QĐND - Hồ Duy Hùng là chiến sĩ tình báo được cài vào hàng ngũ quân đội Sài Gòn. Ngày 17-11-1973, ông đã gây một sự kiện chấn động, đánh cắp chiếc trực thăng UH-1 số hiệu 60139 của địch đem ra vùng giải phóng Lộc Ninh. Sự kiện này được quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn coi là “vụ án tản thất quân dụng” nghiêm trọng lúc bấy giờ và đã được đưa vào sử sách, trở thành đề tài hấp dẫn của báo chí, văn học nghệ thuật sau đó. Nhắc đến tình báo phi công Hồ Duy Hùng, ít người biết, ông còn là một trong những người đầu tiên sử dụng máy bay UH-1 bay ra quần đảo Trường Sa và là người có công lớn trong cải tạo khu vực đầm lầy tại quận 11 trở thành Công viên nước Đầm Sen, địa chỉ du lịch nổi tiếng của TP Hồ Chí Minh hiện nay.

Ông Hùng (đứng giữa) cùng tổ bay ra Trường Sa năm 1976. Ảnh do nhân vật cung cấp

Hồ Duy Hùng sinh năm 1947, ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ba của ông là Hồ Duy Từ (Ba Từ), là một trong những đảng viên đầu tiên ở Duy Xuyên (Quảng Nam). Mẹ là Lê Thị Điệp cùng 5 anh chị em đều là những điệp báo viên tình báo của ta hoạt động trong các cơ sở của địch.

Tháng 8-1968, theo sự chỉ đạo của mạng lưới điệp báo, Hồ Duy Hùng gia nhập quân đội ngụy Sài Gòn. Do có khả năng và kiến thức, ông được chọn đi học lái máy bay. Sau khi tốt nghiệp phi công lái chính UH-1 loại giỏi, ông được học thêm loại máy bay Gunship (trực thăng vũ trang). Tháng 10-1970 về nước, ông được chính quyền Sài Gòn phong quân hàm Thiếu úy, phi công thuộc Phi đoàn 215, Không đoàn 62, Sư đoàn 2 đóng tại Nha Trang. Thời gian này, ông được Ban Quân báo (T4) Quân khu Sài Gòn-Gia Định phân công về Tổ điệp báo E4 với bí danh Bảy Hiền (sau này là Chín Chinh), bí số E6. Ngày 12-3-1971, Hồ Duy Hùng bị địch bắt. Sau 5 tháng giam giữ, không khai thác được gì và thiếu chứng cứ, ngày 30-7-1971, quân đội Sài Gòn sa thải Hồ Duy Hùng, chuyển ông về quản lý tại địa phương. Cũng trong thời gian này, ông được Ban Quân báo Quân khu Sài Gòn-Gia Định giao nhiệm vụ đánh cắp một máy bay để chuẩn bị đánh vào dinh Độc Lập. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và chính quyền Sài Gòn lúc đó đã mở “vụ án tản thất quân dụng” để xét xử ông.

Đầu tháng 1-1976, Trung đoàn Không quân 917 nhận nhiệm vụ đưa đoàn công tác của Bộ Tổng tham mưu do đồng chí Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền-Phó tổng Tham mưu trưởng dẫn đầu đi thị sát và kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội Hải quân trên quần đảo Trường Sa. Đây là lần đầu tiên máy bay trực thăng thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển thiêng liêng này. Khi đó Hồ Duy Hùng là phi công của Trung đoàn Không quân 917. Tổ bay có 3 người, phi công Lê Đình Ký-lái chính, Trung đoàn trưởng; phi công Hồ Duy Hùng-lái phụ và Lê Quang Vinh-dẫn đường kiêm phi công. Sau hành trình ba ngày hai đêm, tàu đến cách đảo Trường Sa chừng 2 hải lý. Nhiệm vụ của tổ bay là chở đoàn cán bộ cao cấp của quân đội đi thị sát và hạ cánh xuống các đảo vừa được ta tiếp quản là Trường Sa, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca và Song Tử Tây. Chiếc máy bay UH-1 lần lượt đưa từng đợt cán bộ đi làm nhiệm vụ. Tàu cũ, sóng khá lớn. Điều khiển chiếc máy bay cất, hạ cánh trên boong con tàu không ngừng chao lắc là một vấn đề không đơn giản. Ông Hùng nhớ lại: Khi hạ cánh xuống các đảo, điều ông thấy đầu tiên là có rất nhiều loài chim. Đảo Trường Sa lúc đó chỉ là một bãi bằng, rất nhiều chim hải âu đến ở chung với bộ đội Hải quân và đẻ rất nhiều trứng. Trong chuyến công tác ấy, có lúc ông phải bay cách vị trí tàu đậu khá xa để đến các đảo khác; có trường hợp đang bay trên cao, thấy bóng đám mây dưới biển trông như một đảo chìm, các ông phải bay quay lại để kiểm tra. Đã có lần hạ cánh trên đảo không liên lạc được, chỉ huy trên tàu đã tưởng tổ bay bị lạc đường.

Về đợt công tác này, trong cuốn “Lịch sử Trung đoàn Không quân 917” có ghi: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, máy bay của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam đã hạ cánh xuống quần đảo Trường Sa, thêm một lần nữa khẳng định chủ quyền của Tổ quốc đối với Trường Sa và thềm lục địa phía Nam. Kết quả hoàn thành tốt nhiệm vụ của đợt công tác còn khẳng định khả năng hoạt động hiệu quả của lực lượng không quân trực thăng trong điều kiện thời tiết phức tạp trên biển”.

Đến cuối tháng 5-1976, Trung đoàn Không quân 917 lại giao nhiệm vụ cho tổ bay do Hồ Duy Hùng làm lái chính cùng đồng chí Vũ Xuân Cán lái phụ dùng trực thăng UH-1 đưa đoàn cán bộ hải quân tiếp tục đi kiểm tra, cắm cờ chủ quyền trên các đảo và bãi san hô ngầm trên vùng biển khu vực Trường Sa. Sau đó, ông cùng các phi công khác của Trung đoàn Không quân 917 còn được giao nhiệm vụ bay khẳng định chủ quyền, bay làm chủ trên vùng trời của các đảo Cù Lao Chàm, Cù Lao Xanh, Cù Lao Thu, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc, Nam Du và nhiều đảo khác thuộc khu vực miền Trung, phía Nam của Tổ quốc.

Đầu năm 1982, ông chuyển ngành sang Công ty Du lịch Phú Thọ, quận 11, TP Hồ Chí Minh. Khu vực Đầm Sen nước lúc đó là một khu đầm lầy hoang, cây cỏ rậm rịt, tập trung nhiều tệ nạn xã hội. Vào thời gian này, việc huy động hàng triệu ngày công lao động để cải tạo khu vực này thành một công viên văn hóa là rất khó khăn. Được sự động viên, giúp đỡ của các đồng chí trong Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận 11, ông cùng bạn bè, đồng chí trong công ty tiến hành xây dựng Công viên Đầm Sen trên diện tích 50ha, gồm 20% là mặt hồ, 60% là cây xanh và vườn hoa. Đây là một trong những khu vui chơi, giải trí hàng đầu của TP Hồ Chí Minh hiện nay.

Năm 2008, ông nghỉ hưu. Năm nay gần 70 tuổi, ông vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, làm Phó trưởng ban liên lạc Quân báo, Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn (Ban an ninh T4). Ông và các đồng chí trong Ban liên lạc rất tích cực đi xác minh giúp đỡ các đồng chí đồng đội đã từng hoạt động cách mạng nhưng do thất lạc giấy tờ mà chưa được hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước. Ông tâm sự: “Nhiệm vụ tình báo, điệp báo, có những đồng chí hoạt động đơn tuyến mà chỉ có người chỉ huy trực tiếp biết, tổ chức chỉ biết họ qua bí số. Đã có đồng chí trước đây được an ninh T4 cài vào hàng ngũ địch, lập được chiến tích nhưng sau giải phóng bị hiểu nhầm, sống rất cơ cực, chúng tôi phải xác minh, minh oan cho đồng đội”.

TRẦN HUY BÌNH