Hai lần phát biểu nhậm chức ấn tượng

Với 476/477 phiếu tán thành (99,79%), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội khóa XIV bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021. Như vậy, đồng chí Nguyễn Phú Trọng trở thành vị lãnh đạo trải qua 3 chức danh chủ chốt, gồm: Chủ tịch Quốc hội (từ tháng 6-2006 đến tháng 7-2011), Tổng Bí thư (từ tháng 1-2011), Chủ tịch nước (từ tháng 10-2018).

Vào lúc 15 giờ 15 phút ngày 23-10-2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc lời tuyên thệ và sau đó có bài phát biểu ấn tượng trước Quốc hội: "Tôi xin thưa thật rằng, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng là vì được Quốc hội, được nhân dân tin cậy, yêu mến giao nhiệm vụ. Lo là làm thế nào để hoàn thành được thật tốt trách nhiệm của mình... Tôi rất mong được các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), cử tri và đồng bào cảm thông, chia sẻ, hết lòng giúp đỡ, tạo điều kiện; các cơ quan liên quan như Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan tư pháp, các cơ quan, ban, ngành và các địa phương phối hợp chặt chẽ, đoàn kết thống nhất cao, giúp cho tôi có thể hoàn thành được nhiệm vụ".

leftcenterrightdel
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng tham dự Ngày hội đoàn kết với đồng bào các buôn, thôn thuộc xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, tháng 11-2018.

Lời phát biểu khiêm tốn, chân thành của đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi nhậm chức Chủ tịch nước đã làm các ĐBQH xúc động. Đồng chí Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khẳng định với các nhà báo: “Việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là phương án tốt nhất và hợp lòng dân”.

Trước đó hơn 12 năm, vào lúc 16 giờ ngày 26-6-2006, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng có bài phát biểu ấn tượng trước Quốc hội sau khi được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Đồng chí xúc động nói: “… Chuyển sang lĩnh vực công tác mới, chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn; tôi tự thấy mình còn nhiều hạn chế, cả về kiến thức và kinh nghiệm. Vì vậy, tôi mong nhận được sự giúp đỡ tích cực của các vị ĐBQH; sự cộng tác chặt chẽ của các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự phối hợp thường xuyên của các cơ quan, tổ chức hữu quan; sự quan tâm ủng hộ của cử tri và nhân dân cả nước...".  

Chủ tịch Quốc hội đi công tác bằng xe ca, tàu hỏa...

Tháng 8-2008, tôi nhận được điện của Văn phòng Quốc hội thông báo tham gia đoàn công tác của Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đến thăm và làm việc tại Quảng Ngãi. Đúng giờ..., ngày... có mặt tại ga Hà Nội. Nhận điện, tôi cứ nghĩ đồng chí cán bộ văn phòng nói nhầm địa chỉ sân bay Nội Bài thành ga Hà Nội, bởi chẳng lẽ đồng chí Chủ tịch Quốc hội đi công tác bằng tàu hỏa! Thế nhưng, sự thật đúng như vậy. Xuống ga Quảng Ngãi, đồng chí Chủ tịch Quốc hội lên ngay chiếc xe ca, ngồi cùng với một số nhà báo đến huyện Tây Trà-huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi và là một trong những huyện khó khăn nhất của Việt Nam.

Đồng bào các dân tộc trong huyện Tây Trà cứ ngỡ đồng chí Chủ tịch Quốc hội đi xe con, ào ra đón, không ngờ đồng chí lại bước xuống từ chiếc xe ca 24 chỗ ngồi…

Không chỉ có chuyến đi đến huyện miền núi Tây Trà mà rất nhiều chuyến đi cơ sở khác, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã ngồi xe ca cùng với cán bộ Văn phòng Quốc hội và các nhà báo. Trên xe, Chủ tịch Quốc hội “tranh thủ” khai thác thông tin từ các nhà báo và đồng chí luôn yêu cầu phải “nói thẳng, nói thật”.

… và đi bộ

Ngày 22-5-2011 là ngày bầu cử ĐBQH và đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Cả nước tưng bừng trong không khí của ngày hội lớn. Nhóm phóng viên theo dõi Quốc hội nhận được thông báo của Hội đồng Bầu cử: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Quốc hội khóa XII, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 sẽ đi bỏ phiếu ở khu vực bỏ phiếu số 3, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Chúng tôi ai nấy đều đến sớm và sẵn sàng máy ảnh, máy quay... chờ đợi. Đài Truyền hình Việt Nam còn tổ chức điểm cầu truyền hình tại đây để trực tiếp chuyển hình ảnh lên sóng truyền hình quốc gia. Mọi người đều nghĩ rằng, người đứng đầu Đảng và Quốc hội sẽ bước xuống từ xe hơi với đoàn tùy tùng và vẫy chào cử tri, sau đó sẽ là người đầu tiên đi bỏ phiếu ở đây.

leftcenterrightdel
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng với các em học sinh xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TRÍ DŨNG

Thế nhưng thật bất ngờ, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội đã không đi xe ô tô mà đi bộ từ nhà riêng tới khu vực bỏ phiếu như rất nhiều cử tri khác. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng không phải là người bỏ lá phiếu đầu tiên mà nhường vinh dự này cho cử tri cao tuổi nhất tại đây, đó là cụ Đỗ Văn Tiên, 87 tuổi.

Những cuộc tiếp xúc “cử tri đặc biệt”

 Tháp tùng đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong nhiều lần đi công tác trong nước hay nước ngoài, chúng tôi để ý bao giờ đồng chí cũng yêu cầu Văn phòng Quốc hội xếp lịch để có những cuộc tiếp xúc với cử tri ở cơ sở (nếu là trong nước) hoặc bà con Việt kiều (nếu ở nước ngoài).

Trong những cuộc tiếp xúc cử tri đó, tôi nhớ nhất là cuộc gặp gỡ của đồng chí Nguyễn Phú Trọng với cán bộ, công nhân tại giàn khoan công nghệ trung tâm số 2 của Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro vào năm 2010. Trên giàn khoan, giữa biển khơi mênh mông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng có cuộc tiếp xúc với các “cử tri đặc biệt” như cách gọi của đồng chí. Sau khi tìm hiểu đời sống của công nhân Việt Nam và Nga trên giàn khoan, đồng chí Nguyễn Phú Trọng lắng nghe những tâm tư và nguyện vọng của họ. Các cử tri đã kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến ngành dầu khí, như: Việc xác định thuế thu nhập cá nhân của cán bộ, công nhân viên trong ngành phải tính đến sự đặc thù.

  Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của cử tri ngành dầu khí và theo tờ trình của Chính phủ, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành dầu khí, trong đó có thay đổi phương thức, đơn giản hóa các thủ tục thuế, các khoản thu nộp vào ngân sách Nhà nước đối với ngành dầu khí cũng có sự thay đổi, tạo cơ sở pháp lý để ngành dầu khí hoàn thành nhiệm vụ.  

Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ