Ta đã tiêu diệt ba tên, bắt sống bốn tên, thu toàn bộ vũ khí, khí tài của địch. Đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng ký ức của các chiến sĩ tham gia trận đánh vẫn còn nguyên vẹn.
Trận “thủy chiến” hy hữu
Sau Tết Mậu Thân năm 1968, quân địch tăng cường nhiều mũi theo đường sông, đồng thời đóng hàng trăm đồn bốt từ Rạch Giá đến Cà Mau để ngăn chặn tuyến đường vận chuyển vũ khí (còn gọi là Đường 1C) trên biển của ta từ Cam-pu-chia về Căn cứ địa U Minh. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Rạch Giá đã chỉ đạo Ban An ninh tỉnh thành lập mới Đơn vị An ninh vũ trang bờ biển tỉnh Rạch Giá, quân số 100 đồng chí, tương đương cấp đại đội. Đơn vị này có nhiệm vụ nắm quy luật hoạt động, quân số, biên chế, trang bị vũ khí, phương tiện của hải quân địch ở vùng biển đảo Hòn Tre, Nam Du, Phú Quốc. Mặt khác, tổ chức đánh các tàu hải quân địch hoạt động, neo đậu ở gần bờ nhằm tiêu hao sinh lực địch, đẩy chúng vào thế bị động; triệt phá, bóc gỡ các tổ chức, đường dây của bọn biệt kích, thám báo, mật vụ, bọn phản động của địch cài cắm hoạt động trong địa bàn. Đặc biệt, phải bảo vệ an toàn các chuyến hàng vận chuyển vũ khí, khí tài từ Cam-pu-chia và tuyến Đường 1C về bán đảo Cà Mau… Trong quá trình triển khai lực lượng tác chiến từ khi thành lập (tháng 3-1970) đến năm 1975, Đơn vị An ninh vũ trang bờ biển đã nhiều lần lập công xuất sắc, trong đó không thể không nhắc tới trận đánh tàu PCF 3806 ngày 7-3-1975.
Năm đồng chí trực tiếp tham gia trận “thủy chiến” (từ trái sang): Mai Văn Thiền, Võ Trường Đấu, Lý Văn Liễn, Nguyễn Văn Báu và Tôn Văn Quận.
Ông Nguyễn Văn Báu (Chín Báu)-người trực tiếp chỉ huy trận đánh-kể: “Để thực hiện trận đánh này, đơn vị bố trí lực lượng thành ba mũi, trong đó hai mũi làm nhiệm vụ ngăn chặn các hướng chi viện của địch, còn mũi trực tiếp đánh tàu gồm tôi cùng bốn đồng chí: Tôn Văn Quận, Lý Văn Liễn, Võ Trường Đấu và Mai Văn Thiền. Năm người sẽ giả dạng ngư dân đi trên chiếc vỏ lãi gắn máy đuôi tôm không may bị cá đâm tiếp cận tàu địch để xin thuốc, sau đó bất ngờ nổ súng tiêu diệt các tên bên ngoài, bao vây khống chế các tên còn lại bên trong, kêu gọi đầu hàng và tiêu diệt các tên ngoan cố, tiến tới đánh chiếm toàn bộ tàu. Tuy phương án có phần mạo hiểm vì xác suất thắng chỉ 60%, trong khi từ trước đến giờ chưa có tiền lệ, nhưng năm anh em đều quyết tâm “Lấy máu mình điểm tô thành tích đơn vị”.
Qua ba ngày mật phục, đến 8 giờ ngày 7-3-1975, ta phát hiện hai chiếc PCF xuất phát từ căn cứ hải quân Hòn Tre, một chiếc chạy về hướng Cà Mau còn một chiếc chạy vào vàm Xẻo Bần A, neo đậu cách bờ 4km. Hai giờ sau, các mũi xuất phát theo kế hoạch. “Khi chiếc vỏ lãi cách tàu PCF 3806 khoảng 50m, tên trung úy đứng trên tàu xua đuổi không cho cặp mạn, tôi nói: “Con tôi bị cá ngát đâm, chúng tôi nhờ các chú giúp đỡ”. Tên trung úy có vẻ nghi ngờ nên chuẩn bị rút súng ngắn bên hông thì bị tôi bắn thẳng vào ngực gục chết tại chỗ. Bốn đồng chí còn lại lập tức nổ súng áp đảo và nhảy lên boong tàu theo đúng kế hoạch. Kết quả, ta đã tiêu diệt ba tên, bắt sống bốn tên, thu ba khẩu 12,7mm, một khẩu cối 81mm, ba khẩu M79, hai khẩu AR15, hai máy bộ đàm và nhiều quân trang quân dụng khác”, ông Báu nhớ lại.
Chiến thắng này được Tỉnh ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 9 khen ngợi vì cách đánh táo bạo và sáng tạo, đã làm cho địch lâm vào thế bị động đối phó, không dám hoạt động gần bờ nên pháo binh của chúng không phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến đường vận chuyển vũ khí về Cà Mau. Mặt khác, chiến công này cũng làm nức lòng nhân dân trong tỉnh, uy tín của đơn vị được nâng cao, nhờ vậy, sau đó đã có 150 thanh niên tham gia, bổ sung đủ quân số thành lập Tiểu đoàn An ninh vũ trang.
Cần phục chế chiếc vỏ lãi
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Đơn vị An ninh vũ trang bờ biển tỉnh Kiên Giang đã thay đổi nhiều lãnh đạo và cả phiên hiệu đơn vị; mặt khác, phần đông cán bộ, chiến sĩ nghỉ công tác về với cuộc sống đời thường, mỗi người một nơi nên chiến công xưa ít ai nhắc đến. Theo ông Tôn Văn Quận-một trong năm chiến sĩ trực tiếp tham gia trận đánh-thì năm 2009, tỉnh mới đưa sự kiện này ra hội thảo và bắt đầu tập hợp tư liệu. Tuy nhiên, do thời gian khá lâu nên có một vài chi tiết nhỏ, anh em người nhớ, người quên. “Nhưng dù sao, đây là chiến công nổi bật, lẫy lừng có một không hai ở vùng biển Kiên Giang trong lịch sử đánh Mỹ-ngụy trên biển. Tôi thấy, trong điều kiện ta yếu hơn về phương tiện, khí tài mà dám ra tới biển đánh địch quả là dũng cảm, mưu trí và táo bạo. Chỉ trong tích tắc, ta tấn công khống chế đối phương và bắt sống tàu địch”, ông Quận chia sẻ.
Tuy đã bước sang tuổi 73, sức khỏe có phần giảm sút nhưng ông Quận vẫn tích cực trong việc tìm kiếm, sưu tầm các hiện vật của trận “thủy chiến” năm xưa. “Chính tôi là người đưa ra ý tưởng tìm lại hiện vật chiến tranh, vì đó là chiến tích cần lưu giữ lại để giáo dục truyền thống; đồng thời để tạo điều kiện được “mắt thấy tai nghe” về sự gan dạ, dũng cảm của thế hệ đi trước cho thế hệ sau này nghiên cứu học tập”, ông Quận nói.
Việc làm của ông Quận được nhiều người đồng tình ủng hộ, nhất là Đại tá Võ Trường Đấu, nguyên Phó trưởng phòng Tổ chức-Cán bộ Công an tỉnh Kiên Giang, cũng là một trong năm chiến sĩ “cảm tử” năm xưa. Ngày đó, ông Đấu vừa bước sang tuổi 19. “Tôi lớn lên trong vùng tạm chiếm, thường xuyên chứng kiến bom đạn của giặc bắn giết dân lành vô tội, trong đó có người thân của tôi. Những cảnh tượng giết chóc và đàn áp đồng bào của chúng đã gieo vào tôi một ý chí căm thù. Vì vậy, tôi xin tham gia lực lượng vũ trang và được tổ chức giáo dục, củng cố thêm lòng yêu nước, trách nhiệm của thanh niên”, ông Đấu kể.
Ông Đấu cũng cho biết, gần đây Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang chủ trương tìm chiếc tàu PCF 3806 đưa về khu trưng bày chứng tích chiến tranh nhằm giáo dục truyền thống và tinh thần yêu nước cho thế hệ sau, ông rất đồng tình. Tuy nhiên, chỉ sưu tầm “vật chứng” của bên chiến bại để trưng bày mà không nghĩ đến việc tìm lại chiếc vỏ lãi đã đưa các chiến sĩ đến trận giáp lá cà thì có vẻ… chưa công bằng lắm. Ông chia sẻ: “Nếu không có chiếc vỏ lãi nhỏ bé đó thì chúng tôi không thể đánh và bắt sống tàu hải quân hùng mạnh của địch ở biển khơi được. Do đó, tôi cũng kiến nghị các cấp lãnh đạo tạo điều kiện cho phục chế nguyên mẫu chiếc vỏ lãi đã cùng chúng tôi làm nên trận “thủy chiến” đó để trưng bày, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ”. Ông Đấu nói thêm: “Với những thành tích xuất sắc, trong đó có trận đánh tàu PCF số 3806 của hải quân ngụy, tháng 2-2010, đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Sự ghi công của Đảng và Nhà nước đối với đơn vị làm chúng tôi rất phấn khởi, tự hào”.
Bài và ảnh: TRUNG KIÊN