Mặc dù là nhà kinh tế, nhưng ngay từ khi đặt chân đến nước ta, những dấu ấn về chiến tranh, tinh thần bất khuất của con người và lịch sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đã thôi thúc ông tìm hiểu về đất nước mình đến, và rồi gắn bó hàng chục năm. “Mỗi khi tôi bay tới Hà Nội, từ trên máy bay nhìn xuống là những cánh đồng lúa ngập nước và những cái ao tròn, nơi không có cây lúa nào có thể mọc lên. Đây chính là nơi máy bay B-52 từng giội bom rải thảm trong chiến dịch Linebacker II, còn Việt Nam gọi là trận “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” năm 1972”-Laurence Brahm nói-“Với mong muốn tìm hiểu thêm các khía cạnh về tâm lý và tinh thần của người Việt Nam, một dân tộc đã khiến tôi kính trọng. Tôi thấy mình cần phải làm một điều gì đó”.
Vậy là nhiều năm liền Laurence Brahm công tác ở Việt Nam, bên cạnh công việc cố vấn tài chính, ông dành thời gian đến các thư viện tìm đọc những thông tin về lịch sử, văn hóa, con người nơi đây. Ông đã viết hàng chục cuốn sách về các lĩnh vực luật pháp, tài chính, văn hóa toàn cầu... Nhưng, một cuốn sách duy nhất về đề tài quân sự ông bắt đầu viết từ đầu thập kỷ 90, rất lâu sau khi hoàn thành mới được tác giả công bố mang tên: Văn hóa, ý chí Việt Nam. Cuốn sách thông qua hình tượng của một vị tướng để nói về con người, dân tộc Việt Nam trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm; lý giải những chiến thắng đó đều bắt nguồn từ văn hóa và ý chí của con người Việt Nam...
Cuốn sách đã viết từ lâu nhưng tác giả vẫn chưa xuất bản. Lý giải về điều này, Laurence Brahm cho biết: “Tôi muốn một lần được gặp Tướng Giáp, muốn cuốn sách được lần đầu tiên xuất bản tại Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Quá khứ không thể thay đổi nhưng quan hệ Mỹ-Việt cần phải hướng về tương lai”.
Và cuốn sách Văn hóa, ý chí Việt Nam đã lần đầu tiên xuất bản năm 2013 tại Việt Nam, đúng dịp kỷ niệm 102 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
THANH TUẤN