào trong mà bọn lính gác không hề biết.

leftcenterrightdel
Ông Phạm Văn Vân. 

Địch bố trí giao thông hào, địa đạo liên kết với hầm kiên cố. Trên nóc các hầm là lô cốt. Ta đã nghiên cứu kỹ qua trinh sát, thấy rõ sự lợi hại của chúng. B40, B41, thủ pháo các loại được các chiến sĩ đồng loạt “đưa” vào từng lô cốt... Lô cốt sập, bọn địch dưới hầm cũng “ngủ” vĩnh viễn. Nguyễn Văn Nhàn-chiến sĩ liên lạc của đại đội, đi sát Chính trị viên đại đội Phạm Văn Vân, nhìn thấy bọn địch chui từ dưới đất như độn thổ. Nhàn đã dùng tiểu liên diệt 3 tên mà vẫn thấy chúng lúi húi lên. Hóa ra, một lô cốt chưa bị sập hoàn toàn đã trở thành tấm che cho bọn lính ở dưới. Theo lệnh của Chính trị viên Vân, Nhàn tiếp cho nó quả thủ pháo...

Ở giữa khu trung tâm, ụ trung liên của địch như một con sói đơn độc vẫn say máu. Tổ trưởng Hợp tiếp cận. Cú đấm đặc biệt của anh đã tiêu diệt tên giữ trung liên trong giây lát...

Ta tiêu diệt toàn bộ Ban chỉ huy chi khu quận lỵ Đức Dục, 1 đại đội bảo an binh, 3 đơn vị hậu cần-kỹ thuật; tổng số 380 tên địch, 2 khẩu pháo 105mm, nhiều súng cối; 2 bồn xăng hàng chục nghìn lít bị chuyển thành khói đen tuôn ngùn ngụt lên trời.

Kể đến đây, ông Vân rưng rưng: “Tiếc quá! Anh Hợp, một chiến sĩ đầy triển vọng đã không được chứng kiến ngày toàn thắng. Còn anh Diễn, sau trận Đức Dục một năm đã có tới 6 Huân chương Chiến công, được thăng chức tiểu đoàn trưởng thì cuối năm 1972, anh ấy hy sinh!”.

Để kìm lại nỗi đau trong người cựu chiến binh dạn dày trận mạc, tôi hỏi ông Vân: “Thế còn chuyện thắng trận nhờ ca dao? Em được nghe: Ve vẻ vè ve/ Cái vè lá lốt/ Ông Vân Chín mốt (Tiểu đoàn 91)/ Đánh giặc bằng thơ. Có phải đồng đội đặt vè tặng bác?”. Ông Vân cười khà khà rồi nói: Anh em nói quá lên thôi! Chuyện là thế này:

Những năm Mỹ chiếm đóng Quảng Nam, tại vùng A huyện Đại Lộc, chúng xây dựng quận lỵ Ái Nghĩa thành một chi khu quân sự mạnh nằm cạnh dòng sông Vu Gia để ngăn quân ta tiến công Đà Nẵng từ phía Tây Bắc, đồng thời là nơi tiếp tế cho căn cứ Thượng Đức. Với trọng điểm Đồn Cao có 6 lớp rào thép gai bảo vệ, bên trong là những hầm hào, công sự bằng bê tông cốt thép cùng các nhà lính kiên cố, Mỹ-ngụy rêu rao: “Ai đánh sập được Ái Nghĩa thì nước sông Vu Gia sẽ chảy ngược dòng!”.

Ngày 20-4-1971, Tiểu đoàn 91 nhận lệnh của Bộ chỉ huy mặt trận: “Trong vòng 7 ngày chuẩn bị, đêm cuối cùng phải làm chủ Đồn Cao”. Hiểu ý định của cấp trên, Chi ủy, chỉ huy Đại đội 5-đơn vị được phân công đánh Đồn Cao quán triệt bộ đội quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Lực lượng trực tiếp cắt rào, mở cửa gồm Đại đội trưởng Hoàng Công Diễn, Trung đội trưởng Tống Thanh Bảo, Tổ trưởng Nguyễn Văn Thắng và đồng chí Lựa, tổ viên.

1 giờ sáng 27-4-1971, trời nóng nực, tổ cắt rào mở lối đột nhập Đồn Cao. Sau khi cắt xong 3 lớp rào ngoài cùng thì gặp ta-luy (vách) gần như dựng đứng, cao 5m. Bỗng trời nổi dông. Mưa ập xuống. Anh em công kênh nhau mãi vẫn không cắt được lớp rào tiếp theo trên ta-luy, phải quay ra gặp cán bộ ở vòng ngoài bàn bạc khắc phục. “Bỗng nhiên tôi nhớ tới câu ca: Trời mưa đi xét cá rô/ Gặp thằng cu tí đội ô cởi truồng mà ngày nhỏ vẫn hát, rồi vỗ đùi đánh đét: “Cá rô ngược nước! Cá rô ngược nước” - ông Vân khoái trá kể.

Đồn Cao đất pha sỏi đá. Thời gian đã tạo ra ở đây những rãnh nước chảy từ đỉnh xuống qua các lớp rào. Thật là kỳ diệu. Tổ cắt rào như những chú cá rô rạch trong mưa đầu hạ, bám theo rãnh nước chảy, mói rộng thêm rồi luồn qua, toài lên, nhanh chóng vượt qua hàng rào trong cùng, tiếp cận mục tiêu, “gửi tặng” bọn lính gác cùng các nhà lính những quả thủ pháo nổ đinh tai. Từ bên ngoài, bộ đội phát huy tối đa hỏa khí, hỏa lực, hạ 4 lô cốt đầu cầu trong vòng 3 phút, tiến vào trong. Sau nửa giờ, Đại đội 5 làm chủ Đồn Cao, cùng các mũi tiến công khác làm nên một chiến thắng Ái Nghĩa.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG