Một lần đến thăm gia đình Trung tướng Lê Quang Đạo (nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) trước ngày giỗ của ông, tôi tình cờ được gặp nhà văn người Mỹ này. Lắng nghe cuộc trò chuyện giữa bà Lady Borton với phu nhân Trung tướng Lê Quang Đạo, chúng tôi được biết hiện tại bà đang sống ở Hà Nội và vẫn tiếp tục các hoạt động giúp Việt Nam-Hoa Kỳ xây dựng một mối quan hệ nồng ấm hơn. Do quy định, lưu trú ở Việt Nam một thời gian bà phải đi sang nước thứ ba hoặc trở về Mỹ rồi mới tiếp tục nhập cảnh vào Việt Nam. Sự đi-về ấy, như bà Lady Borton chia sẻ là đi để trở về, vì Việt Nam giờ đây là trái tim, là quê hương thứ hai của bà. “Lần đầu tiên tôi được nghe tên Hồ Chí Minh là vào mùa xuân năm 1954. Khi đó, tôi đang học lớp 7 tại Washington, thủ đô của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Một tờ báo thiếu nhi có bài viết về Việt Nam vừa thắng Pháp tại Điện Biên Phủ”-bà Lady Borton kể.
    |
 |
Bà Lady Borton (bên trái) và phu nhân Trung tướng Lê Quang Đạo. Ảnh: BẮC VIỆT. |
Lady Borton quyết định sang Việt Nam dù lúc này chiến tranh đang diễn ra. Bà là y tá thuộc Quaker Service (Mỹ), một tổ chức nhân đạo đến Việt Nam tình nguyện giúp đỡ cả hai phía. Năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời thì Lady Borton đang làm việc tại Quảng Ngãi. Lúc này, bà đã có tên Việt Nam là Út Lý. Cái tên này theo bà giải nghĩa, là sự kết hợp như truyền thống của người miền Nam Việt Nam: Bà là con út trong gia đình có 3 người con, và làm việc trên tinh thần tự nguyện và hợp đạo lý, nên gọi là Út Lý. Bà Lady Borton nhớ lại: “Tôi nghe tin Hồ Chí Minh qua đời từ những người bạn Việt Nam, cả người theo cách mạng và người của chính quyền Sài Gòn. Họ vừa báo tin cho tôi vừa khóc như chưa bao giờ được khóc. Trong đầu tôi tràn ngập suy nghĩ, Hồ Chí Minh là con người như thế nào mà sự ra đi của ông lại khiến người lính ở cả hai phía đều thương tiếc đến vậy? Càng nghĩ, tôi càng tò mò muốn tìm hiểu về con người này”.
Chiến tranh vẫn đang diễn ra, và Út Lý tiếp tục cùng tổ chức Quaker Service có những hoạt động giúp đỡ nhân đạo ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Hình ảnh những người lính Quân Giải phóng dù thương tích đầy mình, vẫn hừng hực khí thế và khát vọng trở về sát cánh cùng đồng đội không hiếm gặp khi bà làm việc. Họ thường nói với nữ y tá Út Lý: “Bác của chúng tôi đã dặn, có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người cũng phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Và chúng tôi đã thề trước anh linh của Người!”.
Là một người Mỹ, bà không hề nghĩ mình sẽ có cơ hội ra Hà Nội. Nhưng ngày đó đã đến. Mùa xuân năm 1975, trước ngày 30-4, Út Lý có dịp đến Hà Nội, được gặp những người đã từng biết Bác Hồ và nghe họ kể chuyện. Bà cho biết: “Từ đó đến nay, tôi thường đề nghị bạn bè đã từng biết Bác Hồ kể cho nghe những mẩu chuyện về Người. Càng nghe, tôi càng hiểu hơn về Việt Nam, về con người vĩ đại mang tên Hồ Chí Minh, lý do vì sao Việt Nam thắng Mỹ. Và rồi, từ lúc nào không hay, tôi đã gọi Người là Bác như một người Việt Nam chân chính”.
Từ những thông tin nghiên cứu và tìm hiểu, Út Lý xuất bản nhiều cuốn sách đơn ngữ, song ngữ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được biết, bà Út Lý và phu nhân Trung tướng Lê Quang Đạo đã cùng xuất bản cuốn sách “Bác Hồ với phụ nữ và thiếu nhi” (bản song ngữ). “Từng bước, chúng ta bắt tay đoàn kết xây dựng một cây cầu hữu nghị giữa những người bạn quý trọng nhau và cùng nhau xây dựng nền hòa bình. Như vậy là chúng ta đang ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”-bà Út Lý nói.
BẢO LINH