Ký ức về làng Nam Đào

Chúng tôi tìm đến nhà chiến sĩ biệt động Sài Gòn Trần Nhương ngụ ở quận 3, TP Hồ Chí Minh, để tìm hiểu về ngôi làng đặc biệt năm xưa. Ông Nhương là hậu duệ của làng Nam Đào và là một trong những người có công lớn xây dựng nơi đây thành cơ sở biệt động. Ông cho biết: Làng Nam Đào được khai sinh từ ý tưởng của một người trong dòng tộc, cụ Trần Đình Thọ. Cụ Thọ từng làm nhiều nghề, trong đó có thời gian làm thợ bánh trên tàu Tourvillve 5 sao của Pháp. Nhờ đó, cụ đã đưa một số con cháu và bà con ở làng Đào vào Nam với danh nghĩa là thợ làm bánh mì trên tàu. Những người họ Trần đặt chân tới đất Sài Gòn, tìm mua đất lập ra làng Nam Đào và Hội Nam Đào tương tế (nay là phường Bình Trưng Tây, quận 2, TP Hồ Chí Minh). Lúc đó, cả làng chủ yếu sống bằng nghề thủ công như đóng giày, nghề may hoặc buôn bán nhỏ.

Theo ông Nhương, người đầu tiên của dòng họ tham gia lực lượng biệt động là ông Trần Văn Mỹ, đơn vị biệt động Đội 159. Khi đó, ông Trần Nhương đang bị an ninh quân đội Sài Gòn theo dõi sau một thời gian tham gia các phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên rồi đến chiến khu của vùng giải phóng ở Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Khi trở về Sài Gòn, ông liên hệ với ông Mỹ và được nhận vào đơn vị biệt động Đội 159 do Anh hùng LLVT nhân dân Ngô Thanh Vân (bí danh Ba Đen) chỉ huy. Nhận chỉ thị của ông Ba Đen, cùng với ông Trần Văn Mỹ, ông Nhương trở về làng, tìm cách móc nối với bà con trong họ, xây dựng họ thành cơ sở của biệt động. Ngoài ông Nhương, còn có chiến sĩ biệt động Hai Trí (tức Nguyễn Văn Trí), nguyên Chính trị viên đơn vị bảo đảm J9-A20 (Quân khu Sài Gòn-Gia Định) đảm nhiệm, củng cố và phát triển cơ sở cách mạng.

leftcenterrightdel
Ban trị sự làng Nam Đào sau ngày giải phóng. Ảnh tư liệu. 

Làng Nam Đào nhanh chóng trở thành nơi phát triển tài chính nuôi quân, trụ sở liên lạc, che giấu cán bộ, vũ khí của cách mạng phục vụ cho các trận đánh của biệt động Sài Gòn. Ông Nhương nhớ lại: Những năm 1963-1968, làng Nam Đào là nơi hội họp của các cơ sở cách mạng, nhiều đồng chí cấp cao và chiến sĩ biệt động từng hoạt động và sinh hoạt ở làng. Đây cũng là địa điểm để họ quyên góp tiền bạc, thuốc men, quần áo cho cách mạng. Ông Trần Nhương cùng đồng đội xây dựng được khoảng 20 cơ sở cách mạng là trụ sở liên lạc và là nơi nuôi giấu cán bộ tiêu biểu như: Gia đình ông Trần Kế, gia đình bà Trần Thị Nồng, gia đình ông bà Trần Bớt, gia đình ông Trần Văn Kền (tên khác là ông Trần Văn Hạnh)...

Cũng chính tại làng biệt động Nam Đào, các chiến sĩ biệt động Sài Gòn đã bàn bạc và lập kế hoạch nhiều trận đánh lớn như trận đánh vào Rạp hát Kinh Đô tại 85 Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám) vào mồng 4 Tết năm 1964 hay trận đánh vào tòa Đại sứ Mỹ năm Mậu Thân 1968… Đầu năm 1969, ông Ba Bảo (tức Trần Chích), một chiến sĩ biệt động Sài Gòn và ông Hai Trí bị địch bắt. Những cơ sở biệt động ở đây giao lại cho ông Tư Tăng. Sau khi được thả tự do, ông Ba Bảo và Hai Trí lại móc nối với các cơ sở ở làng Nam Đào để hoạt động. Nhân dân làng Nam Đào tiếp tục ủng hộ lương thực, thực phẩm cho các đơn vị cách mạng cho đến ngày giải phóng.

Giá trị lịch sử cần được lưu giữ, tôn vinh

Sau khi đất nước thống nhất, các hộ dân ở làng Nam Đào đã chuyển tới nơi khác sinh sống. Dẫn chúng tôi trở lại tham quan vùng đất từng là nơi dân làng Nam Đào sinh sống và cống hiến cho cách mạng, ông Nhương bày tỏ sự ngậm ngùi. Vùng đất hoang vắng, thưa thớt người trước kia đã đổi thay đến “chóng mặt”. Ông Nhương kể lại: Những ngày đầu khi con cháu dòng họ Trần vào đây mua đất để lập làng, toàn khu vực này chỉ có một căn chòi lá nhỏ, xung quanh toàn lau sậy. Trên khu vực đất của làng Nam Đào trước kia giờ đây là Trường Tiểu học Giồng Ông Tố khang trang, hiện đại. Nhiều dãy nhà mới cũng mọc lên san sát bên cạnh những con đường mới mở. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã làm biến mất hoàn toàn những dấu tích xưa, gắn bó với ký ức gian khó nhưng rất đỗi hào hùng của người dân làng Nam Đào.

 Ông Nhương cho biết: Hằng năm, Ban liên lạc Hội đồng hương làng Nam Đào vẫn tổ chức họp mặt. Nhiều hình ảnh, tài liệu, hiện vật của thời kỳ kháng chiến vẫn được ông Nhương và hậu duệ của làng gìn giữ. Dù sinh sống phân tán nhưng người của làng Nam Đào năm xưa vẫn thường xuyên kết nối liên lạc để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, gắn kết tình cảm. Con cháu họ Trần từng sống ở làng Nam Đào rất đoàn kết, gắn bó. Ông Nhương bày tỏ mong muốn, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương tạo điều kiện xây dựng một ngôi nhà truyền thống, dựng bia trên đất của làng trước kia để lưu giữ các giá trị lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Chúng tôi cho rằng, nguyện vọng đó hoàn toàn chính đáng, cần được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện.

MINH NGÂN - TÚ TRINH