Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba và nhiều huân, huy chương khác.

Giờ đây khi đã ở tuổi 92, ngẫm nghĩ lại cuộc đời 40 năm hoạt động tình báo của mình, Đại tá Nguyễn Xuân Mạnh không khỏi bồi hồi, xúc động. Từ một trí thức yêu nước xứ Quảng, ông hoạt động tình báo là do yêu cầu của Đảng, của tổ chức. Dù khiêm tốn nói rằng nếu được đào tạo cơ bản, ông sẽ làm nhiệm vụ tốt hơn, nhưng tôi nghĩ, ông là nhà tình báo bẩm sinh bởi sự thông minh, nhạy cảm và khả năng phán đoán tình huống chính xác.

Có thể ông không được nhiều người biết đến như Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, Đặng Trần Đức, Nguyễn Xuân Hòe, Nguyễn Văn Thương… nhưng những nhà tình báo huyền thoại đó khi nói về ông đều tôn trọng, cảm phục, có người biết ơn công ông đào tạo bồi dưỡng mà trưởng thành. Suốt 8 năm hoạt động cách mạng trước và sau năm 1945 ở quê nhà, 12 năm hoạt động tình báo trong vùng địch hậu, nhiều năm làm công tác chỉ đạo tại cơ quan tình báo Trung ương, bị địch bắt tù đày tra tấn dã man, nhiều lần đối mặt với tình huống hiểm nghèo, ông vẫn luôn giữ niềm tin tuyệt đối với Đảng, trung thành với cách mạng, với đồng đội.

leftcenterrightdel
Giáo sư La-ri Bơ-man (Larry Berman, người Mỹ, tác giả cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo”) tặng hoa Đại tá Nguyễn Xuân Mạnh. Ảnh do nhân vật cung cấp. 

Đó là niềm tự hào lớn nhất của ông về cuộc đời hoạt động tình báo của mình.

Còn về chiến công? Khó mà kể hết chuyện 40 năm hoạt động tình báo của ông trên ba nước Đông Dương. Trong khuôn khổ một bài báo nhỏ này, chỉ xin nói hai giai đoạn mà ông ấn tượng nhất.

Đoạt tài liệu tối mật: Chiến dịch Át-lăng

Đầu năm 1954, đang phụ trách lưới điệp báo ở thành phố Huế, Nguyễn Xuân Mạnh nhận được lệnh của Nha Tình báo Trung ương yêu cầu nắm tin tức hoạt động của địch ở miền Trung đối phó với Chiến dịch Điện Biên Phủ mà ta đang chuẩn bị. Với vỏ bọc là nhà thầu khoán và kinh doanh vận tải, ông đã tạo cho mình bình phong vững chắc, xây dựng được nhiều cơ sở tình báo tin cậy và quan hệ khá rộng rãi với giới chức sắc của Pháp. Một hôm, tình cờ qua công chuyện làm ăn với một thầy dòng, ông có được tờ truyền đơn của Pháp với nội dung kêu gọi nhân dân Khu 5 hợp tác với “quân đội và chính quyền quốc gia để cứu đồng bào khỏi Cộng sản-Việt Minh”. Bằng linh tính của một cán bộ tình báo, ông biết đây là một kế hoạch quân sự lớn của địch nhằm vào Khu 5, nhưng cụ thể là gì thì ông chưa thể khẳng định. Nguyễn Xuân Mạnh giao nhiệm vụ cho Bùi Ngươn Khánh, một trí thức ở Pháp về được ông giác ngộ cách mạng, nay đang làm cố vấn chính trị kiêm Chánh văn phòng Phủ thủ hiến Trung phần. Vài ngày sau, Bùi Ngươn Khánh báo cho ông biết Thủ hiến Phan Văn Giáo đã nhận được tài liệu của Bộ chỉ huy Pháp về toàn bộ nội dung của Chiến dịch Át-lăng (Atlante) và đã chuyển cho chánh văn phòng để nghiên cứu. Bùi Ngươn Khánh cũng cho biết đây là cuộc đổ bộ có quy mô rất lớn của quân Pháp xuống Đà Nẵng, rồi sau đó tiến công các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Vì là Chánh văn phòng nên bị theo dõi kỹ, anh Khánh đề nghị ông cử người vào Phủ thủ hiến gặp anh để nhận tài liệu.

Người được ông giao nhiệm vụ nhận tài liệu là Nguyễn Xuân Hòe, phụ trách Phòng Tài vụ kế toán của Văn phòng Phủ thủ hiến Trung phần, cũng là một điệp báo do ông đào tạo. Nguyễn Xuân Hòe sau này trở thành nhà tình báo trung kiên trong lưới A22 nổi tiếng của Vũ Ngọc Nhạ, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 2004. Nhận được tài liệu tối mật, Nguyễn Xuân Mạnh và cộng sự gấp rút sao chép rồi chuyển ra cho Bộ Tổng tư lệnh và cử giao liên nhanh chóng chuyển đến tận tay đồng chí Nguyễn Chánh, Tư lệnh kiêm Chính ủy Khu 5 trước ngày 20-1-1954. Chiến công của tình báo Huế đã góp phần đánh bại Chiến dịch Át-lăng của Na-va, tạo một trong những tiền đề quan trọng để quân dân ta làm nên trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Góp phần tạo nên những nhà tình báo huyền thoại

Tháng 11-1959, sau khi hoàn thành xuất sắc hoạt động điệp báo chiến lược ở Lào và Cam-pu-chia, Nguyễn Xuân Mạnh được điều về chiến trường miền Nam. Một ngày cuối tháng 11 năm đó, tại nơi làm việc của Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), Ban Tình báo của Xứ ủy tổ chức cuộc họp khẩn gồm 5 người, do đồng chí Mười Cúc chủ trì. Sau cuộc họp, đồng chí Mai Chí Thọ được phân công làm Trưởng ban Tình báo Xứ ủy, Cao Đăng Chiếm (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an) phụ trách công tác an ninh phản gián, Sáu Nghĩa (sau này là Thiếu tướng, Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh) làm Chánh văn phòng Ban Tình báo Xứ ủy và ông, Nguyễn Xuân Mạnh với bí danh mới Mười Nho, phụ trách về tình báo chiến lược.

Cách mạng miền Nam lúc này rất sôi động và dâng cao do Nghị quyết 15 của Đảng mới ra đời, song lực lượng tình báo bị tổn thất nặng nề trong đợt vỡ lưới lớn năm 1958, đội ngũ cán bộ còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến đang mở rộng, nhu cầu tin tức tình báo chiến lược đang trở nên bức thiết, đòi hỏi Xứ ủy Nam Bộ phải xây dựng lại hệ thống tổ chức cơ sở mới để hoạt động.

Trong 4 năm hoạt động tình báo ở Xứ ủy Nam Bộ và sau đó là Trưởng ban Tình báo Khu ủy Sài Gòn-Gia Định, vượt qua những khó khăn gian khổ và nhiều tình huống hiểm nghèo, Nguyễn Xuân Mạnh đã trực tiếp tham gia tổ chức, xây dựng được 4 cụm tình báo hoàn chỉnh, hoạt động có hiệu quả với nhiều tin tức chiến lược quan trọng. Nhiều cơ sở trở thành huyền thoại của ngành tình báo QĐND Việt Nam. Nhiều người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Người thứ nhất là “Điệp viên hoàn hảo” Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung) ở Cụm Phú Hòa Đông do ông trực tiếp phụ trách. Năm 1955, tình báo Xứ ủy cử Phạm Xuân Ẩn đi học nghề báo ở Mỹ, nhưng không ai biết anh về Sài Gòn năm 1959, cho đến khi Nguyễn Xuân Mạnh móc nối lại và đưa anh ra căn cứ để gặp các đồng chí Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ và Cao Đăng Chiếm giao nhiệm vụ. Từ đó, với tấm bình phong vững chắc, thông qua liên lạc viên Nguyễn Thị Ba huyền thoại cũng do Nguyễn Xuân Mạnh xây dựng, nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn đã cung cấp cho Đảng ta những tài liệu vô cùng quan trọng suốt từ năm 1960 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30-4-1975. Sau này, Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn và bà Nguyễn Thị Ba đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Người thứ hai là Anh hùng LLVT nhân dân, Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo, người sau này được nhà cách mạng, nhà văn Trần Bạch Đằng dựa vào đó để xây dựng nhân vật Nguyễn Thành Luân trong bộ phim “Ván bài lật ngửa”. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Phạm Ngọc Thảo không tập kết ra Bắc mà được Xứ ủy Nam Bộ giao nhiệm vụ hoạt động tình báo chiến lược, nhưng không phải để thu thập tin tức, mà là để tác động nhằm thay đổi chế độ ở miền Nam Việt Nam. Bằng tài năng và sự dẫn dắt của cấp trên, đặc biệt của đồng chí Trần Quốc Hương, Phó giám đốc Nha Tình báo Trung ương những năm 1956-1960, Phạm Ngọc Thảo lần lượt chiếm được lòng tin của chính quyền Ngô Đình Diệm, trở thành sĩ quan cao cấp sáng giá của Quân đội Việt Nam cộng hòa để các phe phái của chính thể này lôi kéo. Chính anh là tác nhân trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia và đạo diễn hai cuộc đảo chính bất thành những năm 1963-1965 làm rung chuyển chính trường Sài Gòn. Thời điểm ông Nguyễn Xuân Mạnh nhận nhiệm vụ từ đồng chí Võ Văn Kiệt nối liên lạc với Phạm Ngọc Thảo lúc nhà tình báo này đang là Trung tá, Tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre) của chính quyền Sài Gòn.

Nhân vật thứ ba là Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ. Trong suốt quãng thời gian làm Trưởng ban Tình báo Khu Sài Gòn-Gia Định, Nguyễn Xuân Mạnh không hề biết nhà tình báo chiến lược này. Năm 1965, khi ông về công tác ở Phòng Điệp báo của Tổng cục 2 thì ông mới biết thông qua hồ sơ và có tham gia chỉ đạo lưới A22 do Vũ Ngọc Nhạ làm Cụm phó. Tháng 7-1969, A22 bị vỡ, cả 42 điệp viên bị địch bắt. Tuy bị lộ nhưng thành công của A22 là Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ không tin đó là những điệp viên Cộng sản, mà cho rằng đó là âm mưu của CIA. Sau ngày 30-4-1975, ông Vũ Ngọc Nhạ về công tác tại Tổng cục 2 và ông Mạnh, ông Nhạ đã trở thành đôi bạn rất thân.

Người thứ tư là Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Thương, tức Hai Thương. Anh vốn là người bảo vệ đồng chí Võ Văn Kiệt, sau đó được giao cho Ban Tình báo Khu Sài Gòn-Gia Định. Nguyễn Xuân Mạnh là người trực tiếp hướng dẫn và huấn luyện rất kỹ về chính trị, tư tưởng và nghiệp vụ. Sau này, người giao liên tình báo này rất kiên cường, bị CIA Mỹ cưa chân đến 6 lần và dùng nhiều ngón đòn thâm độc, tàn ác để tra khảo nhưng không khuất phục được ý chí và lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc của anh.

Ngoài những nhân vật huyền thoại trên, trong những năm hoạt động tình báo gian khổ, hy sinh của mình, bên cạnh Nguyễn Xuân Mạnh còn rất nhiều đồng chí, đồng đội kề vai sát cánh chiến đấu, chấp nhận gian khổ hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cũng như ông, họ là những con người tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, trong bất kỳ tình huống nào cũng đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết.

Đó là điều còn mãi mà suốt cuộc đời, Đại tá Nguyễn Xuân Mạnh không thể nào quên.

Đó là điều còn mãi của Tình báo Cách mạng Việt Nam đối với thế hệ hôm nay và mai sau.

HỒNG SƠN