Không hẹn nhưng ông Bùi Văn Dung đã đón tôi như đón bạn thân vào ngắm sắc hoa vườn nhà. Sau khi giới thiệu về những luống thược dược được ông trồng quanh cây mít, ông hào hứng kể: "Đầu năm 1962, mình tình nguyện nhập ngũ và trở thành bộ đội pháo binh. Phấn đấu đến khi là chính trị viên đại đội thì mình được trên điều vào chiến trường miền Nam đánh giặc tới ngày đất nước thống nhất. Bây giờ, nếu ai đọc lại Nội san Tuổi Trẻ, tiền thân Báo Tuổi Trẻ ngày nay, sẽ thấy nhiều bài thơ ký tên tác giả B Văn Dung. Khi ấy rất ít đồng đội trong đơn vị biết mình có thơ đăng báo liên tục. Còn ở quê nhà Thượng Trưng thuở đó, họ hàng nội, ngoại cũng không ngờ mình lại có khiếu làm thơ như thế. Thơ mình viết tự nhiên theo cảm xúc thật với đủ cung bậc tình cảm, khen, chê, châm biếm nhẹ nhàng. Đặc biệt, vào đúng dịp đầu xuân 1976, thật bất ngờ trên Báo Sài Gòn Giải Phóng đăng bài thơ "Gửi nắng cho em" của mình: 

      Anh ở trong này chưa thấy mùa đông 
      Nắng vẫn đỏ, mận hồng đào cuối vụ
      Trời Sài Gòn xanh cao như quyến rũ 
      Thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam 
      Muốn gửi ra em một chút nắng vàng 
      Thương cái rét của thợ cày, thợ cấy 
      Nên cứ muốn chia nắng đều cho ngoài ấy 
      Có tình thương tha thiết ở trong này…
".

Quả thật, qua tìm hiểu tôi được biết, cái không khí ấm áp, tươi vui mừng chiến thắng của quân và dân miền Nam trong ngày đầu xuân trở thành chất xúc tác diệu kỳ cho Bùi Văn Dung thăng hoa, rồi sáng tác bài thơ "Gửi nắng cho em". Tác phẩm này ra đời được đúng một năm thì vào một buổi chiều, có đồng đội cùng đơn vị bất ngờ vỗ vai nhắc: “Ơ! Bài thơ của cậu được phổ nhạc, đang phát trên loa truyền thanh kìa!”. Lắng tai nghe, Bùi Văn Dung vui mừng khôn xiết và không ngờ bài thơ này được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ thành ca khúc cùng tên. Nhưng tận đến mùa đông năm 1981, Bùi Văn Dung mới ra Hà Nội tìm gặp nhạc sĩ Phạm Tuyên. Đây là cuộc hội ngộ đầu tiên của tác giả thơ và nhạc sau nhiều năm ca khúc “Gửi nắng cho em” được phổ biến rộng rãi. Ông Dung kể cho tôi nghe sự kiện đáng nhớ này: “Khi đón mình đến thăm nhà, nhạc sĩ Phạm Tuyên rất vui mừng vì ông cứ nghĩ bộ đội Dung phải là nhà thơ có tiếng trong TP Hồ Chí Minh. Rồi nhạc sĩ nhìn mình thở dài, nói: "Bài "Gửi nắng cho em" vừa mới bị tạm ngưng phổ biến, Dung có biết lý do gì không?". Mình đáp lời: "Em có nghe. Khổ quá, em viết thật lòng vì em thương vợ em, thương những thợ cày, thợ cấy rét mướt ở ngoài hậu phương miền Bắc mà". Nghe mình nói xong, nhạc sĩ Phạm Tuyên lẳng lặng vào lục tủ đưa ra cho mình xem một tập đơn thư dày cộp yêu cầu Đài Tiếng nói Việt Nam ngưng phát bài hát "Gửi nắng cho em" với những lý do đại loại như: “… Sài Gòn là nơi hơn 30 năm bị đế quốc Mỹ và tay sai cai trị, vừa giải phóng lại “gửi nắng” ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa là sao? “Nắng” là gì, là ánh sáng. Sao lại có chuyện ánh sáng được gửi từ nơi đã từng coi là vùng kẻ thù chiếm đóng tăm tối một thời ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa!”...

leftcenterrightdel
Ông Bùi Văn Dung đọc thơ tặng vợ trong vườn nhà.

Được biết, Bùi Văn Dung cũng là tác giả lời thơ ca khúc “Con kênh ta đào" nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Giai điệu bài hát lần đầu tiên do hai nghệ sĩ Ngọc Tân và Thanh Hoa thể hiện đã đem đến cho khán, thính giả không khí thi đua lao động đầy hứng khởi dựng xây đất nước sau chiến tranh. Chưa dừng lại ở đó, bài thơ "Trăng nguyên" của Bùi Văn Dung cũng có duyên với nhạc sĩ Huy Thục, tác giả của các ca khúc: "Đợi", "Trăng khuyết"... Nhạc sĩ phát hiện thấy ở thi phẩm này có nhiều tứ mang tính hoài vọng. Trăng lưỡi liềm hay trăng khuyết đều là một hiện tượng tự nhiên mà mắt người bình thường vẫn nhìn thấy trên bầu trời đêm. Nhưng với con mắt của nghệ sĩ thì có sự tinh tế riêng nên vào một đêm xuân lồng lộng không ngủ, ông Dung đã ngắm trăng mà luyến tiếc...

Nghỉ hưu với quân hàm Trung tá, ông Dung mới về quê được 3 tháng thì đúng vào sớm đầu xuân năm 1987, lãnh đạo xã Thượng Trưng đến tận nhà mời ông tham gia công tác Hội Cựu chiến binh xã. Vùng quê trung du này những năm đầu đất nước đổi mới bộn bề công việc, nhiều hợp tác xã kiểu cũ đã tan vỡ hoặc tự giải thể do lối làm ăn thụ động, thua lỗ, kém năng suất. Chính vì vậy mà ông Dung đang là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã thì được tín nhiệm bầu kiêm luôn hai nhiệm kỳ Bí thư Đảng ủy xã nhà. Còn bây giờ khi đã trao lại trọng trách cho thế hệ sau, ông về với cuộc sống thường nhật của một lão nông thực thụ, sớm hôm với ruộng đồng để mỗi khi Tết đến, xuân sang, ông lại trào dâng cảm xúc, làm thơ tặng vợ mình là bà Kim Thị Yến.

Bài và ảnh: TÔ VĂN BINH