“Cuối năm 1972, lúc đó tôi là Chính trị viên phó Đại đội 65. Trong trận đánh cầu xóm Xiếc (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi), giữa đêm đông giá rét, đơn vị cơ động ra chặn đại đội lính Sài Gòn nống ra càn quét. Nhờ bí mật bố trí đội hình chốt chặn liên hoàn, hiểm hóc, lực lượng ta diệt gọn toàn bộ quân địch. Trận ấy, tôi bị đạn địch găm vào chân nhưng vẫn cắn răng chịu đựng vì sợ đồng đội biết sẽ nao núng tinh thần.

Đầu xuân năm 1973, tình hình chiến sự trên chiến trường Quảng Ngãi chuyển hướng thuận lợi cho cách mạng. Tôi được lệnh chỉ huy đơn vị đánh trận sông Cùng, có nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng địch đồn trú tại bốt số 7 (xã Nghĩa Kỳ). Địch dùng thủ đoạn ban đêm chốt quân tại chỗ, ban ngày sục sạo, giết hại dân lành. Biết rõ ý đồ đó, quân ta bí mật mai phục sẵn. Mờ sáng hôm ấy, địch ngông nghênh tiến vào làng, quân ta bất ngờ đồng loạt nổ súng, diệt gọn 17 tên. Số còn lại hốt hoảng bỏ chạy tán loạn. Ta không ai bị thương vong.

leftcenterrightdel
Trung tướng Đào Duy Minh cùng gia đình.

Vừa được đề bạt giữ chức vụ Chính trị viên Tiểu đoàn 81 (Tỉnh đội Quảng Ngãi), tôi đã vinh dự có mặt trong đội hình tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Ngãi. Mở đầu chiến dịch, đơn vị do tôi chỉ huy thực hiện nhiệm vụ diệt chốt Gò Sỏi tại xã Bình Trung, huyện Bình Sơn. Khoảng 5 giờ sáng, lực lượng Tiểu đoàn 81 nổ súng tấn công tiêu diệt toàn bộ đại đội bảo an địch. Chưa đầy vài tiếng đồng hồ sau, quân ta lại quần nhau với lực lượng trung đoàn 4 (sư đoàn 2-quân đội Sài Gòn). Lợi dụng địa hình, địa vật, các loại hỏa lực của ta bắn dồn dập vào đội hình chúng, các mũi tiến công nhanh chóng bao vây, chia cắt, khiến quân địch tháo chạy như ong vỡ tổ.

Ngày 19-3-1975, Tiểu đoàn 81 tiếp tục nhận nhiệm vụ đánh chiếm cầu Nước Mặn và cầu Bình Sơn, chia cắt Quốc lộ 1. Ngay trong đêm ấy, toàn bộ lực lượng tiểu đoàn khẩn trương cơ động về tây Bình Sơn triển khai đội hình, tổ chức phục kích tại xã Trà Bình (huyện Trà Bồng), diệt gọn tiểu đoàn biệt động 69 của địch từ thị trấn Trà Bồng cơ động xuống. Đúng 2 giờ ngày 23-3, Tiểu đoàn 81 tiếp tục nhận lệnh đánh chia cắt địch ở Bình Long. Sau hơn một giờ đồng hồ giao tranh, lực lượng Tiểu đoàn 81 do tôi chỉ huy đã làm chủ trận địa, các bộ phận khẩn trương xây dựng trận địa dã chiến chặn địch rút chạy theo Quốc lộ 1. Đúng như dự đoán, 20 giờ ngày 23-3, toàn bộ quân chủ lực và bộ máy quân sự của địch ở Quảng Ngãi giẫm đạp lên nhau định rút chạy ra hướng Đà Nẵng. Lúc này, Tiểu đoàn 81 đã chốt chặn sẵn trên Quốc lộ 1, khi địch vào tới trận địa phục kích, các loại hỏa lực đồng loạt nhả đạn. 5 xe tăng và 4 xe GMC bốc cháy, quân địch bị động triển khai đội hình đánh trả. Đến 8 giờ ngày 24-3, quân địch đầu hàng vô điều kiện. Lực lượng của ta tiến công giải phóng thị xã Quảng Ngãi...”.

Đang say sưa kể, giọng Trung tướng Đào Duy Minh chùng xuống: “Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, tôi chứng kiến sự hy sinh anh dũng của nhiều đồng đội. Trận truy kích địch vào đêm 23-3 trên Quốc lộ 1, đồng chí Chấn (Chính trị viên phó tiểu đoàn), đồng chí Huỳnh (Đại đội phó quân sự) cùng 3 cán bộ trung đội và 5 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Giọng ông nghèn nghẹn: “Huỳnh bị đạn địch bắn xuyên qua ngực. Lúc ấy tôi chỉ biết ôm chặt Huỳnh vào lòng và thì thầm bên tai bạn: “Huỳnh ơi! Cố lên, quê hương sắp giải phóng rồi!”. Biết không thể qua khỏi, Huỳnh khẽ mỉm cười, giọng đứt quãng: “Minh ơi!... Cậu ở lại... tớ đi đây... Ngày giải phóng... nhớ ghé về... thăm mẹ tớ ở quê nhà!...”. Dặn xong câu ấy, Huỳnh ra đi. Tôi vuốt mắt cho bạn mà lòng đau như muối xát...”.

Một mùa xuân mới đã về. Trong ký ức của Trung tướng Đào Duy Minh lại hiển hiện hình ảnh đồng đội đã hy sinh trong những ngày tiến quân giải phóng Quảng Ngãi mùa xuân năm ấy...

Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG