Để tránh loài thú dữ, bảo vệ đàn gia súc, mang lại cuộc sống yên bình cho nhân dân, già bản Hoàng Tài cho tập hợp tất cả người dân trong bản để tìm cách đối phó với loài lang sói. Ông đưa ra phương án chọn đỉnh núi cao nhất ngay sát bản làm nơi nuôi lợn. Nhờ có trai tráng trong bản thay nhau trông nom, bảo vệ nên cho dù bầy thú dữ thường xuyên rình rập nhòm ngó, nhưng chúng không dám làm gì. Tết đến, dân bản Nà Tèn thi nhau mổ lợn, tưng bừng đón xuân, biểu diễn nghệ thuật múa sư tử mèo, hát sli… rôm rả trong không khí bản làng yên vui hạnh phúc. Kể từ đó, dân quanh vùng gọi nơi đây là núi Hooc Mu.
    |
 |
Tác giả dưới chân điểm tựa Hooc Mu, sáng Mồng Một Tết Quý Hợi 1983. |
Đóng quân trên điểm tựa Hooc Mu, do thời tiết khắc nghiệt, cứ một tuần lễ, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 92, Sư đoàn 337 lại phải thay lá cờ Tổ quốc mới vì ở nơi thừa gió, thiếu trăng của xứ sở sương mù này, không có cái gì là giữ được lâu, chỉ có lòng người chiến sĩ là vững bền theo năm tháng. Bên cạnh đó, đơn vị lại cách xa trung tâm hàng mấy chục cây số nên công tác bảo đảm hậu cần gặp nhiều khó khăn, nhất là mỗi khi Tết đến, xuân về, tiểu đoàn phải cử người xuống tận các bản làng để tìm nguồn thực phẩm nhưng cũng rất khan hiếm. Không thể để bộ đội kham khổ mãi, Thượng úy, Tiểu đoàn trưởng Trương Đình Cung phát động phong trào tăng gia, chăn nuôi ngay trên điểm tựa. Thế là trong toàn tiểu đoàn, hễ có cán bộ đi phép hay chiến sĩ được thưởng phép về các vùng miền khác nhau, đến khi trả phép, không ai bảo ai, mỗi người đều mang theo từ một đến hai con lợn sữa, giống tốt nhất ở quê mình đưa lên điểm tựa. Dãy chuồng lợn xinh xắn nằm bên sườn núi, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, do bàn tay khéo léo của các chiến sĩ tạo dựng theo kiểu truyền thống của dân bản Nà Tèn. Chỉ sau một tháng phát động, Tiểu đoàn 7 đã có hơn 40 đầu lợn từ dưới xuôi đưa lên. Nhờ được chăm sóc chu đáo, đàn lợn lớn nhanh, sinh sôi nảy nở hàng trăm con; trong đó đơn vị gây được 10 con lợn nái.
Từ chỗ khan hiếm nguồn thực phẩm, sau gần một năm, Tiểu đoàn 7 không những tự túc được hoàn toàn thực phẩm, thường xuyên duy trì bảo đảm định lượng ca-lo cho bộ đội theo đúng tiêu chuẩn cấp trên quy định mà còn cung cấp lợn giống cho bà con ở các thôn: Nà Tèn, Tồng Riền, Pó Khuông...
    |
 |
Nghệ thuật múa sư tử mèo của dân tộc Nùng, xã Hải Yến, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: VĂN NGÔ. |
Một kỷ niệm vẫn đọng mãi trong tôi, đó là sáng Mồng Một Tết Quý Hợi 1983, tôi cùng đoàn cán bộ sư đoàn đi kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu và chúc Tết bộ đội Tiểu đoàn 7 trên điểm tựa Hooc Mu. Đến nơi, đoàn không khỏi ngỡ ngàng về một không khí “đón xuân mới không quên nhiệm vụ” của đơn vị. Phía trước điểm tựa là các lực lượng sẵn sàng chiến đấu; phía sau giáp bản Nà Tèn, đơn vị tổ chức các trò chơi dân gian có cả chi đoàn thanh niên cùng bà con dân bản tham gia, trong đó có hai tiết mục đặc sắc nhất là “Bịt mắt bắt lợn” của các chiến sĩ Tiểu đoàn 7 và điệu múa sư tử mèo của bà con dân bản Nà Tèn. Một con lợn choai khoang đẹp như tranh làng Hồ, cổ thắt nơ đỏ được thả vào chuồng đóng cọc vòng vây. Các chiến sĩ thay nhau bịt mắt đuổi bắt lợn trong tiếng hò reo cổ vũ của mọi người và tiếng lợn kêu eng éc như tái hiện câu chuyện cổ tích “Hooc Mu” xa xưa của bản Nà Tèn. Trong đám đông, một cụ già xuýt xoa khen ngợi: “Các anh bộ đội Tiểu đoàn 7 đánh giặc cũng giỏi, chăn nuôi cũng tài. Đúng là những “nàng tiên” trên điểm tựa Hooc Mu”.
NGÔ VĂN HỌC