Theo lời kể của Thomas, máy bay của cha ông bị lực lượng phòng không Việt Nam bắn rơi năm 1968. Sau một thời gian bị giam giữ tại Hỏa Lò, khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, Walter Eugene Wilber được trở về nước và từ đó luôn thể hiện sự tôn trọng đối với Việt Nam. Ông là một trong số những cựu binh Mỹ khuyến khích bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.
Bản thân Thomas Eugene Wilber đã đến Việt Nam hơn 30 lần. Nhiều chuyến đi của ông tập trung vào các địa bàn của tỉnh Nghệ An. “Cha tôi đã nhảy dù khỏi máy bay đang cháy do trúng đạn xuống xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, để rồi đến Hà Nội theo Đường mòn Hồ Chí Minh, nên tôi muốn đi lại con đường đó. Tôi đã có những trải nghiệm tuyệt vời khi đến làng Kim Liên, huyện Nam Đàn. Ở đấy, tôi thấy được sự đơn sơ, giản dị bao trùm cuộc đời của lãnh tụ Hồ Chí Minh mà khi còn ở Mỹ tôi chưa từng để tâm đến”, Thomas Wilber cho biết.
Năm 2015, thông qua các cơ quan ngoại giao hai nước, Thomas Eugene Wilber đã được gặp ông Bùi Bác Văn, sống tại TP Vinh. Năm 1968, ông Văn là một trong những người đã tham gia bắt phi công Walter Eugene Wilber. Thomas Wilber kể: “Khác với những suy nghĩ ban đầu của tôi, khi gặp nhau, ông Văn đã ôm tôi như một người bạn. Ông đã dành thời gian hướng dẫn tôi đi thăm nhiều địa danh lịch sử ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Không chỉ dẫn tôi đi tham quan những vùng từng chịu đựng bom đạn trong cuộc chiến tranh của Mỹ, ông còn đưa tôi đến gặp nhiều đồng đội của mình. Tôi đã có những trải nghiệm ý nghĩa trên chính mảnh đất gian khó mà anh dũng nhất của Việt Nam trong các cuộc kháng chiến!”.
Từ những thực tế khi đến Việt Nam, trở về nước, Thomas Eugene Wilber khuyến khích bạn bè của mình, đặc biệt là người Mỹ, tìm hiểu thêm về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam. “Cá nhân tôi cho rằng, sự thắng lợi của các bạn là tất yếu. Và Việt Nam đang đóng một vai trò quan trọng vì hòa bình trong quan hệ quốc tế hôm nay!”, Thomas Wilber nói.
BẢO LINH