QĐND - Tháng 3-1964, Thiếu úy Quách Tánh đang làm việc tại Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn thì bị điều đi Vùng 4 chiến thuật (bao gồm các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long). Tuy rất buồn nản nhưng theo thông lệ, Tánh vẫn phải mở một bữa tiệc nhỏ để chia tay bạn bè. Tánh không quên tới tận nhà mời anh Tư Bốn(*) bớt chút thì giờ tới dự.
Anh Tư Bốn là dân làm ăn và Tánh mới gặp lần đầu ngày 17-11-1963 khi anh tìm tới nhà để chuyển cho Tánh thư, quà của anh Năm Ngũ - một người thân quen trước đây đã giúp đỡ Tánh khá nhiều về vật chất và hiện đang định cư tại Pháp. Sau đó, Tánh thấy thật may mắn vì Tư Bốn đã mau chóng trở thành “quý nhân phù trợ” của mình khi anh chẳng những luôn sẵn lòng cho vay mượn tiền bạc khi Tánh túng thiếu mà còn tận tình bảo ban, khuyên nhủ điều hơn lẽ thiệt và giúp đỡ Tánh thu xếp việc gia đình. Bà mẹ của Tánh lại càng quý mến anh Tư Bốn, coi anh chẳng khác gì con đẻ, thường dặn dò Tánh phải nghe lời anh, có việc lớn nhỏ gì cũng nên hỏi ý kiến.
Tánh không thể ngờ rằng anh Tư Bốn rất hào sảng, phóng khoáng ấy chính là anh ruột của Năm Ngũ, hơn thế nữa còn là Thượng úy, Tổ trưởng tổ điệp báo chiến lược của phía bên kia và mới từ miền Bắc theo đường biển trở vào Nam đầu năm 1963...
![](http://file.qdnd.vn/data/old_img/xuandung/2011/8/23/190811dungca41145059296.jpg) |
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Hữu Trí. Ảnh tư liệu
|
Biết lý do mở tiệc của Quách Tánh, Tư Bốn cảm thấy thất vọng vì hơn 4 tháng qua anh đã bỏ ra khá nhiều thời gian, công sức tiếp cận, đi sâu quan hệ nhằm xây dựng Tánh thành điệp viên của ta. Công việc đang tiến triển tốt đẹp, anh đã bước đầu khơi gợi, giác ngộ được cho Tánh lòng yêu nước, thương nòi, ý thức căm ghét đế quốc Mỹ xâm lược và bọn tay sai, đồng thời khai thác được từ Tánh một số tin tức ít nhiều có giá trị thì Tánh đột ngột bị chuyển đi đơn vị ở xa, khả năng tin tức suy giảm hẳn. Tuy vậy, anh vẫn chuẩn bị kỹ để tới dự tiệc với hy vọng là tại đó sẽ tìm ra những đối tượng mới. Quả nhiên tại bữa tiệc mà khách mời hầu hết là sĩ quan Quân đội Sài Gòn tuổi trên dưới 30, anh đã làm quen được với Trung úy không quân Trần Văn Triều. Chỉ qua vài lần cụng ly, anh đã biết Triều 27 tuổi, chưa vợ, xuất thân từ một gia đình đại địa chủ ở tỉnh Sa Đéc và hiện sống với mẹ ở đường Trần Hưng Đạo-Sài Gòn. Triều đã sang Mỹ học lái máy bay chiến đấu, về nước từ năm 1962 và hiện chuyên thực hiện các chuyến bay thả biệt kích, gián điệp ra miền Bắc. Triều tỏ ra rất “khoái” tính cách, tác phong của Tư Bốn nên khi chia tay đã chủ động ghi cho anh địa chỉ nhà riêng vào một tờ giấy nhỏ và trân trọng mời anh đến chơi. Ít hôm sau, thăm dò và biết Triều có ở nhà, Tư Bốn bèn giả bộ rảnh việc, tiện đường ghé thăm. Tư Bốn được Triều đón tiếp rất niềm nở và khi mời Triều ra ngoài ăn nhậu thì anh ta đã vui vẻ nhận lời ngay. Sau vài lần cùng ra ngoài ăn nhậu như vậy, anh đã gần như chiếm trọn cảm tình của Triều và được Triều coi như một “người anh kết nghĩa”.
Sau một thời gian, Tư Bốn nhận thấy Triều là một viên sĩ quan hoàn toàn phản động về chính trị, tư tưởng, sa đọa về đạo đức lối sống, rắp tâm làm tay sai, phục vụ bọn xâm lược Mỹ và chống phá cách mạng đến cùng để được trả nhiều tiền hòng mau lên cấp chức, vì vậy sẽ rất khó tác động, chuyển hóa y thành người của ta. Anh đã sớm xác định hướng đi chủ yếu là khai thác tin tức từ Triều thông qua việc lợi dụng các điểm yếu của viên sĩ quan này, đó là: Kiêu căng, hiếu thắng, hung hăng nhưng lại ham sống sợ chết, thích ăn nhậu, chơi bời, hưởng lạc, thích được chiều chuộng, quan tâm, tâng bốc, hễ rượu vào là có điều gì bí mật cũng tuôn ra bằng hết nhằm chứng tỏ mình là người thông minh, tài giỏi, là người được cố vấn Mỹ và cấp trên “trọng dụng”…
Triều sống ở Sài Gòn nhưng công việc lại làm nhiều ngoài Đà Nẵng. Hồi đầu, để gặp y, Tư Bốn phải “canh” rất kỹ, hễ thấy Triều mò về Sài Gòn là “tình cờ” tới rủ đi chơi, ăn nhậu. Sau đó mấy tháng, do quen được Tư Bốn bao tiền chơi bời, ăn nhậu nên hễ về Sài Gòn là Triều lại chủ động đến tìm “ông anh kết nghĩa”. Qua những lần nhậu nhẹt ấy, Tư Bốn đã khai thác được nhiều tin tức quan trọng và sốt dẻo. Để chuốc cho Triều uống thật say, Tư Bốn thường đưa ra một lý do đơn giản song lại rất hiệu quả, đó là mừng hắn hoàn thành một phi vụ “quan trọng”, thoát khỏi nơi mũi tên hòn đạn, trở về an toàn, đồng thời chúc hắn thượng lộ bình an, lập nhiều “công trạng”, “chiến tích” trong phi vụ sắp tới.
Tại cuộc nhậu ngày 17-9-1964, Triều tiết lộ Mỹ mới đưa 3000 lính thủy quân lục chiến vào Đà Nẵng. Ba hôm sau, hắn lại kể chuyện chuẩn bị lái máy bay sang tiếp tế cho bọn biệt kích của Quân đội Sài Gòn đang hoạt động ở tỉnh A-tô-pư (Lào), cuối tháng 9-1964 sẽ chở Đại tá Lam Sơn, Tư lệnh Lực lượng đặc biệt, sang làm việc với bọn chỉ huy của số biệt kích trên. Triều còn để lộ một số tin về hoạt động đánh phá tuyến hành lang Lào-Việt và khu vực biên giới, giới tuyến, về âm mưu thả biệt kích, gián điệp xuống vùng thượng du Bắc Bộ và địa bàn tỉnh Vân Nam-Trung Quốc trong tháng 11-1964; âm mưu đánh phá tuyến hành lang của ta ở Trung Lào, Hạ Lào và Cam-pu-chia, sự phân công giữa Mỹ, Quân đội Sài Gòn, quân ngụy Lào và Thái Lan trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động biệt kích… Các tin này đều được Cục Tình báo-Bộ Tổng tham mưu đánh giá cao.
Năm 1965, Tư Bốn tiếp tục khai thác được từ Triều nhiều tin tức có giá trị, trong đó có tin Mỹ âm mưu khiêu khích ta ở hải phận miền Bắc và sẽ đưa máy bay khu trục F-104 cùng 1000 quân vào miền Nam để tiến hành đánh phá Trung Lào, khu vực đường số 7 và đường số 9; nội dung cuộc họp giữa Đại sứ Mỹ Tay-lo (Maxwell Davenport Taylor) với các tướng lĩnh Quân đội Sài Gòn và đại sứ một số nước chư hầu của Mỹ ở Sài Gòn; kế hoạch đánh phá miền Bắc trong tháng 3; nội dung cuộc họp giữa Đại tướng, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ Giôn-xơn (Harold Keith Johnson) với Thiếu tướng, Tư lệnh Không quân Nguyễn Cao Kỳ và Đại tá, Phó tư lệnh Không quân Nguyễn Ngọc Loan; kế hoạch đánh phá miền Bắc trong các tháng 4, tháng 6 và âm mưu của Mỹ nhằm thành lập cái gọi là “Mặt trận giải phóng miền Bắc”; những mục tiêu ở miền Bắc mà Mỹ dự định đánh phá cuối năm 1965, đầu năm 1966...
Trong cuộc nhậu vào tháng 1-1966, Triều hẹn với Tư Bốn là sang tháng 2 sẽ gặp lại, song kể từ đó Triều đi biệt. Tư Bốn tới nhà tìm mấy lần đều không gặp. Mãi đến tháng 2-1967, Tư Bốn mới gặp lại Triều và được anh ta khoe là đã được thăng cấp thiếu tá rồi chuyển sang làm sĩ quan tình báo không quân, rất được Nguyễn Ngọc Loan tin cậy (lúc này Loan đang là Chuẩn tướng, Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia kiêm giám đốc Nha an ninh quân đội, đồng thời phụ trách Đặc ủy Trung ương tình báo của chính quyền Sài Gòn). Vì Triều chuyển hẳn ra làm việc ngoài Đà Nẵng, lâu lâu mới về Sài Gòn và mỗi lần chỉ một vài ngày nên từ đó cho tới khi được rút ra vùng giải phóng (tháng 4-1970), Tư Bốn không có cơ hội gặp lại “người em kết nghĩa” nữa.
Giữa năm 1973, khi tham gia Đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ủy ban Liên hiệp quân sự bốn bên tại trại Đa-vít cạnh sân bay Tân Sơn Nhất, một lần Tư Bốn tình cờ giáp mặt Triều ngay trước cửa phòng họp chung của các bên. Triều mang quân hàm đại tá và vẫn có thái độ nghênh ngang, xấc xược như ngày nào. Bất chợt thấy Tư Bốn hiên ngang, đĩnh đạc trong bộ quân phục Quân giải phóng cùng quân hàm trung tá, Triều bỗng sững sờ một lúc lâu rồi mới sực tỉnh và lầm lũi quay lưng bước đi...
Vũ Minh Trí
(*) Tên thật là Nguyễn Hữu Trí (tức Nguyễn Văn Bốn, 1926 - 1993), Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên quyền Trưởng phòng Tình báo chiến lược miền (J22), Đoàn trưởng Đoàn tình báo 22 thuộc Bộ tham mưu-Quân giải phóng miền Nam, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS Thành phố Hồ Chí Minh.