Khoai lang, nước chè “khơ-ra-sô”
Quê ở tỉnh Bắc Kạn, gác bút nghiên vào chiến trường miền Nam năm 1973, chàng thanh niên dân tộc Tày Ma Văn Thỏa không nghĩ rằng có ngày mình được chọn làm cần vụ phục vụ Tư lệnh Chu Huy Mân.
Nhớ về năm tháng ấy, ông Thỏa kể: “Tư lệnh Chu Huy Mân mà cơ quan hay gọi là "cụ Hai Mạnh" có dáng người rắn rỏi, chắc khỏe. Không chỉ thường xuyên rèn luyện thể thao, chơi cầu lông cuối ngày, ông còn tranh thủ cuốc đất trồng cây ăn quả quanh căn cứ. Tư lệnh ăn uống đơn giản lắm. Trong điều kiện thiếu thốn chung, tôi và anh bảo vệ tranh thủ bắn chim, câu cá để cải thiện cho thủ trưởng. Nhưng món ăn thích nhất của ông là khoai lang, món khoái khẩu xứ Nghệ. Hôm nào vào làng đồng bào tìm được khoai lang cùng chè xanh hoặc “sang” nữa có kẹo lạc là hôm đó ông vui lắm, giơ ngón tay lên cười “khơ-ra-sô” (nghĩa là tốt-tiếng Nga).
    |
 |
Chiến sĩ cần vụ Ma Văn Thỏa (thứ hai, từ phải sang) cùng đội ngũ phục vụ, thư ký, bảo vệ Tư lệnh Chu Huy Mân ở căn cứ Nước Oa (năm 1974). Ảnh tư liệu |
Ăn uống tùng tiệm, vừa đủ, không lãng phí luôn được tư lệnh nhắc nhở cán bộ thuộc quyền. Vào căn cứ Nước Oa chưa được bao lâu, anh cần vụ được giao nhiệm vụ ra Bắc cùng các thủ trưởng. Sau 3 tháng họp, mọi người về lại Quảng Nam. Đón đoàn ở bến Giằng, Cục trưởng Cục Hậu cần Quân khu 5 Hoàng Giang mổ heo ăn mừng. Tư lệnh nói: “Chúng tôi đều có tiêu chuẩn thức ăn đi đường, tại sao phải bày vẽ tốn kém. Thôi lỡ rồi, mọi người cứ dùng, còn mình ăn cơm trong ang-gô đây!”. Đã thành nếp, khi đến chỉ đạo, kiểm tra ở đâu dù xa gần, tư lệnh cũng bảo cần vụ Thỏa chuẩn bị cơm nước mang theo. “Không làm phiền đơn vị” đã trở thành nguyên tắc của Tư lệnh Chu Huy Mân. Ông Thỏa nhớ lại: “Tôi từng chứng kiến tư lệnh thăm quê Nghệ An. Biết ý, tỉnh ủy chiêu đãi khoai lang vàng và nước chè xanh. Vậy mà ông vui hơn có yến tiệc. Theo thủ trưởng ra Hà Nội hai lần mà lần nào tôi cũng chỉ thấy mình cô Thủy, vợ ông, thời điểm đó là Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang và Bắc Ninh) lên ở Quảng Bá với chồng thôi. Mà cô Thủy cũng lạ lắm. Khi ô tô đến đón ở Hà Bắc, bao giờ cô cũng cột chiếc xe đạp đi theo. Về Hà Nội, cô dùng xe đạp đi công việc, ít khi nào đụng đến xe công. Làm cần vụ riết, tôi “lây” tính thủ trưởng. Năm 1976, Tư lệnh ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới và làm bữa ăn ngon có bia chiêu đãi đội ngũ phục vụ. Khi hỏi tôi có yêu cầu gì thì cứ nói, tôi trả lời rằng không”. Ông Thỏa cười khi nhớ về một thời quân ngũ.
“Thằng nhỏ ham học đó mà”
Đại tướng Chu Huy Mân trong nỗi nhớ của người lính cần vụ hiền hậu như một người cha. Ngày ấy cậu chiến sĩ rụt rè vào nhận nhiệm vụ được quan tâm đặc biệt. Chỉ 5 tháng sau, anh đã được kết nạp Đảng, sinh hoạt cùng chi bộ với các thủ trưởng của mình. Tư lệnh hỏi anh sau này hòa bình sẽ làm gì, khi được trả lời sẽ tiếp tục đi học cho hết cấp 3 rồi vào đại học, ông rất khen ngợi.
Được ông gợi ý, người lính cần vụ nhờ bạn bè ở quê gửi sách lớp 10 (hệ phổ thông 10 năm) xuống địa chỉ nhà cô Thủy, để từ đó cô tìm cách gửi xe vào Nam cho anh tự học khi rảnh rỗi. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, biết nguyện vọng cậu cần vụ, tư lệnh cho đi ôn luyện văn hóa tập trung. Không theo con đường quân ngũ, chàng Thượng sĩ Ma Văn Thỏa quyết định thi và đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, ngành cơ khí, rồi về làm ở công ty quản lý đường sắt cho đến khi nghỉ hưu. Người cựu chiến binh hồi tưởng: “Tôi mê cơ khí từ lâu. Nhớ năm 1974, trên đường từ Hà Nội về Trường Sơn, xe dừng ở trạm khách. Cả đoàn nghỉ ngơi, tôi táy máy lái chiếc xe UAZ mới nhận chạy thử một đoạn rồi luống cuống tông vào gốc cây, làm cong cả xóc ngang phía trước, phải đưa ra thợ nắn lại. Nghe báo, Tư lệnh không phê bình mà còn nói với mọi người: “Tội, cái thằng nhỏ ham học đó mà”. Chính vì yêu quý sự gần gũi, phúc hậu của thủ trưởng mà khi ra quân, chàng sinh viên đại học vẫn không ngại đến nhà ông ở phố Lý Nam Đế, Hà Nội tá túc khi lỡ xe đò về quê Bắc Kạn. Bao giờ anh cũng được chăm sóc như người thân trong gia đình.
HỒNG VÂN