Nhà báo Trần Hồng còn nhớ như in buổi chiều một ngày tháng 10-1994, khi ông đang trò chuyện với Đại tá Nguyễn Văn Huyên, thư ký của Đại tướng để xin phép vào chụp ảnh thì Đại tướng đi ngang qua. Biết ý định của ông, Đại tướng quay sang nói với thư ký Nguyễn Văn Huyên: “Để cậu ấy vào với mình bất cứ lúc nào!”.
“Quá vui sướng, ngay sáng hôm sau, 5 giờ 30 phút, tôi đạp xe đến số 30 Hoàng Diệu. Đại tướng từ trong nhà bước ra vườn tập thể dục trong bộ thể thao màu xanh. Tôi nâng máy lên bấm liên tục mà tim đập thình thịch. Trên chiếc ghế đá cũ, Đại tướng tập thiền trong tư thế vô cùng tĩnh tại, như một tiên ông giữa đời thường. Cả ngày hôm đó, tôi say mê chụp quên cả thời gian”-Đại tá Trần Hồng nhớ lại-“Sau này, có lần Đại tướng hỏi tôi: “Trần Hồng ơi, sao cậu chụp tớ nhiều thế?”. Lúc ấy, tôi đáp lại rất nhanh, theo cảm tính: “Vậy sao anh lại cho em chụp anh nhiều thế?”. Thật không ngờ, Đại tướng trả lời tôi bằng nụ cười mỉm, ánh mắt nhìn âu yếm như ngày đầu gặp mặt. Còn trong tôi là cảm giác ngượng ngùng mà ấm áp đến lạ kỳ”.
    |
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trồng chanh tại vườn nhà (làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), tháng 11-2004. Ảnh: Trần Hồng |
Nhà báo Trần Hồng có nhiều dịp được tháp tùng Đại tướng trở lại căn cứ cách mạng năm xưa, như: Cao Bằng, Điện Biên... hay những chuyến về thăm quê nhà. Mỗi chuyến đi, ông lại mang về hàng trăm bức ảnh cùng những câu chuyện xúc động. Trong đó có chuyến trở lại Cao Bằng, tháng 12-1994. Nhà báo Trần Hồng còn nhớ mãi lời nói của Đại tướng với ông giữa "vòng vây" của đông đảo bà con các dân tộc Cao Bằng: “Hôm nay được gặp bà con, tớ nói ngôn ngữ trên này, Trần Hồng thông cảm nhé!”. Rồi Đại tướng thân tình trò chuyện với mọi người bằng tiếng Tày. Đồng bào từ già đến trẻ đều gọi Đại tướng là “ông nội”. Lần đầu tiên, nhà báo Trần Hồng ghi lại được những giây phút xúc động của Đại tướng trước “cảnh cũ, người xưa”. Hình ảnh Đại tướng cầm chiếc khèn-nhạc cụ đặc trưng của dân tộc Mông trong tay, sắc mặt thoáng ưu tư, chắc hẳn ông đang hồi tưởng lại không chỉ ngày vui chiến thắng mà cả những ngày tháng gian khổ, đói cơm nhạt muối. Hay khi Đại tướng ngập ngừng một hồi lâu mới cầm bút ghi cảm tưởng vào quyển sổ mà đồng bào đã chuẩn bị sẵn...
Trong suốt hành trình ghi lại chân dung Đại tướng, NSNA Trần Hồng nhiều lần bấm máy trong niềm xúc động khôn tả. Có những lúc ông đã nâng máy lên rồi lại phải hạ xuống để kìm nén cảm xúc mới chụp tiếp được. Một trong những lần đó là khi ông chụp bức ảnh Đại tướng và phu nhân bên mâm cơm đạm bạc. Bữa cơm giống như của biết bao gia đình bình dân. Trên mâm cơm có hai quả trứng mà bà gắp cho ông, ông lại nhường bà. Giọng Đại tướng nhỏ nhẹ mà vô cùng yêu thương, trìu mến: “Em ăn đi! Cứ gắp cho anh nhiều thế!”. Nhiếp ảnh gia Trần Hồng khi ấy kịp nghe trọn vẹn câu nói, nhanh tay bấm máy mà khóe mắt rưng rưng...
Thời gian được gần gũi gia đình Đại tướng, nhà báo Trần Hồng càng hiểu thấu tình cảm sâu đậm, nghĩa vợ chồng tao khang mà Đại tướng và phu nhân dành cho nhau. Ông kể: Có lần, khi trả lời câu hỏi của một phóng viên, nếu được đưa ra một yêu cầu với chồng, bà mong muốn gì? Phu nhân Đặng Bích Hà đã trả lời: “Tôi muốn ông nghỉ ngơi. Vì điều ấy tôi chưa thấy ở nhà tôi bao giờ”. Trong 1.559 ngày Đại tướng ở bệnh viện, hằng ngày, phu nhân lặng lẽ thay chồng nhận, xử lý thư từ, sách vở... Còn Đại tướng lúc nào cũng hướng về người vợ yêu thương. “Có một ngày, đội chăm sóc sức khỏe cho Đại tướng ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 băn khoăn, lo lắng vì ông không chịu ăn và nét mặt rất buồn. Ai cũng áy náy soi xét mọi việc mình làm đã chu toàn hay chưa. Cuối cùng, ai đó đã phát hiện ra, căn phòng của ông vừa được sửa sang cho đẹp và hợp lý hơn, nhưng mọi người đã quên không treo lại bức ảnh ông bà chụp chung đúng vị trí cũ. Vị trí mà hằng ngày nằm trên giường bệnh, Đại tướng có thể ngắm nhìn không rời...” - NSNA Trần Hồng xúc động kể.
THU THỦY