Cuối tháng 4-1973, Tiểu đoàn 5 nhận mệnh lệnh thực hiện cuộc hành quân vô cùng vất vả từ sân bay Chà Vằn (tỉnh Tavenooc, nay là tỉnh Sekong, nước bạn Lào) sang khu vực Khâm Đức (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam). Trở về Đất Mẹ, Tiểu đoàn 5 cùng các đơn vị lao vào cải tạo Đường 14 và nhanh chóng mở con đường tránh căn cứ Đăk Pét để phục vụ vận chuyển chi viện.

Tổ hậu cần của tiểu đoàn bộ dắt theo một đàn lợn 6 con lớn nhỏ. Điều ngạc nhiên là không có chú lợn nào bị buộc dây vào cổ để dắt đi. Chúng như những con chó con lũn cũn chạy theo sau các chiến sĩ nuôi quân. Dẫn đầu là một con lợn mẹ mõm dài, chân cao, lông màu nâu. Nó là một con lợn rừng thực thụ. Ba năm trước, anh Hiệu là Chính trị viên tiểu đoàn mang nó về từ một bản của người Lào. Lúc đó nó chỉ hơn một tháng tuổi. Để đánh dấu, anh Hiệu dùng dao nung đỏ in chữ D5 lên hai bên sườn của nó. Từ đấy nó được gọi với cái tên “D5”.

Ngay từ đầu, anh Hiệu đã kiên trì thực hiện một nguyên tắc chăm nuôi đặc biệt. Đến bữa ăn của D5, anh thực hiện gõ vào soong 9 tiếng rồi mới cho nó ăn. Lặp đi lặp lại nhiều lần, D5 quen dần với tín hiệu ấy. Vì thế, sau này chỉ cần gõ 9 tiếng thì dù đang kiếm ăn ở trong rừng, D5 cũng chạy về. Anh Hiệu và anh Hồng (anh nuôi trưởng) còn thay nhau huấn luyện D5 thực hiện được nhiều động tác theo hiệu lệnh, như: Nằm, bò, quay tròn, đi lùi, đứng lên... Nó cũng quấn quýt, ngoan ngoãn nghe lời các anh như một chú chó con vậy. Một lần, anh Hiệu bị sốt rét, phải lên nằm ở bệnh xá của trung đoàn. D5 cứ lững thững đi theo, không rời anh nửa bước. Anh Hiệu phải nhắn anh Hồng lên dẫn nó về đơn vị. Chỉ cần một tiếng gọi, một tiếng vỗ tay hay một khẩu lệnh phát ra từ anh Hiệu hoặc anh Hồng thì D5 nhất nhất làm theo. Khi đơn vị chuyển địa điểm đóng quân, mọi người mới thấy hết giá trị của sự nuôi dạy này. Nếu là một con lợn bình thường thì việc chăn dắt lợn khi di chuyển thật không đơn giản. Với D5 thì chẳng ai phải bận tâm đến chuyện này. Có lần, D5 vào rừng mấy ngày liền không về. Không ai nghĩ nó bỏ đi mà chỉ lo nó bị thú rừng ăn thịt. Ngày thứ ba nó mới trở về. Thì ra nó vào rừng để tìm bạn tình. D5 mang thai với lợn rừng. Trước ngày sinh nở, nó lại bỏ vào rừng. Anh em bủa đi tìm. Không ngờ cách vị trí đóng quân của đơn vị không xa, D5 đã tự làm cái ổ trong một cái hang lớn để sinh nở. Tìm được tới nơi, các anh đã thấy bên D5 là 5 chú lợn con. Lũ con của nó là tác phẩm của lợn rừng nên chúng khỏe mạnh và nhanh nhẹn vô cùng. Trên đường đi tìm, anh em đã nhìn thấy một con lợn rừng cao lớn lảng vảng gần nơi D5 nằm ổ. 

Lũ con của D5 tiếp tục được các anh nuôi dạy bằng phương pháp đã áp dụng với mẹ của chúng nên rất thông minh, nhanh nhẹn và lớn nhanh như thổi. Đặc biệt, D5 có uy quyền tuyệt đối với lũ lợn con. Khi được lệnh tạm nghỉ giải lao, anh Hồng vừa đặt ba lô xuống thì D5 cũng nằm bệt ra đất, cạnh chiếc ba lô của anh. Tuy nhiên, bao giờ nó cũng nằm quay đầu về phía sau để quan sát 5 đứa con của nó đang lững thững đi sau. Thấy D5 nằm nghỉ, lập tức đàn lợn con đi sau cũng lăn ra nghỉ. Thật lạ là đến giờ hành quân, lợn con nào còn nằm, chưa chịu đi thì D5 liền chạy tới dùng mõm húc vào mình con lợn đó. Thế là chú lợn chây ỳ kia phải vùng dậy chạy tiếp. Những chú lợn cũng giống trẻ con, thích la cà, mải chơi trên đường. Có con thỉnh thoảng lại tạt vào bên đường hít hà, sục tìm thức ăn. Thấy vậy, D5 liền chạy lại đớp nhẹ vào mông chú lợn mải chơi, buộc chú ta phải quay trở lại “đội hình hành quân”... 

Suốt cả chặng đường hành quân, đơn vị phải vượt qua nhiều địa hình phức tạp, nhưng chưa một lần anh Hồng và tổ hậu cần phải bận tâm với những chú lợn của mình. Anh em trong đơn vị nói vui rằng: D5 là một “tiểu đội trưởng” chỉ huy xuất sắc. 

Năm mới Kỷ Hợi viết lại câu chuyện về chú lợn mang tên D5 là một ví dụ sinh động về tình cảm mà các chiến sĩ bộ đội Trường Sơn dành cho những con vật.

PHẠM THÀNH LONG