Trong số những đối tượng này có người từng là nhà báo, từng công tác tại một số cơ quan báo chí, nhưng thoái hóa biến chất như Trần Thị Tuyết Diệu, Phạm Thị Đoan Trang; nhưng cũng có những kẻ mạo nhận, tự phong mình là "nhà báo độc lập","nhà báo tự do" như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy... rồi tham gia vào các hội này, hội kia, lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu chế độ, phủ nhận thành quả cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Mục tiêu tiến công của những "nhà báo dỏm" rất thâm độc, tập trung chủ yếu vào nền tảng tư tưởng của Đảng, phê phán, đả kích Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hòng làm lung lay niềm tin của cán bộ, quần chúng nhân dân vào nền tảng tư tưởng của Đảng, đẩy chúng ta đi chệch quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội. Họ tung ra đủ thứ lý luận nhằm xuyên tạc chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Họ cho rằng việc du nhập Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam là một "sai lầm lịch sử", vì Chủ nghĩa Mác-Lênin xa lạ với truyền thống dân tộc v.v.. Đặc biệt, họ liên tục tấn công vào Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng bằng cách rêu rao rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn sai đường lối, không thể có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội chính là bước quá độ tới chủ nghĩa tư bản...

Khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV thành công rất tốt đẹp với hơn 99% cử tri đi bầu thì họ tiếp tục đăng đàn với những luận điệu cũ rích, đó là đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng; đòi "tam quyền phân lập", rêu rao rằng thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay là không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, chế độ một đảng lãnh đạo, độc quyền là trái với nguyên tắc nhà nước pháp quyền; rằng một đảng cầm quyền thì không thể có dân chủ... Họ cho rằng công cuộc đổi mới 35 năm qua ở Việt Nam vẫn giữ nguyên thể chế độc đảng, kìm hãm tự do, dân chủ. Họ đòi thay đổi Cương lĩnh của Đảng, từ bỏ đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi "thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ", đòi thực hiện đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam...

Thủ đoạn của chúng rất tinh vi, xảo quyệt. Họ lập các trang web, các blog, mở các "diễn đàn", "câu lạc bộ" trên Facebook, YouTube... để tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ đời sống riêng tư của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; bóp méo, thổi phồng những hạn chế, yếu kém, nhất là những vấn đề liên quan đến quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật hoặc những vụ việc phức tạp nảy sinh trong dân tộc, tôn giáo nhằm kích động, lôi kéo các tầng lớp nhân dân vào các hoạt động biểu tình, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; qua đó nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, xuyên tạc, bóp méo chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thông qua các hội, tổ chức tự thành lập như: "Hội nhà báo Việt Nam độc lập", "Nhà xuất bản tự do", "Tù nhân lương tâm", dưới danh nghĩa hiến kế, phản biện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhưng thực chất, các "nhà báo dỏm" đã lợi dụng để tuyên truyền chống phá. Họ lợi dụng mạng xã hội như Facebook, YouTube mở các kênh TV... tung tin một cách phiến diện để lừa những người nhẹ dạ cả tin, nhất là những người nông dân ở vùng sâu, vùng xa, thiếu thông tin hoặc đang có những bức xúc, khiếu nại, tố cáo. Để tạo tính "chân thực" cho sản phẩm của mình, họ thường sử dụng nhóm người tay chân để lân la, nghe ngóng, khai thác thông tin hoặc dụ dỗ, lôi kéo những người đang khiếu kiện đi về các "trường quay" tại gia đình, dùng điện thoại thông minh và một số thiết bị thu âm, sử dụng tính năng livestream để thực hiện các video clip. Trong quá trình livestream, họ tích cực lồng ghép những lời có tính xuyên tạc, bôi nhọ chính quyền, lãnh đạo các địa phương nhằm mục đích "câu like", "câu view" hoặc chèo kéo, mời gọi sự ủng hộ về tiền bạc, vật chất của các đối tượng phản động ở nước ngoài...

Đứng trước những âm mưu, thủ đoạn của nhóm người cơ hội chính trị đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục nâng cao cảnh giác trước các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, đồng thời tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; đẩy mạnh cuộc đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch trên mặt trận chính trị tư tưởng, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, trong đó có các nhà báo thoái hóa biến chất và những kẻ lợi dụng danh nghĩa "nhà báo" chống phá Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động; không để các "nhà báo dỏm", các "nhà dân chủ cuội" lừa gạt, lôi kéo; kiên quyết, kiên trì đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đặc biệt, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí truyền thông trong cuộc đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá nền tảng tư tưởng-lý luận của Đảng, bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tăng cường nắm bắt tình hình dư luận xã hội, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng internet, mạng xã hội; nhân rộng các mô hình, phương thức mới trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng-lý luận của Đảng.

Thạc sĩ VŨ VĂN KHANH