QĐND - "... Đêm 19-12-1946, Hà Nội đột nhiên mất điện. Lửa cháy, ánh chớp đạn pháo lóe lên. Tiếng khóc con trẻ. Tiếng người nhốn nháo gọi nhau. Trong không khí sục sôi đầy bi tráng của thời khắc lịch sử, tôi đi ngược đoàn người tản cư, hướng về phía tiếng nổ đã gần hơn. Nơi ấy là trận địa pháo đài Láng...”.
Đó là một đoạn hồi ức của Đại tá Trần Quốc Hanh - nguyên Phó trưởng phòng Tuyên huấn, Quân chủng Phòng không-Không quân. Năm 1946, đang học lớp thứ nhất Trường Chu Văn An thì chiến tranh nổ ra, là một thành viên trong tổ chức có tên hội “Hướng đạo sinh”, ông và mọi người đã trực tiếp tham gia công việc vận chuyển, tiếp tế đạn dược cho các đơn vị pháo chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội vào những ngày toàn quốc kháng chiến cách đây gần 70 năm.
 |
Đại tá Trần Quốc Hanh.
|
"Hướng đạo sinh” là một tổ chức được du nhập từ bên ngoài, được chính quyền cho phép hoạt động có tên là hội “Hướng đạo sinh”. Thành viên của hội hầu hết là những người yêu nước và tự nguyện. Tại Hà Đông cũng có một nhánh hoạt động giống như đội thiếu niên, đoàn thanh niên sau này. Nhánh đó gồm 3 lớp: Lớp bé nhất có tên Sói con gồm các em nhi đồng từ 9-11 tuổi. Lớp thứ hai gồm các em thiếu nhi tuổi từ 11-18 tuổi gọi là Hướng đạo sinh. Lớp thứ ba gồm những người trên 18 tuổi gọi là lớp Tráng sinh. Trần Quốc Hanh trưởng thành từ lớp Sói con đến năm 1940 mới đủ tuổi để sang Hướng đạo sinh. Hội của ông có tên là Đống Đa. Ở tổ chức này, ông và mọi người được học rất nhiều vấn đề về kỹ năng sống tập thể, hòa nhập với thiên nhiên, học đánh tín hiệu mật mã, học cách cứu thương… Chính sự học ấy đã giúp ông nhiều lần thoát hiểm trong tình thế chiến tranh. Từ năm 1942-1943, hoạt động của hội mang tính xã hội rất rõ như truyền bá chữ Quốc ngữ, giúp người nghèo...
Tháng 12-1946, sau khi công khai gây hấn tại Hải Phòng, ý định quay trở lại xâm lược của thực dân Pháp đã lộ rõ. Kháng chiến chống Pháp đã trở thành nhiệm vụ không thể né tránh. Toàn dân sục sôi khí thế chuẩn bị tiêu thổ kháng chiến với các hoạt động như: Tổ chức tản cư, rào nhà, phá đường. Anh chị em trong đoàn hướng đạo Đống Đa ở thị xã Hà Đông do ông Phạm Văn Tá làm đoàn trưởng cũng đã có sự chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Một số anh em tuổi trên 18 đã xung phong gia nhập Vệ Quốc đoàn. Số còn lại đều ở độ tuổi từ 12-16 rất hăng hái giúp dân tản cư, làm chướng ngại vật và căng khẩu hiệu.
Đại tá Trần Quốc Hanh kể lại: “Trung tuần tháng 12-1946, tình hình căng thẳng đến tột độ, lệnh chuẩn bị kháng chiến đã được ban hành. Hơn 20 anh em trong đoàn chúng tôi nhanh chóng tập trung tại số nhà 104C phố Bóp Kèn (nay là phố Quang Trung) để sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu thương khi chiến sự xảy ra. Nhưng rồi sau đó đích thân ông Hoàng Hữu Nam, đại diện Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho đoàn Đống Đa chịu trách nhiệm vận chuyển vũ khí, quân nhu từ các kho ở La Khê, Bông Đỏ, Ba La (Hà Đông) ra Cầu Mới gần Ngã Tư Sở để chuyển tiếp cho các đơn vị thuộc khu đặc biệt Hà Nội, trước hết là các đơn vị pháo. Từ đây, đoàn chúng tôi mặc nhiên trở thành một đơn vị của Bộ Quốc phòng. Ban tiếp tế khí giới và quân nhu tại khu đặc biệt Hà Nội do ông Phạm Văn Tá làm trưởng ban...”.
"Ngay đêm đầu tiên làm nhiệm vụ, chúng tôi đã thực hiện thành công chuyến vận chuyển đầu tiên. Trong đó toàn là đạn pháo, các mặt hàng quân nhu được chất đầy mấy chiếc xe bò. Đến Cầu Mới đã hơn 12 giờ đêm, đội quân “tí hon” được Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đón, kiểm tra và bàn giao cho bộ phận khác chuyển tiếp đến đơn vị pháo ở Láng và các nơi khác...”-Đại tá Trần Quốc Hanh nhớ lại.
Tuy nhiên, đó là công việc không hề đơn giản. Đoạn đường từ tổng kho đến vị trí tập kết, chặng gần nhất cũng 7km, chặng xa nhất là 17km. Lúc đầu họ đẩy xe theo quốc lộ nhưng sau ngày 19-12, hầu hết đường bị đào thành hầm hố để ngăn chặn xe tăng địch hoặc ngổn ngang các ụ chướng ngại vật nên xe bò không đi được. Trước tình hình đường sá như vậy, một vấn đề đặt ra là bằng cách nào để tiếp tế được cho các đơn vị đang chiến đấu ở Ô Chợ Dừa và Bạch Mai... Một ý tưởng lóe lên, đó là đường ray xe điện vẫn còn sử dụng được, vậy là những người trong đoàn Hướng đạo sinh liền lấy luôn 2 toa tàu điện còn lại chất đạn lên và đẩy ra Cầu Mới. Nhưng xe điện rất nặng, phải hơn 10 người gò lưng đẩy nó mới chịu nhúc nhích. Nhưng rồi đường xe điện cũng bị bóc đi nhằm triệt để ngăn bước quân giặc, thế là một cách thức mới được đưa ra đó là bỏ đạn vào ba lô hoặc vác bằng vai. Với đạn pháo thì mỗi anh lớn phải mang 2 viên, em nhỏ mang 1 viên. Còn các loại đạn khác thì tùy theo sức của mỗi người. Đều đặn và bền bỉ, đoàn của ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển đạn dược, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong những ngày gian khó của toàn dân tộc.
Đầu năm 1947, các đơn vị pháo binh ở Láng được lệnh rút khỏi Hà Nội, Ban tiếp tế vũ khí cũng rời khỏi Hà Đông, di chuyển theo Cơ quan của Bộ Quốc phòng lên Việt Bắc. Trần Quốc Hanh lên Việt Bắc chuyển sang Trường Võ bị làm liên lạc rồi xung phong đi bộ đội, nhập ngũ về Trung đoàn 48. Tháng 5-1950, sau trận đánh cầu Guột ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới vừa tròn 16 tuổi. Bôn ba khắp các chiến trường, trải qua nhiều cương vị công tác, năm 1994 ông được về nghỉ hưu với quân hàm đại tá.
Bài và ảnh: HẢI GIANG