Lần đầu chúng tôi gặp bà Natalia là tại lễ tưởng niệm 60 năm ngày mất của nhà cách mạng Nguyễn Chánh. Bà đến dự với tư cách là một vị khách nước ngoài có tình cảm gắn bó với gia đình vị tướng lừng danh đất Nam Trung Bộ. Hôm ấy, bà Natalia đã có bài phát biểu bằng tiếng Việt ấn tượng, xúc động về tướng Nguyễn Chánh với những hiểu biết rất sâu sắc về tiểu sử cuộc đời cũng như hậu nhân của ông. Hỏi ra chúng tôi được biết, bà là Bí thư thứ hai Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, hiện nay, bà đang cùng những người thân của nhà cách mạng Nguyễn Chánh góp phần không nhỏ trong hành trình nối nhịp hai nền văn hóa Việt Nam-Liên bang Nga.

Nhờ cuộc gặp thứ nhất đó mà sau này, nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn vị giám đốc trẻ, tài năng này. Natalia sinh ngày 1-1-1987 tại thành phố Vladivostok vùng Primorie. Cơ duyên của bà với Hà Nội và Việt Nam đã bắt nguồn từ rất lâu, khi Natalia còn là một sinh viên đại học. “Chính tiếng Việt đã đưa tôi đến Việt Nam-bà Natalia cho biết. Trước khi bắt đầu học tiếng Việt, tôi đã có khoảng 11 năm gắn bó với tiếng Trung và từng có ý định sẽ tiếp tục theo ngôn ngữ này. Nhưng đến khi vào năm chuẩn bị tốt nghiệp trung học phổ thông, thầy giáo của tôi đã khuyên và định hướng tôi nên chọn học tiếng Việt, bởi mối quan hệ truyền thống lâu đời giữa hai nước có nhiều tiềm năng để hợp tác”.

Vậy là Natalia chuyển sang học thêm tiếng Việt. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Quốc gia Viễn Đông, bà có một thời gian làm giáo viên dạy tiếng Việt tại Trường phổ thông số 2, thành phố Vladivostok.

Lần đầu tiên Natalia đến Việt Nam là năm 2005, với tư cách một sinh viên Nga tới Hà Nội để thực tập giao tiếp tiếng Việt, chuyên ngành Việt Nam học. 5 năm sau, bà mới chính thức được điều sang Việt Nam công tác, đảm nhận rất nhiều vị trí, bao gồm chuyên viên, phiên dịch viên, trợ lý giám đốc, cán bộ phụ trách mảng giáo dục của Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga. Tới năm 2016, bà chính thức nhậm chức Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga. “Đến bây giờ, tôi đã coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình”, Natalia tâm sự. Trong những năm đầu tiên ở Việt Nam, bà cùng gia đình thường xuyên đón Tết Nguyên đán như những người dân Việt Nam thực thụ, sắm quất, đào để trang hoàng nhà cửa, đi xem bắn pháo hoa đêm Giao thừa... Điều khiến bà cảm thấy gần gũi là cả Nga và Việt Nam đều có những câu ca dao, tục ngữ tương đồng về ý nghĩa. Một trong những câu tục ngữ Việt Nam để lại ấn tượng sâu sắc với bà là “Uống nước nhớ nguồn”… 

BẢO LINH