Dì Phước là chị họ của mẹ. Dì đang dạy tiểu học ở trường Đồng Khánh Huế. Tôi thường nghe mẹ nhắc đến dì, nhưng chưa bao giờ gặp mặt. Tôi ngước mắt nhìn mẹ đầy biết ơn nhưng trong lòng nghĩ: “Tiền đâu mà đi". Mẹ đứng dậy, đi vào nhà kho. Một lúc sau, dáng mảnh mai của mẹ hiện ra trên bục cửa. Đầu bà đội hai chiếc mâm đồng to. Tuy còn bé, tôi cũng biết mâm đồng là của dự trữ trong nhà. Chúng được dùng khi giỗ Tết và đem cầm bán khi cần. Bà bảo tôi đi theo sang bà Hàn Phi gần nhà. Mẹ vào nhà nói chuyện với bà Hàn, tôi ngồi chờ ngoài sân. Khi ra, mẹ cầm gọn trong tay hai tờ giấy bạc Đông Dương và năm hào:
- Thế này cũng đủ. Con đi ô tô ra Vinh hết năm hào, còn hai đồng mua vé tàu hỏa vào Huế.
    |
 |
Trường Quốc học Huế. Ảnh: PHƯỚC TUẤN. |
Mẹ chuẩn bị hành lý cho tôi, miệng bảo: "Con cứ đi thi, nếu không đỗ thì cũng đi cho biết Huế...".
Huế, hè năm 1940. Trời nắng nhưng không nóng gắt. Sông Hương trong mát lững lờ trôi, cầu Tràng Tiền bắc qua sông trông như một nét vẽ. Con đò ngang bến Thừa Phủ lúc nào cũng nhiều khách qua lại. Cô lái đò duyên dáng, vui chuyện. Chuông chùa Thiên Mụ thong thả ngân. Tiếng chuông lan xa xa trên mặt nước. Những tiếng rao quà như hát: "Ai... chè đậu... ván...", "Ai... bánh bột... lọc..." thật hấp dẫn thí sinh các tỉnh về thi.
Dì Phước tôi-cô giáo Hoàng Thị Vệ-có chồng là bác sĩ sản khoa Thân Trọng Phước nổi tiếng ở Huế. Học sinh thường nhắc đến dì với giọng trìu mến: “Cô giáo Vệ hiền nhưng rất nghiêm”. Lần đầu tiên gặp, tôi đã mê dì. Khuôn mặt trái xoan xinh đẹp, mái tóc dài quấn trần quanh đầu, đôi mắt đen láy. Thúy Hồng, con gái dì, cùng thi với tôi. Sáng hôm đó, dì cho tôi và Thúy Hồng ăn xôi đỗ xanh. Dì Phước nói ngọt ngào, tiếng Huế pha lẫn tiếng Hà Tĩnh:
- Ăn cho no bụng, vào đó yên trí mà làm bài.
Nữ sinh các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phan Thiết gặp nhau trong cuộc thi vào trường Đồng Khánh. Có cả nữ sinh Đà Lạt.
Từ nhà dì Phước đến trường Đồng Khánh phải đi qua cầu Tràng Tiền. Tôi hồi hộp bước vào cổng trường. Hai dãy nhà tầng quét vôi hồng dưới hàng phượng vĩ đỏ rực. Con đường sỏi nhỏ bao quanh các thảm cỏ xanh, rải rác những bông hoa dại tím biếc. Trường đẹp và rộng. Tôi thầm nghĩ: "Nếu mình thi đậu, được học bốn năm ở đây thì sướng quá".
Từ hiệu trưởng đến tổng giám thị đều là "bà đầm" Pháp. Bà đốc Martin, Hiệu trưởng trường, người thấp, đậm nhưng rất nhanh nhẹn, nghiêm nghị. Bà có đôi mắt to đẹp. Bà Boeuf, Tổng giám thị, dong dỏng cao, mái tóc nâu, nước da trắng, đôi mắt xanh lơ trông rất hiền. Bà ít nói. Các phòng thi im phăng phắc. Nghe rõ tiếng giày giám thị đi lại trên hành lang. Môn thi thứ nhất là chính tả tiếng Pháp. Lần đầu tiên nghe người Pháp đọc, tôi không hiểu hết. Thỉnh thoảng tôi lại bỏ cách mấy câu. Cô đầm bắt đầu đọc lần thứ hai. Tôi viết rất nhanh, điền vào chỗ bỏ trống những từ chưa viết kịp. Thi vấn đáp cuối cùng. Các thí sinh ai cũng sợ phần thi này. Nhất là khi vào bàn thi cô Vinot. Cô cao lớn, mắt xanh. Tiếng giày cô nện mạnh trên hành lang không lẫn với ai. Cô nói to, hay quắc mắt. Cô cho điểm không giống mọi người. Đối với cô, chỉ có hai loại điểm: Tám cho người trả lời hay, zero (điểm không) cho người trả lời kém. Cô dạy khâu, may, vệ sinh thường thức. Có nhiều thí sinh qua được các môn khó như Văn, Toán nhưng lại bị trượt vì môn của cô.
Tôi rụt rè, hồi hộp rút thăm đề bài. Tôi rút phải đề: “Bệnh chó dại”. Tôi trả lời bằng tiếng Pháp. Một tiếng đập bàn mạnh. Tôi ngạc nhiên, tim đập thình thịch. Cô Vinot quắc mắt, viết số tám thật to, chìa ra trước mặt tôi. Tôi nghe tiếng các bạn đứng bên ngoài thì thào, xuýt xoa. Thi xong, về nhà dì Phước, tôi nghĩ: “Chắc gì mình đỗ". Hôm có kết quả, người xúm xem đông nghịt. Tôi cố len vào, thấy tên mình ngay ở đầu danh sách trúng tuyển, tên Thúy Hồng thứ mười bảy. Hơn ba trăm nữ sinh dự thi, hầu hết con quan, con nhà giàu. Trong ba mươi tư người đỗ có tôi, con một họa sĩ nghèo của miền quê Nghệ Tĩnh. Dì Phước rất tự hào về cô cháu tỉnh lẻ, dì bảo tôi:
- Cháu cứ ở nhà dì đi học với Thúy Hồng, đừng ngại.
Nhưng nhà trường cho tôi học bổng toàn phần, ăn ở nội trú. Khu nội trú rất đẹp, ngăn nắp. Một dãy dài dằng dặc những giường là giường... Giường nào cũng có chiếu phủ in hai chữ màu tím “ĐK”. Sáng sáng, chúng tôi phải gấp ngay ngắn bộ quần áo ngủ bỏ vào một túi vải trắng thêu nổi bật chữ "bonsoir" (chúc ngủ ngon) bằng chỉ xanh. Tôi lo nhất về sáu bộ quần áo dài trắng và một áo lụa đồng phục màu xanh mỗi học sinh phải có theo quy định của trường.
Gương mặt mẹ rạng rỡ: “Con đã thi đậu. Lại được học bổng toàn phần”. Cha tôi rất vui. Ông bàn với mẹ thuê một cô cháu giúp việc nhà để tôi đi học. Sau vài cuộc triển lãm, cha đã bán được tranh. Gia đình sống dư dật hơn. Cậu Trinh tôi là thợ may. Cậu hứa sẽ may cho tôi đủ các bộ quần áo. Bà con trong họ người cho một đồng, người cho hai đồng.
Hành lý đi học của tôi thật nhẹ nhàng. Mẹ lấy chiếc va li cũ bằng mây của cha vẫn cất trên gác bếp xuống. Bà lau hết bồ hóng, bỏ vào đó hai bộ quần áo tôi thường mặc, chiếc áo dài màu cẩm thạch cha may lúc tôi ra Hà Nội giúp cha làm triển lãm. Chiếc áo dài duy nhất của tôi. Tôi lấy chiếc bút máy Waterman cha dùng ngày còn làm giáo sư ở Hà Nội. Vỏ bút hơi nứt. Cha đã lấy một sợi dây đồng nhỏ buộc lại nên vẫn viết được. Va li mây không có khóa. Nó có hai cái nút bằng mây, tôi khóa va li bằng cách xâu chiếc đũa vào hai nút ấy.
Mẹ và các em tiễn tôi ra tận bến xe. Lúc lên xe, tôi còn cười chào mẹ. Nhưng đến hàng cây ngô đồng đầu thị xã, tôi ứa nước mắt, thương mẹ, thương em. Đây là lần đầu tiên tôi đi xa một mình.
Nhà văn NGUYỆT TÚ