Tổng thống Thiệu hạ lệnh cho quân đội bảo vệ cho được Xuân Lộc là cửa ngõ vào Sài Gòn. Đây là trận đánh khốc liệt, Quân Giải phóng đã vòng qua Xuân Lộc để tấn công Biên Hòa (gần Sài Gòn hơn), sau một tuần tấn công cả Xuân Lộc và Biên Hòa đều thất thủ. Xuân Lộc-“cánh cửa thép” vào Sài Gòn bị đập vỡ.
Trận đánh có tổ chức nhất của ngụy quân trước cửa ngõ Sài Gòn tháng 4-1975 kết thúc với sự rút lui của các đơn vị tổng trù bị cuối cùng khiến Sài Gòn không còn một lực lượng nào đáng kể để mặc cả với đối phương. Theo lời chuyên viên phân tích chiến lược CIA (Mỹ) Frank Snepp, trong cuốn Cuộc tháo chạy tán loạn thì đại tướng Cao Văn Viên phải bất đắc dĩ mà công nhận rằng: Quân đội không còn chiến đấu được nữa và không còn hy vọng gì thắng trận.
Trước những thất bại gần kề từ sau khi tuyến phòng thủ Xuân Lộc bị chọc thủng, vì những sai lầm liên tiếp, tất cả các phe phái đều muốn loại bỏ Nguyễn Văn Thiệu khỏi chức vụ tổng thống để có thể đàm phán thương lượng với Hà Nội. Theo Alan Dawson, Trưởng phòng đại diện UPI (một cơ quan báo chí quốc tế có trụ sở tại Mỹ), trong cuốn 55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ cho biết “theo họ, ông ta phải chịu trách nhiệm vì những thất bại quân sự quá chóng vánh vừa qua”. Cuối cùng, Nguyễn Văn Thiệu đã phải từ chức tổng thống (ngày 21-4), chính giới Sài Gòn khi đó đã chọn Trần Văn Hương-một ông già hơn 70 tuổi lên làm tổng thống.
Sài Gòn những ngày cuối cùng đã rối loạn, hàng trăm nghìn người tìm cách chạy trốn… Trong số những người ra đi đầu tiên có tổng thống Nguyễn Văn Thiệu-đã được đưa ra sân bay sau khi ông ta từ chức. Cùng ngày, Tổng thống thứ 38 của nước Mỹ Gerald Ford tuyên bố: “Chiến tranh đã kết thúc! Hôm nay nước Mỹ có thể giành lại niềm tự hào... nhưng không thể bằng cách tiếp tục cuộc chiến tranh đã kết thúc”. Nước Mỹ đã chính thức bỏ rơi đồng minh của mình.
Tổng thống Thiệu ra đi trong nước mắt, trong những ngày cuối cùng và trong Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Michael Maclear đã nhắc đến việc Frank Snepp và nhiều đồng sự thuộc cơ quan CIA bảo vệ ông Thiệu (để tránh việc bị ám sát như ông Diệm hồi năm 1963) ra sân bay Tân Sơn Nhất: “Ngồi trong xe, tôi nhìn qua kính chiếu hậu thấy mắt ông Thiệu long lanh ngấn nước…”.
Chiều 26-4-1975, cuộc tổng công kích vào Sài Gòn-Gia Định bắt đầu. Các binh đoàn tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công. Đây là đạo quân ưu tú nhất “đứng hàng thứ 5 trên thế giới” (Michael Maclear). Quân đội Sài Gòn tuy còn khá đông nhưng kháng cự rất yếu ớt, tinh thần chiến đấu không còn. Đại sứ quán các nước lần lượt đóng cửa, hạ cờ. Theo mô tả của nhà báo Pháp Paul Drayfrus, thành phố này đã gần như điên loạn và đang chứng kiến sự kết thúc của một chế độ (Sài Gòn sụp đổ).
Sau một tuần làm tổng thống, Trần Văn Hương đã từ chức, tướng Dương Văn Minh được cử lên thay, người Mỹ cho rằng ông ta có thể đứng ra thương lượng, đàm phán được với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. F.Snepp cho rằng: Việc chậm trễ khi đưa ông Dương Văn Minh lên ghế tổng thống đã không cho các quan chức CIA ở Sài Gòn thêm bất cứ một cơ hội nào để thực hiện một giải pháp thương lượng (Cuộc tháo chạy tán loạn).
Các hướng tiến công đã tiến về Sài Gòn, gọng kìm đã siết chặt, Sài Gòn đã bị bao vây, dây thòng lọng đang dần thắt chặt lại. Các tướng tá của quân lực Việt Nam cộng hòa cởi bỏ quân phục lẫn vào đám tàn quân, dân thường bỏ chạy. Trong các ngày 28, 29-4, các nhân vật cao cấp của chính quyền Sài Gòn tranh nhau lên máy bay lên thẳng của Mỹ để chạy ra nước ngoài; cảnh hỗn loạn xảy ra khắp thành phố.
Hàng chục nghìn người trong thành phố Sài Gòn đang cố gắng di tản, trèo lên những chiếc trực thăng cuối cùng. Người Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam trong sự thất bại đầy cay đắng đó là Đại sứ Martin. Binh lính Sài Gòn rời khỏi chiến trường, rút lui vào thành phố, quân đội không còn sức chiến đấu, Sài Gòn không còn kỷ luật gì nữa, binh lính đào ngũ để hòa lẫn vào dân chúng. Đó là sự chấm dứt cuối cùng “của một cái chết của một chế độ” (Michael Maclear).
Những giờ phút lịch sử cuối cùng của 55 ngày trong cuộc chiến tranh Việt Nam 10 nghìn ngày sắp kết thúc bằng sự kiện chiếc xe tăng của Quân đội nhân dân Việt Nam húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Nhà báo người Đức Borries Gallasch là phóng viên nước ngoài duy nhất có mặt ở Dinh Độc Lập khi đó đã thuật lại sự kiện này trong cuốn Ho-Chi-Minh Stadt, Die Stunde Null (Thành phố Hồ Chí Minh, giờ khắc số không). Khi Gallasch tiến vào đến giữa sảnh của dinh thì cửa thang máy bật mở, bước ra là tổng thống Minh, thủ tướng Mẫu và một vài người đi từ dưới hầm lên. Dương Văn Minh nói với Gallasch: “Thật tốt cho anh khi có mặt ở đây. Anh sẽ chứng kiến sự chuyển đổi vận mệnh của đất nước tôi vào tay những người xứng đáng hơn”... “Và rồi một người lính Giải phóng với khẩu súng bên tay trái và một lá cờ bên tay phải xông lên cầu thang...”. Cờ của Quân Giải phóng được cắm lên nóc Dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử hoàn toàn thắng lợi.
VĂN BIỂU