QĐND - "Trận đánh lịch sử tại Trường Con Gái tháng 12-1946 đã góp phần quan trọng khích lệ quân và dân Hải Dương bước vào Toàn quốc kháng chiến. Ở thành phố Hải Dương, bộ đội tham gia trận ấy còn tôi và một số người. Tiếc là Đội trưởng Đặng Quốc Chinh, Anh hùng LLVT nhân dân, người “đạo diễn tác chiến” của đội cảm tử trong trận ấy không còn nữa...”. Với tác phong cẩn trọng và thông tuệ, cụ Nguyễn Văn Roãn đã làm cho câu chuyện đánh Trường Con Gái cách nay 70 năm cuốn hút chúng tôi ngay tại tư gia của cụ-số 180, phố Chương Dương, phường Trần Phú, TP Hải Dương.  
leftcenterrightdel
Cụ Nguyễn Văn Roãn. 

...Cuối tháng 3-1946, thực dân Pháp chiếm đóng thành phố Hải Dương. Tại đây, đầu tháng 12, chúng ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Chúng đặt sở chỉ huy tiểu đoàn và 1 đại đội ở Nhà máy Chai, 1 đại đội ở khu vực Ngân hàng Nông Khố, 1 trung đội ở Trường Con Gái (địa điểm Trường THCS Võ Thị Sáu hiện nay - NV), 1 trung đội ở đầu cầu Phú Lương và một bộ phận đóng tại cầu Lai Vu... Quân và dân Hải Dương sẵn sàng  bước vào Toàn quốc kháng chiến.

Lúc 20 giờ ngày 19-12-1946, tự vệ thành phố Hải Dương đã cho nổ mìn phá hủy bốt điện trung tâm. Toàn thành phố tối sầm. Các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 44, Chiến khu 3 cùng các đơn vị cảnh vệ, tự vệ chiến đấu, tự vệ thành, công an xung phong, theo hiệu lệnh ấy đồng loạt tấn công quân địch. Theo sự phân công của cấp trên, Đội Cảm tử bảo vệ thành phố do Đội trưởng Đặng Quốc Chinh chỉ huy đánh vào Trường Con Gái. Vì chưa có súng nên các chiến sĩ lợi dụng địa hình địa vật, tiếp cận lỗ châu mai lô cốt tiền tiêu của địch để ném lựu đạn vào trong và xung phong. Song, cũng giống như ở Nhà máy Chai và Ngân hàng Nông Khố, do lực lượng địch đông, hỏa lực mạnh, ta thiếu vũ khí nên đều không giành được thắng lợi. 

leftcenterrightdel
Bia Chiến thắng kỷ niệm trận đánh Trường Con Gái thành phố Hải Dương đêm 21-12-1946.

Đêm hôm sau (20 -12), lực lượng đánh Trường Con Gái được bổ sung một trung đội và một số chiến sĩ công an có súng trường. Mỗi người trong Đội Cảm tử được cấp thêm 2 lựu đạn và 1 chai xăng. Đặc biệt là một số tù nhân thường phạm cũng tình nguyện cùng Đội Cảm tử giết giặc, lập công chuộc tội. Không ngờ, khi ném hết lựu đạn, họ hồn nhiên kêu to: “Hết đạn rồi, rút thôi!”. Đội trưởng Chinh thoáng nghĩ, nếu bọn lính Pháp trong đồn biết tiếng Việt thì thật bất lợi cho ta, mặt khác, lối đánh hiện tại đang bộc lộ sự bế tắc. Ông hạ lệnh rút quân.

Hai trận không thành công, sang ngày 21-12, chỉ huy mặt trận thay đổi chiến thuật, tạm thời tránh chỗ mạnh, tập trung lực lượng tự vệ chiến đấu và công an, phối hợp với Trung đoàn 44, đánh vào nơi hiểm yếu của địch là Trường Con Gái. Đội Cảm tử được giao nhiệm vụ đột phá khẩu, làm nòng cốt tiến công. Cả buổi sáng hôm ấy, Đội trưởng Đặng Quốc Chinh nghĩ cách tấn công vào Trường Con Gái. Ông khẳng định, chỉ có bộc phá mạnh mới có thể đánh sập bức tường lô cốt của địch. “Nhìn ông, vầng trán cao vuông vức và ánh mắt lạc quan của một sinh viên luật khoa tham gia kháng chiến, chúng tôi trào dâng niềm tin tưởng, hy vọng”-cụ Roãn bày tỏ.

Đội trưởng Chinh đích thân sang công an tỉnh xin những mẩu chất nổ, loại thường dùng để phá cây, dẻo như đất sét, về nhét đầy vào chiếc vỏ hộp bằng kim loại đựng đồ ăn của lính Pháp, kích thước vào khoảng 20cmx20cmx10cm, với 5 chiếc kíp nổ. Ông cắt dây mìn đốt lên và đối chiếu với thời gian qua đồng hồ, làm thử nhiều lần để ấn định độ dài dây cháy chậm bảo đảm chắc chắn quân địch không kịp ném bộc phá trở ra. Ông xếp 5 que diêm cùng chiều làm nụ xòe, bó vào đầu dây cháy chậm.

Hai lần tấn công trước, quân ta đã bám được tường rào nhưng không thể xung phong trước các ụ súng của địch. Lần này, Đội trưởng Chinh tổ chức rất bài bản: Các chiến sĩ đẩy những bao tải đầy vỏ trấu đi trước chắn đạn, người bò theo áp sát các ụ súng. Phía sau trường, có tự vệ và nhân dân phối hợp hô khẩu hiệu phân tán lực lượng địch. Khi ông nhét hộp mìn qua lỗ châu mai thì chiến sĩ Thịnh ném chai xăng vào trong trường...

Khoảng 20 giờ ngày 21-12, đội hình chiến đấu đang chờ lệnh thì pháo 37mm của ta từ gác chuông chùa Đông Thuần khạc lửa uy hiếp địch. Đội trưởng Chinh bất chấp đạn địch từ trong Trường Con Gái bay ra xối xả, ông ôm khối bộc phá xông lên ấn nó qua lỗ châu mai, khẩn trương quẹt đầu bó que diêm vào vỏ bao, đốt dây cháy chậm. Xong rồi, ông mới gục xuống, máu chảy đầm đìa trên ngực. Cùng lúc đó, một ánh chớp lóe lên kèm theo tiếng nổ đinh tai phá tung bức tường ổ chốt, hỏa điểm của địch tắt ngấm. Đội cảm tử sôi máu trả thù cho Đội trưởng Chinh, xông lên như gió cuốn... Chai xăng ông Thịnh ném vào trong trường bắt lửa cháy lòa, rọi rõ những khuôn mặt giặc khiếp đảm...

Đằng sau trường, tự vệ và nhân dân có địa vật che chắn nhất tề hô xung phong. Hỏa lực địch trên tầng gác tập trung vãi đạn ra phía đó. Bộ đội ta ở đằng trước theo Đội Cảm tử đột nhập trường. Quân Pháp rối loạn, rút vào trong nhà cố thủ. Ta đánh chiếm từng phòng. Các chiến sĩ biết tiếng Pháp kêu gọi địch "hàng thì sống, chống thì chết”. Bọn Pháp cùng đường, van xin ta cho lấy xác đồng bọn. Trận đánh kết thúc trước 23 giờ. Ta xóa sổ trung đội lính Âu Phi, bắt sống 17 tên, thu vũ khí, trang bị của chúng, trong đó có một khẩu đại liên và một khẩu Ba-dô-ca.

"Tôi thích nhất cái lúc mình ôm những khẩu súng trường bóng loáng, đưa ra ngoài cho bộ đội, quên cả phần của mình”-cụ Roãn vừa cười vừa kể tiếp- "Riêng khẩu Ba-dô-ca, chưa có ai biết sử dụng. Chỉ huy mặt trận cho bắn thử vào Nhà Nông Khố, nơi có một trung đội lính Pháp chiếm đóng nhưng đạn không bay, liền gửi súng lên cấp trên. Không ngờ, nó được cụ Trần Đại Nghĩa xử lý kỹ thuật và sau đó chính nó bắn cháy tàu chiến Pháp trên sông Lô trong Chiến dịch Việt Bắc, Thu Đông 1947...”.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG