Có hai cái Tết ông không thể nào quên là cái Tết “đói nhất” năm 1969 và cái Tết “đầy đủ” năm 1975...
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhớ lại: “Những ngày giáp Tết Kỷ Dậu 1969, Trung đoàn 24 chúng tôi vừa đánh địch ở khu vực Pleiku về đến hậu cứ thì được nghe báo cáo là anh em B3 đã ra Bắc hết. Là trung đoàn trưởng, tôi không ngạc nhiên vì quyết định này của cấp trên. Mấy tháng nay bộ đội đói quá. Sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, địch tập trung đánh phá nhằm hủy diệt tuyến tiếp viện của quân ta. Vì thế mà suốt mấy tháng trời, những chuyến xe của Bộ tư lệnh 559 không thể vào được Mặt trận Tây Nguyên.
Bộ đội Trung đoàn 24 chúng tôi vẫn truyền tai nhau về “hai nỗi sợ” và “một cái lo”, đó là: Sợ mắc bệnh sốt rét ác tính, sợ đói và lo làm sao để thắng Mỹ. Đợt ấy, tình hình căng quá. Giải pháp tình thế của Bộ tư lệnh Mặt trận là tạm thời rút ra Bắc các bộ phận hậu cần, bệnh viện, trường học, cơ quan... chỉ giữ lại lực lượng chiến đấu trực tiếp, như Trung đoàn 24 chúng tôi. Anh em ở lại vững vàng, động viên nhau cố gắng chịu đựng “qua cơn bĩ cực”, nhất định “tới hồi thái lai”. Anh em thay nhau vào rừng, đào sâu tới 1m, gặp may có thể đào được những củ mài nặng tới 15-20kg, đem xuống suối rửa sạch, rồi cắt lát nấu cháo, làm canh... Vậy là thành Tết!
Và rồi chúng tôi vượt qua cái đói suốt mấy tháng ròng lúc nào không hay. Đầu mùa khô, “đường dây 559” được thông, lương thực, thực phẩm, đạn dược... lại ra mặt trận. Tôi còn nhớ, ngày đầu tiên có gạo, Bộ tư lệnh thương anh em mấy tháng nhịn đói đã quyết định: Bộ đội được đăng ký gạo ăn theo nhu cầu. Mấy anh ăn khỏe đã đăng ký đến 1kg/ngày, người thì đăng ký 7, 8 lạng đều được đáp ứng hết, miễn là không để thừa hạt cơm nào...
Trải qua cái Tết đói nhất, dường như tinh thần, ý chí của bộ đội càng được tôi rèn để giành những thắng lợi oanh liệt sau này và được đón cái Tết chiến trường đầy đủ cả về vật chất, tinh thần năm Ất Mão 1975.
Giáp Tết Ất Mão 1975, hằng ngày, hàng trăm xe chở lương thực, thực phẩm, đạn dược... ùn ùn tiến vào chiến trường. Bộ đội được cấp thuốc lá Thăng Long hoặc Điện Biên. Tiêu chuẩn gạo nếp, thịt, thuốc men... đầy đủ. Đúng 10 năm, lần đầu tiên chúng tôi mới được gói bánh chưng như Tết ở miền Bắc. Tại Sở chỉ huy Mặt trận, không khí tưng bừng, phấn khởi lắm. Đồng chí Vũ Lăng, Tư lệnh Mặt trận vốn là sinh viên Hà Nội lãng mạn hào hoa, đã cho anh em treo hoa phong lan dày đặc xung quanh các căn lán. Mùa này, rừng Tây Nguyên hoa lan nở khắp nơi, đủ các sắc hoa xanh, đỏ, tím, vàng khiến lòng người thêm chộn rộn. Bộ phận cơ yếu báo về vừa bắt được một con báo. Đơn vị cho tổ chức nấu cao. Sau đó, cao báo được chia nhỏ ra các bình tông hòa với rượu sắn vừa nấu. Đêm Giao thừa có rượu cao báo, có bánh chưng, thuốc lá thơm... Đúng là một cái Tết “như mơ” với người lính!”.
KHÁNH AN