Lá thư báo bình an
 
Cuối năm 1968, hoàn thành nhiệm vụ tìm, đưa thương binh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 về hậu phương an toàn, Chủ nhiệm Trinh sát-Đặc công Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 Lê Huy Mai trở lại đơn vị thì được biết: Trung đoàn đã thông báo và gửi quân tư trang của lực lượng trinh sát bị “mất tích”, trong đó có đồng chí Lê Huy Mai về quê hương từ đầu tháng 9. Nghe tin ấy, Lê Huy Mai chết sững vì biết rằng khi nhận các hiện vật và tin con mất tích, bố mẹ ở quê sẽ đau đớn vô cùng. Sau đó vài ngày, trên đường cùng đơn vị hành quân từ Mường Noòng (địa danh trên đất nước Lào) về Quảng Bình để chuẩn bị cho các chiến dịch tiếp theo, Lê Huy Mai gặp anh Luật (người hàng xóm, đang cùng đơn vị hành quân vào Tây Thừa Thiên-Huế) và được anh cho biết: "Gia đình đã khóc hết nước mắt vì tưởng mày hy sinh đấy!".
 
Nghe xong, nỗi nhớ thương cha mẹ và anh chị em trong gia đình bỗng ùa đến. Ban đầu khi nhập ngũ, Lê Huy Mai hạ quyết tâm sẽ không viết thư về cho gia đình với suy nghĩ "nếu có hy sinh, người thân ở quê nhà cũng đỡ đau xót; còn nếu sống sót trở về, niềm vui sướng đoàn viên vỡ òa trong bất ngờ mới thích". Chẳng ngờ có tình huống này xảy ra...
leftcenterrightdel
Thiếu tướng Lê Huy Mai và vợ. Ảnh: TUẤN TÚ.
Tối hôm ấy, bên ánh đèn dầu leo lét, Lê Huy Mai run run viết từng nét chữ trên lá thư đầu tiên gửi về gia đình: “Thầy mẹ thương mến! Con vẫn khỏe mạnh, bình thường. Hiện nay con được ra Quảng Bình an dưỡng một thời gian. Thầy mẹ và mọi người đừng lo…”. Bức thư gửi đi rồi, Huy Mai như trút được tảng đá đè nặng trong lòng mình bấy lâu.
 
Món quà vô giá
 
Một ngày đầu tháng 3-1969, đang ngồi ở phòng làm việc, bất ngờ Lê Huy Mai nhận được thông báo có mẹ đến thăm, đang ở phòng tiếp dân của trung đoàn. Huy Mai vừa chạy như bay xuống nhà tiếp dân của đơn vị, vừa nghĩ: “Làm sao mẹ có thể vượt qua quãng đường hàng trăm cây số, giữa điều kiện chiến tranh thế này để đến tận vùng chiến lửa thăm con?”.
 
Đến nơi, khi thấy mẹ, anh sững lại trong giây lát rồi sà vào lòng mẹ nức nở như một đứa trẻ. “Nhận được thư con là mẹ nhất quyết vào Quảng Bình thăm con ngay…”. Sau câu nói dỗ dành, hai bàn tay mẹ ôm khuôn mặt, sờ nắn khắp người để xem có thật là thằng Mai bằng xương bằng thịt của mẹ hay không khiến Lê Huy Mai không sao cầm được nước mắt.
 
Nghe mẹ kể lại, đúng lúc không khí đón Giao thừa Tết Kỷ Dậu 1969 đang náo nức khắp làng Hoành Nha (nay là xã Giao Tiến), huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định thì gia đình nhận được tin báo "mất tích" của Lê Huy Mai. Sau đó lại nhận được thư con, bà Nguyễn Thị Tý (mẹ của Huy Mai) đứng ngồi không yên nên bà quyết đi tìm. Sáng sớm Mồng Hai Tết, bà khăn gói quả mướp đi bộ từ Hoành Nha lên huyện lỵ Giao Thủy xếp hàng đón xe đi TP Nam Định. Đến Nam Định, bà lại chờ mua vé tàu đi Vinh, rồi từ Vinh cứ đi nhờ, hỏi thăm đường đến chỗ con. Tấm lòng của người mẹ miền Bắc xa xôi đội bom đạn vào tuyến lửa đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của mọi người. Từng ngày, từng chặng, lúc được đi nhờ, lúc phải đi bộ, dù vất vả và nguy hiểm cũng không làm người mẹ ấy sờn lòng. Khi đến Đèo Ngang, bà được một anh bộ đội lái xe tốt bụng cho quá giang tới Đồng Hới để nhờ bà con nơi đây chỉ đường theo địa chỉ ghi trên bì thư. Được các cô bưu điện cho biết, cứ vài ngày là có người của các đơn vị bộ đội tới gửi thư và nhận thư, bà Tý ở lại bưu điện. Chờ đợi liền mấy hôm, cuối cùng bà cũng gặp bộ đội quân bưu của Trung đoàn 1 đưa về đơn vị.
 
Kể đến đây, khóe mắt vị tướng trận mạc rưng rưng xúc động: “Mẹ tôi tìm và lấy từ bị cói ra hai cái bọc được gói cẩn thận và nói: “Mẹ mang cho con bọc bột sắn dây và bột đậu xanh để con uống cho đỡ nhiệt”. Tôi cẩn thận đón lấy mà trong lòng cảm xúc lại dâng trào. Hồi bé, tôi hay bị nhiệt nên thường bị rôm sảy, mụn. Mẹ vẫn pha bột sắn, bột đậu xanh để tôi uống giải nhiệt. Nay con trai của mẹ đã 23 tuổi, nhưng trong lòng mẹ, nó vẫn luôn bé bỏng và cần được chăm sóc. Thế mà tôi vô tâm, không gửi thư về gần 5 năm xa nhà. Đối với tôi, ngày gặp mẹ ấy là món quà vô giá trong suốt cuộc đời”.
 
NGỌC GIANG