Mùa xuân năm 1975, Nguyễn Long Trảo là cán bộ Tổng cục Kỹ thuật, tham gia chỉ huy công tác tiếp quản tại nhiều đơn vị, cơ sở kỹ thuật quân sự của Mỹ-ngụy ở Sài Gòn. Năm nay đã 87 tuổi, nhưng ký ức về những ngày tiếp quản cụ vẫn nhớ như in…
Trưa 30-4-1975, khi lực lượng của ta tiến vào Dinh Độc Lập thì xe chở đoàn cán bộ kỹ thuật của chúng tôi mới tới TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Nghe đài phát thanh phát tin vui, ai cũng quên hết mệt nhọc, háo hức vô cùng. Chúng tôi giục cậu lái xe có tên là Ban phải tăng tốc cho xe chạy thật nhanh. Trên đường đi gặp nhiều đoàn xe, pháo, mọi người cũng có chung tâm trạng như chúng tôi nên đều tỏ ra rất gấp gáp, vội vàng…
Vào đến Sài Gòn, chúng tôi tạm thời bố trí nơi ăn nghỉ rồi nhanh chóng đi tìm các cơ sở kỹ thuật của chính quyền Sài Gòn để tiếp quản. Những địa chỉ được chúng tôi triển khai lực lượng tiếp quản ngay là lục quân công xưởng ở Gò Vấp, nhà máy sửa chữa xe máy công trình ở đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám), căn cứ 60 truyền tin ở Gò Vấp.
    |
 |
Đồng chí Nguyễn Long Trảo thời trẻ và con trai. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Ngày 10-5-1975, Tổng cục Kỹ thuật thành lập Nhà máy Z755. Tôi được giao nhiệm vụ làm Trưởng phòng Vật tư. Tôi bắt tay ngay vào việc tổ chức sắp xếp, kiểm kê khối lượng lớn các loại vật tư, trang thiết bị kỹ thuật quân sự vừa tiếp quản với hơn 26.000 chủng loại, trị giá theo sổ sách thống kê lên đến hơn 6 triệu đô-la Mỹ. Tiếp đó, chúng tôi thực hiện nền nếp cấp phát vật tư phục vụ hoạt động của các đơn vị. Tôi phụ trách hơn 100 người, trong đó có nhiều sĩ quan, hạ sĩ quan ngụy, người có cấp bậc quân hàm cao nhất là thiếu tá. Ban đầu, lực lượng này tỏ thái độ sợ sệt, lo bị phân biệt đối xử. Tôi trấn an họ rằng, chủ trương của Đảng, Nhà nước là hòa hợp dân tộc. Đất nước thống nhất rồi, tất cả đều là đồng bào của nước Việt Nam, phải biết chung tay, góp sức kiến thiết, xây dựng đất nước. Trước sự động viên, bày tỏ thái độ của chúng tôi, họ luôn tuân theo những yêu cầu đưa ra, răm rắp thực hiện các công việc với tinh thần, thái độ cầu thị. Nhờ đó, những phần việc về chuyên môn kỹ thuật anh em chúng ta chưa quen làm, còn bỡ ngỡ thì đã có lực lượng này thực hiện. Ngay cả những cô thư ký, mới hôm qua, hôm kia còn sơn móng tay đỏ chót, nhưng hôm nay cũng vui vẻ ra sân nhổ cỏ, dọn dẹp vệ sinh, sắp xếp vật tư…
Một trong những vấn đề đặt ra lúc này là tình trạng thiếu lương thực. Nhiều người dân Sài Gòn bị thiếu ăn. Để góp phần giải quyết tình trạng này, tôi phải liên hệ với người thân quen ở quê, sử dụng xe quân sự đi Đồng Tháp mua gạo đem về Sài Gòn phục vụ đơn vị và người dân trong vùng.
Trong cái khó nhiều khi ló cái… liều. Đời sống khó khăn khiến một số anh em binh lính ngụy nảy sinh ý nghĩ, hành vi không tốt. Có lần tôi phát hiện một can xăng 20 lít ai đó đem giấu trong nhà vệ sinh. Tôi đã đoán ra hai người làm việc này nhưng nếu làm lớn chuyện, hai anh này sẽ bị xử lý khá nặng vì vi phạm quy định của chính quyền quân quản. Sau khi suy nghĩ, tôi quyết định gọi hai anh này lên phòng làm việc gặp riêng. Cả hai đều thành thật khai nhận, do gia đình quá túng thiếu nên lén lấy xăng đem ra ngoài bán, kiếm ít tiền chi tiêu. Tôi yêu cầu đem xăng trả lại kho, căn dặn không được tái phạm, rồi móc ví lấy phiếu cung cấp xăng của cá nhân tôi đưa cho hai anh. Tôi nói, tôi cũng khó khăn nhưng sẵn sàng nhường tiêu chuẩn của mình cho các anh. Tôi mong muốn các anh đừng vi phạm quy định. Hành động của tôi khiến hai anh rất bất ngờ, cảm động, rối rít cảm ơn và sau đó rất tích cực trong mọi công việc. Sau này, khi trở về cuộc sống đời thường, tôi có đề nghị một trong hai anh đến làm việc tại xưởng của con trai tôi, anh ấy nhận lời ngay và làm việc rất tận tụy.
Để có nguồn cung lương thực ổn định, tôi đề xuất lãnh đạo cấp trên thành lập một trạm sửa chữa máy cày, máy kéo ở vùng Đồng Tháp Mười, giúp bà con về kỹ thuật để bà con bán lúa gạo cho mình. Vùng này lúc bấy giờ chưa có đường giao thông bộ. Chúng tôi tổ chức vận chuyển máy móc, thiết bị bằng đường thủy. Thấy bộ đội về xây dựng trạm phục vụ dân, bà con địa phương phấn khởi lắm. Khu chợ Mỹ Quý nhộn nhịp, sầm uất hẳn lên kể từ ngày có xưởng cơ khí của bộ đội hoạt động. Cách làm dân vận này về sau được lãnh đạo Tổng cục Kỹ thuật đánh giá cao, nhân rộng áp dụng ở nhiều đơn vị khác…
QUỲNH NGA (Ghi)